Mùa đông châu Âu thì ngày càng lạnh, năng lượng sử dụng ngày càng nhiều. Nguồn cung thì ngày càng phức tạp và khó hợp tác. Việc EU phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp là Nga là điều khó có thể tránh khỏi trong tương lai gần.
Biến đổi khí hậu đang là đề tài nóng hiện nay, bởi sự tác động của nó lên đời sống con người và thậm chí là cả chính sách đối ngoại của các nước. Quan hệ Nga - EU là ví dụ rõ nét khi mùa đông châu Âu ngày càng trở nên khắc nghiệt.
Năng lượng là nguồn sống
Vào năm 2010, khoảng từ tháng 10 đến tháng 12, một mùa đông lạnh bất thường đã ập đến châu Âu. Rất nhiều quốc gia bị bão tuyết và cái lạnh buốt giá tấn công. Nhiệt độ tại nhiều nơi xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngay tại nước thường được xem là "xứ nóng" như Tây Ban Nha, tuyết rơi tại 35/51 tỉnh khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Người ta đã ghi nhận 60 trường hợp chết vì lạnh.
Khi mùa đông châu Âu ngày càng khắc nghiệt hơn thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng để đáp ứng nhu cầu dân sinh ngày càng tăng cao đột biến, làm cho EU phụ thuộc nhiều hơn vào Nga - nhà cung cấp năng lượng lớn nhất hiện nay. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển chính sách năng lượng của Nga.
Năng lượng là một trong những con bài cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất hiện nay. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, Nga đang sử dụng nguồn năng lượng như một đòn bẩy chính trị thiết yếu để thực hiện quyền kiểm soát ảnh hưởng đối với các quốc gia châu Âu.
Theo The Economist, Nga đã thỏa mãn được ba điều kiện không thể thiếu trong ngành năng lượng, đó là: kiểm soát toàn bộ nguồn dự trữ, việc sản xuất dầu mỏ trên toàn quốc; kiểm soát tất cả hệ thống đường ống dẫn dầu trên toàn quốc và tới các nước láng giềng; thiết lập được những hợp đồng dài hạn và chắc chắn về cung cấp dầu mỏ cho các nước EU.
Với một hệ thống đường ống dài khoảng 150.000 km, Nga được coi là nước có hệ thống đường ống dài nhất thế giới hiện nay. Có thể nói Nga chi phối hầu như toàn bộ các hệ thống ống dẫn dầu khí của thế giới và phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ châu Âu. Có thể kể đến một đường ống dẫn dầu từ Bulgaria tới Hy Lạp được Nga xây dựng từ năm 2007. Đây chính là đường ống dẫn dầu đầu tiên của Nga xuyên qua lãnh thổ các nước EU, giúp Nga vận chuyển dầu từ Trung Á thẳng tới EU, tránh vòng qua Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực hay xảy ra nhiều bất ổn không có lợi cho việc vận chuyển dầu.
Chưa dừng lại ở đó. Tại khu vực phía nam, Nga cũng đã cho xây dựng một đường ống dẫn dầu mang tên Blue Stream dài 1.213 km đi qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ, với mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD, có khả năng chuyển tải khoảng 16 tỷ m3 khí. Nga đang quan tâm đến việc kéo dài đường ống này tới Hungary. Nếu dự án này thành công, Nga sẽ có được một đường ống dẫn dầu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo.
Quan trọng nhất phải nói đến hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc (North Stream) và Dòng chảy phương Nam (South Stream). Chúng quan trọng đến mức ông Putin ví von là "lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân" trong ngày đầu tiên Nga bơm khí đốt kỹ thuật vào đường ống North Stream vào tháng 9/2011. Khi đi vào hoạt động ổn định, hai dòng này sẽ tạo cho nước Nga lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đó cũng sẽ là biểu tượng cho sự trở lại của Nga trên bàn cờ chính trị châu Âu, làm thay đổi vị thế của nước Nga trong quan hệ với châu Âu.
Quyền lực của Gazprom
Việc Nga tập trung vào khai thác và sản xuất dầu mỏ đã dẫn đến sự hình thành của các tập đoàn dầu khí khổng lồ, đặc biệt là tập đoàn Gazprom. Nhiều người cho rằng, trong chính quyền Nga, cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại không phải là bộ ngoại giao mà chính là Gazprom. Vì vậy, có thể nói những hoạt động của Gazprom chính là những thể hiện tiêu biểu cho quá trình thâu tóm của Nga đối với ngành năng lượng EU.
Gazprom là công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Chính phủ Nga (nắm giữ hơn 50% cổ phần), được thành lập vào năm 1989, trụ sở tại Moscow, chủ tịch là Dmitri Medvedev. Gazprom chiếm khoảng 93% sản lượng khí thiên nhiên của Nga, với lượng dự trữ 28.800 km. Theo các số liệu thống kê thì vào năm 2008, Gazprom đã xuất khẩu 160 tỷ m3 khí đốt sang 27 quốc gia của EU và dự kiến tăng mức giao hàng lên 200 tỷ m3 vào năm 2030. Tới tháng 4/2011, giá trị lượng khí đốt mà Gazprom đã xuất khẩu sang châu Âu đạt con số 72,4 USD. Cùng với đó là việc Gazprom đang thực hiện các kế hoạch tăng dung lượng các kho dự trữ ngầm lên 2 lần, mục tiêu đến năm 2015, tổng khối lượng khí đốt dự trữ có thể đạt tới 4,9 tỉ mét khối và trong năm 2016 có thể đạt tới 6,5 tỉ mét khối.
Thủ tướng Nga đương nhiệm, ông Dmitry Medvedev, từng tuyên bố: "Mục tiêu của Nga không chỉ là cung cấp cho 25% nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu. Chúng tôi phải trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới". Lời tuyên bố đó không khác gì ngoài việc thể hiện sự ủng hộ triệt để của chính phủ dành cho Gazprom. Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc ký kết nhiều hợp đồng cung cấp dầu lửa cho các nước EU, Gazprom còn phát triển các hệ thống dẫn dầu dọc ngang châu Âu.
Bên cạnh đó, tập đoàn này không ngừng bỏ tiền ra đầu tư, mua lại cổ phần từ các công ty phụ trách cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt tại EU. Điều này được minh chứng qua việc hiện Gazprom đã sở hữu 35% cổ phần trong Công ty Phân phối khí đốt Wingas (Đức), 10% trong đường ống xuyên quốc gia giữa Bỉ - Anh và nhiều cổ phần trong một số nhà phân phối khí đốt lớn của các nước vùng Baltic. Ngoài ra, Gazprom còn là cổ đông chính của dự án "Dòng chảy phương Bắc" (51%).
Chưa dừng lại ở đó, Gazprom còn chủ động liên kết với E.ON và RWE - hai tập đoàn năng lượng lớn nhất nhì ở Đức; đặc biệt, RWE đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đường ống Nabucco - một dự án nhằm đối phó với việc phụ thuộc của EU vào Nga. Điều này giúp Gazprom làm lu mờ đề án Nabuco của Mỹ. Đây là một trong những "cuộc chiến" gay cấn nhất trong "bàn cờ lớn" ở khu vực Caspi. Nga đang ở vị thế có thể đánh bại Nabucco khi trong vài năm tới, nước này sẽ ký thêm các hợp đồng mới để cung cấp khí đốt sang châu Âu. Gazprom còn có tham vọng rất lớn trong việc mua cổ phần trong các ngành điện lực, dầu lửa, khí đốt hóa lỏng tại nhiều nước khác trên thế giới.
Nhìn chung, từ những động thái thâu tóm táo bạo này, cơ quan năng lượng quốc tế IEA đã nhận định rằng "năm 2035, Nga sẽ là quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất và là nguồn chính cho sự gia tăng cung cấp khí đốt của thế giới", và gọi Nga là "nền tảng của hệ thống năng lượng thế giới trong những thập kỷ tới". Hiện tập đoàn Gazprom của Nga đã chiếm hơn 3/5 thị trường năng lượng của EU. Xét về mặt địa lí thì Nga cũng gần EU nhất trong tất cả các nguồn cung năng lượng.
Mùa đông châu Âu thì ngày càng lạnh, năng lượng sử dụng ngày càng nhiều. Nguồn cung thì ngày càng phức tạp và khó hợp tác. Việc EU phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp là Nga là điều khó có thể tránh khỏi trong tương lai gần.
EU đã từng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Nga trong việc gia nhập WTO nhằm tìm kiếm một số động thái mềm mỏng từ phía Nga. Đáp lại, Nga cũng đưa ra những điểm mới trong chính sách năng lượng mang "hơi hướng" có lợi cho EU. Tuy nhiên, ngay sau đó EU lại ra một điều luật qui định về việc phân phối dầu mỏ và khí đốt theo hướng bất lợi về phía Nga - hay chính xác hơn là cho tập đoàn Gazprom. Và dĩ nhiên, Nga phản ứng dữ dội về điều này khiến cho những nỗ lực của EU trong vấn đề năng lượng với Nga có khả năng đi vào ngõ cụt.
"Một mùa đông châu Âu" nữa sắp tới, EU sẽ làm gì để hâm nóng mối quan hệ với Nga, đồng thời sưởi ấm cho lục địa già qua cơn giá rét.
Tác giả: Nghĩa Huỳnh - Hà Mai
Theo VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com