Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng nợ buộc Liên minh châu Âu phải cải tổ

Liên minh Châu Âu (EU) chật vật kết thúc năm 2010 vì khủng hoảng nợ và buộc phải đưa ra những biện pháp cải cách “mất lòng dân” nhằm tránh lại rơi vào cảnh khốn khó hiện nay.

Cuộc khủng hoảng nợ đã bộc lộ những "nhược điểm mang tính hệ thống” trong quản lý kinh tế của EU, nhất là việc thiếu một cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ liên minh mặc dù các nền kinh tế thành viên đã hội nhập khá sâu.

Liên minh châu Âu hiện có quyền lực rất hạn chế trong việc định hình các chính sách kinh tế của các nước thành viên. Mặc dù các nước thành viên EU đã ký Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định vốn yêu cầu họ kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, song EU lại thiếu các công cụ thực thi. Đó là lý do tại sao chi tiêu quá mức và mất sức cạnh tranh ở Hy Lạp lại không bị phát hiện trong nhiều năm qua và những lời nhắc nhở các nước vi phạm các qui định tài chính của EU chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”.

Khủng hoảng nợ đã tỏ ra đặc biệt nguy hiểm đối với đồng euro và một vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở một nước thành viên Khu vực đồng euro có thể trở thành tai họa đối với toàn bộ liên minh tiền tệ này.

Nhận thức được sự cần thiết phải điều phối và giám sát tốt hơn các chính sách kinh tế cấp liên minh, các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 10 đã thông qua một kế hoạch toàn diện nhằm cải cách quản lý kinh tế nhằm ngăn ngừa khủng hoảng nợ tái diễn. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho rằng đây là lần cải cách lớn nhất của EU, kể từ khi đồng euro ra đời.

Theo kế hoạch cải cách, các nước EU sẽ đề cao kỷ luật tài chính, thực hiện cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô mới, tăng cường điều phối các chính sách kinh tế và lập ra khuôn khổ xử lý khủng hoảng thường xuyên.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm nâng cấp quản lý kinh tế, các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp cuối cùng của  năm 2010 đã quyết định sửa đổi "có mức độ" Hiệp ước Lisbon để tạo ra một cơ chế đối phó khủng hoảng thường xuyên trong Khu vực đồng euro. Theo nhà kinh tế Fabian Zuleeg của Trung tâm Chính sách châu Âu - một tổ chức tư vấn đóng trụ sở ở Brussels, mặc dù chưa hoàn hảo, song biện pháp cải cách này đã đánh dấu một giai đoạn hội nhập mới ở châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nợ cũng khiến cho EU thêm quyết tâm trong khâu giám sát tài chính, sau khi nạn đầu cơ đã góp phần khiến cho khủng hoảng nợ leo thang. Về phương thức quản lý nền kinh tế, EU có thiên hướng dựa vào sự can thiệp của chính quyền hơn là để cho các lực lượng thị trường tự ý điều chỉnh.

Trong khi Mỹ là một nền kinh tế thị trường tự do với việc chính quyền ít can thiệp vào các hoạt động của thị trường, phần lớn các quốc gia châu Âu lại theo đuổi mô hình kinh tế thị trường có định hướng xã hội - một sự kết hợp giữa cạnh tranh tự do với sự điều tiết của chính quyền. Cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp EU thêm tin tưởng vào mô hình kinh tế đang theo đuổi vì chính sự quản lý của chính quyền Mỹ đối với các thị trường tài chính đã dẫn tới tai họa này.

Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường-xã hội của EU còn lâu mới hoàn hảo và cuộc khủng hoảng nợ là bằng chứng rõ ràng cho thấy mô hình này là không bền vững. Mô hình kinh tế thị trường của châu Âu nổi tiếng về các khoản trợ cấp xã hội hào phóng. Số tiền mà các nước EU chi cho phúc lợi xã hội tính trên GDP cao hơn nhiều so với Mỹ. Mặc dù có đóng góp đáng kể cho công bằng xã hội, song phúc lợi xã hội quá lớn lại tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vì làm tăng thêm gánh nặng thuế.

Trong nhiều năm qua, kinh tế EU đã tăng trưởng  tương đối chậm. Nếu không tăng trưởng mạnh, các nước EU sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hệ thống phúc lợi xã hội và kết cục là dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ nữa. Đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, nền kinh tế thị trường-xã hội của châu Âu cần phải có những sự điều chỉnh và cuộc khủng hoảng nợ hiện nay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Để đối phó với khủng hoảng, các nước EU buộc phải thực hiện một số biện pháp “mất lòng dân” để củng cố nền tài chính công. Các biện pháp này bao gồm việc cắt giảm trợ cấp xã hội, nâng độ tuổi về hưu và hạn chế tăng lương trong khu vực công. Người châu Âu giờ đây phải “thắt lưng buộc bụng”,  nếu họ không muốn dồn gánh nặng nợ nần lên vai các thế hệ con cháu sau này. Để duy trì mô hình kinh tế-xã hội hiện nay, vấn đề mấu chốt là châu Âu cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Ngành hóa dầu Nga: Tiềm năng và thực tại
  • Động thái tích cực
  • Chặng đường chông gai
  • Quốc Hội Hy Lạp thông qua kế hoạch cắt giảm ngân sách khắc nghiệt
  • Nếu nước Pháp từ bỏ đồng euro…
  • Tây Ban Nha công bố kế hoạch đầu tư 83 tỷ euro
  • Nga đăng cai World Cup: Được và mất
  • Châu Âu - khủng hoảng nợ lan rộng