Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng nợ công châu Âu : Hiệu ứng Domino liệu có xảy ra?

Cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đang gây ra nhiều quan ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu, khởi nguồn từ Mỹ. Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là nước nào sẽ kế tiếp Ireland phải xin cứu trợ từ EU và IMF mà dư luận còn đang lo ngại về tương lai của đồng Euro và nguy cơ các nước thành viên rút khỏi khối.

Hiệu ứng Domino đang rình rập

Để tránh cuộc khủng hoảng nợ công lây lan và gây bất ổn cho các nước trong khu vực, chính phủ Ireland đã phải chịu nhiều sức ép từ EU khi nhận sự hỗ trợ về tài chính. Hiện tại, tình hình tài khóa của Ireland khá tồi tệ và để hồi phục cần phải mất nhiều năm nữa, có thể dài hơn so với các dự đoán hiện nay.

Gói cứu trợ 115 tỷ USD (85 tỷ Euro) của EU/IMF có thể mang lại khả năng thanh khoản cho các ngân hàng của Ireland, nhưng không thể giúp các ngân hàng này có đủ tiền để trả hết được nợ công. Về cơ bản, gói cứu trợ sẽ giảm mối đe dọa ngắn hạn của việc khủng hoảng lây lan trong hệ thống ngân hàng của Ireland, nhưng nó không thể giúp ngăn chặn sự lây lan sang các nước khác.

Quy mô của thách thức lần này lớn tới mức mà một số nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang dự đoán điều gì tồi tệ nhất sẽ xảy ra với đồng Euro và liệu cái chết của đồng Euro có tới như nhiều dự đoán bi quan trước đây. Kết cục thảm hại như vậy không phải là không tránh được, nhưng thực sự nó vẫn là một nguy cơ.

Về lý thuyết, khu vực Eurozone có thể tan vỡ theo nhiều cách, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hai kịch bản có thể xảy ra: (1) Một hoặc hai nền kinh tế yếu nhất sẽ quyết định rời bỏ Eurozone; (2) Nền kinh tế mạnh và lớn nhất của Eurozone là Đức quyết định rời bỏ đồng Euro khi nó không còn là lợi ích quốc gia.

Vì thế, sự lo ngại về hiệu ứng Domino là có cơ sở.

Quốc gia nào sẽ kế tục Ireland

Các nhà đầu tư lo ngại rằng Bồ Đào Nha có nhiều khả năng sẽ kế tục Ireland. Ngành ngân hàng của Bồ Đào Nha hiện tại không đến mức tồi tệ như Ireland, nhưng nền kinh tế của Bồ Đào Nha đang bị đè nặng bởi mức nợ gia đình cao, khoảng 99% GDP và nợ tập đoàn ở mức 151% GDP; trong khi triển vọng tăng trưởng của Bồ Đào Nha là yếu nhất trong khối Eurozone. Chính vì thế, giới chuyên gia nhận định trong vài tháng tới Bồ Đào Nha sẽ là nước kế tiếp đề nghị hỗ trợ tài chính từ EU và IMF.

Nếu như Bồ Đào Nha phải đề nghị viện trợ từ EU thì sẽ khiến cho các nền kinh tế đang trong tình trạng tương tự là Tây Ban Nha và Italia cũng sẽ lâm nguy.

Theo giới chuyên gia Anh, mặc dù vẫn có các công cụ để giúp Eurozone đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay nhưng cũng không loại trừ khả năng sụp đổ của đồng Euro. Khoản cứu trợ cho Ireland chủ yếu là để ngăn chặn sự lây lan trong ngắn hạn, giúp cho cuộc khủng hoảng ngân hàng Ireland không bùng phát ra cả khu vực châu Âu. Việc kiểm soát được mối đe dọa này là hết sức cần thiết và cấp bách khi xét đến mức độ tàn phá mà nó có thể gây ra cho cả khu vực.

Nếu như không giải quyết được thì cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ireland sẽ là điềm báo cho một cuộc tái khủng hoảng kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Sự ra đi của các quốc gia khu vực ngoại biên

Nhiều khả năng, một hoặc hai nền kinh tế trong số các nước Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ tiếp tục co lại trong vòng nam năm tới hoặc thậm chí còn trầm trọng hơn do thiếu tính cạnh tranh, thiếu dòng vốn đầu tư và tác động giảm phát, nợ công và nợ tư tăng vào thời điểm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng của tài khóa nội địa ngặt nghèo. Theo kịch bản này, vào năm 2013-2014, các nền kinh tế trên sẽ có mức thâm hụt đáng kể và vượt quá mục tiêu 3% GDP, và để bảo đảm có được nguồn tài chính tiếp tục từ nước ngoài thì các quốc gia này sẽ phải tiếp tục thực hiện cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế sang năm thứ 5, hay thậm chí năm thứ 6 liên tiếp.

Theo lý thuyết kinh tế thì tỷ giá hối đoái sẽ cần phải linh hoạt trong một khoảng thời gian nhất định để khôi phục tính cạnh tranh của các nền kinh tế sau khi rút ra khỏi đồng tiền chung. Đã có các trường hợp trên thực tế chứng minh việc rút ra khỏi khối đồng tiền chung sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, như trường hợp Achentina cách đây một thập kỷ và trường hợp của Anh sau khi rời ERM (Enterprise Risk Management) năm 1992.

Như vậy, quyết định của một quốc gia từ bỏ đồng Euro không nhất thiết sẽ tác động đến quốc gia khác đi cùng. Tuy nhiên, nếu thời gian minh chứng rằng rời bỏ đồng tiền chung sẽ mang lại nhiều lợi ích thì có thể nhiều nước khác sẽ noi theo, như Tây Ban Nha từ bỏ đồng Euro thì Italia cung có thể sẽ cân nhắc việc này.

Sự ra đi của các quốc gia chủ yếu

Điều có thể xảy ra là Đức sẽ là nước quyết định đơn phương từ bỏ sử dụng đồng Euro. Ngay bên lề Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels cuối tháng 10-2010 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo lần đầu tiên về việc Đức có thể sẽ từ bỏ đồng Euro, nếu như nước này thất bại trong việc thiết lập một cơ chế mới cho đồng tiền này. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Merkel đã có cuộc tranh cãi với Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou liên quan tới chính sách cứu trợ các nước thành viên của EU gặp khủng hoảng tài chính.

Hướng phát triển này có thể xảy ra theo nhiều cách thức: (1) Đồng Euro bị mất giá mạnh trên thị trường hối đoái nước ngoài và trở thành một đồng tiền yếu. (2) Sự thất bại tiếp diễn hiện nay của nhiều nước thành viên trong việc giải quyết những bất cân bằng tài khóa tiếp tục kéo dài. (3) Có thể là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có định lượng (QE) với quy mô lớn nhằm mua lại một lượng lớn nợ công của các nền kinh tế yếu hơn. (4) Có thể là nỗ lực của Đức trong việc thay đổi Hiệp ước Lisbon để thiết lập một cơ chế giải quyết khủng hoảng cố định không được chấp thuận bởi các nước thành viên.

Chỉ cần hai trong số bốn nhân tố nói trên xảy ra thì nó sẽ làm suy yếu cam kết của Đức với đồng Euro.

Xét về mặt kinh tế, Đức và các quốc gia khác có mối quan hệ chặt chẽ sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi việc Đức rút khỏi đồng Euro hay một sự đổ vỡ toàn diện của khối đồng tiền chung do các nguyên nhân khác. Nếu như Đức rời bỏ đồng Euro, một số hoặc tất cả các nước thành viên còn lại vẫn có thể quyết định tiếp tục sử dụng đồng Euro. Họ sẽ được lợi từ việc giành được lợi thế cạnh tranh đáng kể từ Đức tại chính thị trường của Đức cũng như các thị trường nước thứ ba.

Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực châu Âu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và thời kỳ tới sẽ tiếp tục là giai đoạn đầy thách thức đối với Eurozone. Sự sụp đổ của đồng Euro sẽ trở thành hiện thực nếu như không có sự đồng thuận về chính sách cũng như của công chúng đối với việc cắt giảm chi tiêu hiện nay.

Trên thực tế, trong cuộc họp mới nhất ngày 6-12-2010, Đức đã chính thức phản đối hai trong số các ý tưởng được ủng hộ rộng rãi về giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone, đó là việc tăng vốn cứu trợ của EU lên 440 tỷ Euro và phát hành trái phiếu châu Âu (E-Bond). Trong khi đó, ECB khẳng định rằng việc mua lại nợ công của Eurozone là 'vũ khí chính' để chống lại cuộc khủng hoảng hiện nay.

Vì thế, sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát, sẽ dẫn đến tái khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu là có cơ sở.

(Theo Nguyễn Nhâm/NDĐT)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nếu từ bỏ đồng Euro, nước Pháp sẽ ra sao?
  • Châu Âu đang... xuống sức
  • Châu Âu nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ lần hai
  • Nga: Sản lượng dầu mỏ 2010 đạt kỷ lục sau hậu Xô viết
  • Anh: Chỉ số thất nghiệp và lạm phát đều tăng
  • Kinh tế châu Âu vẫn ảm đạm trong năm 2011
  • 3 mối nguy hiểm đang đe dọa các ngân hàng Anh
  • Ba trọng bệnh của kinh tế châu Âu