Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Âu đang... xuống sức

Người lao động Pháp biểu tình tại thủ đô Pa-ri.  
Châu Âu vốn được biết đến là nơi có điều kiện sống hàng đầu trên thế giới, với chế độ chính trị xã hội tương đối ổn định, hệ thống phúc lợi xã hội chất lượng cao... Nhưng sau thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, những gì diễn ra tại "lục địa già" dường như cho thấy một châu Âu đang xuống sức.

Ngăn chặn khủng hoảng nợ

Năm 2009 ghi nhận những bước phát triển quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) cả về đối nội và đối ngoại: Hiệp ước Li-xbon, văn kiện đầy tham vọng về cải cách thể chế EU đã được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua; những rạn nứt, căng thẳng trong các mối quan hệ giữa EU với Mỹ, Nga từng bước được loại bỏ. Bước vào năm 2010, năm đầu tiên thực hiện những cải cách lớn, EU liên tiếp đón nhận những thông tin xấu từ các nền kinh tế thành viên, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu (EUROZONE). Sau gói giải cứu nền kinh tế Hy Lạp, châu Âu tiếp tục chật vật thuyết phục Ai-len chấp nhận các biện pháp trợ giúp nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng nợ ở nước này, không để lây lan sang các nền kinh tế khu vực cũng trong tình trạng 'cầm đèn đỏ', như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, I-ta-li-a...

Sáu tháng sau khi EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ra quyết định cứu trợ 120 tỷ ơ-rô (160 tỷ USD) cho Hy Lạp, họ lại phải cứu trợ Ai-len, dự kiến dao động trong khoảng 80 tỷ - 90 tỷ ơ-rô (110 tỷ - 123 tỷ USD). Tuy nhiên, những nỗ lực của EU chặn đứng một cuộc 'đổ vỡ dây chuyền' của các nền kinh tế khu vực vẫn chưa phát huy hết tác dụng, khi tình trạng nợ công của các chính phủ vẫn ở mức báo động. Năm 2010, nợ công của Hy Lạp đã cao hơn 144% tổng thu nhập quốc gia; Ai-len dự kiến thâm hụt ngân sách tới 31% GDP, gấp đôi mức dự kiến của Hy Lạp; Bồ Ðào Nha thừa nhận mức độ rủi ro tài chính cao; Tây Ban Nha đối mặt 'cơn bão' lãi suất trái phiếu Chính phủ, do tâm lý lo ngại bất ổn của giới đầu tư...

Có ý kiến ví cuộc khủng hoảng nợ công đang lan nhanh như cháy rừng với tốc độ nhanh chóng mặt ở các 'mắt xích yếu' trong dây chuyền EUROZONE. Người ta đã đoán định trước được, sau Ai-len nền kinh tế nào phải cầu viện tài chính từ bên ngoài. Thực tế sáu tháng hấp thụ 'toa thuốc cứu trợ' của EU đã phần nào cảnh báo rằng, triệu chứng các 'căn bệnh' của Hy Lạp, Ai-len, hay Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha... có thể giống nhau, nhưng cần những phương thuốc khác nhau, mới mong triệt tận gốc mầm bệnh.

Liệu pháp 'ăn kiêng'

Sụp đổ Ngân hàng Lơ-man Bra-dơ (Lehman Brothers) của Mỹ lan nhanh tới khu vực tài chính và ngân hàng ở châu Âu và toàn cầu đã đẩy kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất hàng thập kỷ qua. Sau giai đoạn kích thích phục hồi kinh tế là thời kỳ 'thắt lưng buộc bụng'. Liệu pháp 'ăn kiêng' áp dụng trên phạm vi toàn khu vực châu Âu, nhất là sau khi Hy Lạp phải cầu viện gói giải cứu EU-IMF. Không chỉ các nền kinh tế đang vật lộn với khủng hoảng nợ như đã kể ở trên, mà ngay cả những nước giàu ở 'lục địa già', như Phần Lan, Ðan Mạch, Luých-xăm-bua, Thụy Ðiển... cũng buộc phải tung ra lộ trình 'thắt lưng buộc bụng' khắt khe chưa từng có, nhằm giảm thâm hụt ngân sách và đối phó khủng hoảng tài chính và nợ công. Những nền kinh tế đầu tầu châu Âu, như Ðức, Anh cũng không nằm ngoài xu hướng này. Luân Ðôn công bố chương trình cắt giảm chi tiêu công lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giảm tới 24% ngân sách các bộ; khoảng 490 nghìn người lao động khu vực công trong diện 'giảm biên chế'...

Cùng với khủng hoảng tài chính, chính sách kinh tế khắc khổ đã khiến hơn 23 triệu người lao động châu Âu mất việc làm. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công, bãi công, biểu tình kéo dài, với quy mô lớn nhất, trên phạm vi toàn châu lục. Biểu tình dẫn đến bạo lực, bất ổn xã hội, đình trệ hoạt động khu vực công, thậm chí kéo theo sự sụp đổ chính phủ, ở nhiều nước trong khu vực, từ Hy Lạp, Ai-len, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, I-ta-li-a cho đến Ba Lan, Ru-ma-ni, Xéc-bi-a... Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra một xu hướng mới: Nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu trong khi áp dụng các chính sách khắc khổ, đang hướng tới một chế độ phúc lợi xã hội dựa trên cơ chế thị trường, ít nhất là đối với tầng lớp trung lưu. Các chính phủ đã nhận ra rằng, khu vực công quá lớn và chi tiêu công cần phải cắt giảm. Dường như người lao động châu Âu cũng bắt đầu thừa nhận thực tế, các khoản trợ cấp hiện nay không thể tồn tại bền vững trong dài hạn...

EU xuống sức?

Bài học từ Hy Lạp, Ai-len gây tổn hại lớn hình ảnh của EUROZONE, khu vực từng được xem là hình mẫu lý tưởng về liên kết vững chắc và thịnh vượng, thậm chí đe dọa phá vỡ liên minh tiền tệ này sau hơn mười năm hình thành. Chủ tịch EU V.Rôm-puy đã phải cảnh báo, EU đang đối mặt một 'cuộc khủng hoảng sống còn' ở khu vực EUROZONE và có thể bị đẩy tới miệng vực tan rã, nếu các thành viên không hợp tác để tiếp tục cùng tồn tại. Ðiều đáng nói là cuộc khủng hoảng đó vẫn chưa có lời giải, do hầu hết các thể chế trong khu vực này tiếp tục lúng túng đi tìm đáp số cho bài toán nghịch, giữa nợ nần và tăng trưởng. Ngay cả nền kinh tế được đánh giá là quản trị tốt như Ai-len, hiện vẫn chưa có liệu pháp cho căn bệnh nợ công của mình.

Bộ phận phân tích kinh tế của tạp chí Nhà kinh tế (Anh) cho rằng, châu Âu đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, khiến người ta hoài nghi về tương lai của đồng ơ-rô và khó tránh được khủng hoảng kinh tế trong năm 2011 và tình trạng trì trệ những năm tiếp theo. Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi cơ cấu quản lý kinh tế, làm suy yếu chính trị, kéo theo những bất ổn xã hội. Thực tế cho thấy, ngay cả trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thì châu Âu đã suy yếu vì khủng hoảng chính trị. Việc Hiệp ước Li-xbon liên tục bị bác bỏ cho thấy một châu Âu thống nhất không còn là hình ảnh hấp dẫn đối với cử tri châu lục này. Trong khi đó, có ý kiến cảnh báo, xu hướng 'quốc gia hóa' đời sống chính trị châu Âu đang lộ dần. Chính quyền một số nền kinh tế thành viên EU đang muốn dần khôi phục những chủ quyền mà họ đã từ bỏ để phục vụ ý tưởng nhất thể hoá châu Âu. Chẳng hạn, thái độ của Béc-lin từng phản đối cứu trợ A-ten trong một thời gian dài cho thấy sự miễn cưỡng đối với tinh thần 'thịnh vượng chung'. Dường như, còn có một cuộc 'khủng hoảng đường lối' đang diễn ra, khi các chính phủ châu Âu lúng túng trong việc tìm lối ra cho tình trạng bế tắc giữa tiết kiệm và tăng trưởng. Người dân đổ lỗi cho chính phủ vung tay với kế hoạch kích thích kinh tế, rồi quay lại siết chặt chi tiêu, gây khó khăn cho xã hội. Tỷ lệ ủng hộ các nhà lãnh đạo I-ta-li-a, Pháp, Ðức đã xuống mức thấp kỷ lục...

Theo Chủ tịch IMF Ð.Xtrốt Can, mô hình xã hội châu Âu sau chiến tranh được xây dựng trên ba trụ cột là hòa bình, tăng trưởng và cố kết xã hội. Châu Âu đang đứng trước thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế và nếu không giải quyết được, mô hình châu Âu sẽ bị phá vỡ. Chỉ có thúc đẩy hội nhập, thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp, châu Âu mới khôi phục được vị thế của mình.

(Theo CHU HỒNG THẮNG/NDĐT)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl