Trong khi các quan chức họp tại Bỉ hôm 28.11 bàn chi tiết về khoản tiền 85 tỉ euro hỗ trợ tài chính cho Ireland, lo lắng của nhà đầu tư dồn sang Tây Ban Nha. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nền kinh tế Tây Ban Nha - lớn gấp đôi nền kinh tế Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cộng lại - đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay hồi cuối tuần qua.
![]() Chỉ số chứng khoán trên thị trường Tây Ban Nha đi xuống hôm 26.11, phản ánh mối lo âu của giới đầu tư và kinh doanh. Ảnh: AP |
Hợp đồng bảo hiểm nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha lên tới 312 điểm phần trăm, cao nhất từ trước tới nay. Điều này có nghĩa, với 10 triệu euro nợ dài hạn của Tây Ban Nha sẽ mất 312.000 euro phí bảo lãnh. Trong khi đó CDS của Bồ Đào Nha là 510 điểm % và CDS Ireland là 595 điểm %.
“Nếu chúng ta tiếp tục theo dõi xu hướng lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, khủng hoảng hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với nền kinh tế đang chiếm 11,7% GDP của eurozone”, ông Gary Jenkins, trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Evolution Securities nói trên tạp chí WSJ.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha, Jose Luis Rodriguez Zapatero khẳng định nước này có kế hoạch đảm bảo để không phải mượn nợ giống như các nước khác và tỉ lệ nợ của Tây Ban Nha đối với GDP vẫn thấp hơn mức trung bình của EU. Trong chương trình thắt lưng buộc bụng, Tây Ban Nha có những biện pháp như giảm 5% lương công chức, tăng thuế giá trị gia tăng lên 18%.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, Tây Ban Nha có mô hình quản lý khác với Ireland, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng nếu khủng hoảng xảy ra. Tây Ban Nha có 17 bang, mỗi bang hoạt động như những vùng tự trị và được phát hành trái phiếu riêng nhằm hỗ trợ chi tiêu. Giáo sư Javier Diaz Gimenez, trường kinh doanh IESE nói: “Tại một nước phân tán quyền lực như Tây Ban Nha, nơi các vùng có quyền chi nhiều nhưng thu ít, nếu chính phủ kiểm soát giá cả, điều đó sẽ gây rắc rối nhiều”. Năm 2009, có tới 14 bang không đáp ứng được chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách đặt ra. Trong thời kỳ bong bóng nhà đất xảy ra, nhiều chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, khi công trình triển khai và hoàn tất, giá cả nhà đất giảm, nhiều địa phương không thể tìm ra tài chính để thanh toán cho các công trình. Theo ngân hàng Tây Ban Nha, hiện 8.000 xã đang gánh khoản nợ 13 tỉ euro. “Các doanh nghiệp nhỏ tồn tại nhờ sự hỗ trợ tài chính của chính quyền thành phố tự trị sẽ gặp khó khăn cùng cực”, nhà kinh tế Carlos Sebastian, đại học Complutense nói. Chỉ riêng thành phố Madrid cũng gánh khoản nợ công 7 tỉ euro Từ năm 2008 đến nay, có tới 200.000 lao động độc lập và doanh nghiệp nhỏ đã mất việc và phá sản. Một số hãng xếp hạng tín dụng như Standard and Poor's và Moody's Investors Service đều hạ mức tín nhiệm tín dụng của Tây Ban Nha.
Một báo cáo từ Citigroup dự đoán Tây Ban Nha, Ý và Bỉ sẽ nhận gói cứu trợ từ liên minh EU-IMF vào năm 2011, trong khi Bồ Đào Nha có khả năng nhận hỗ trợ trước cuối năm nay. Hôm 26.11, quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua ngân sách thắt lưng buộc bụng năm 2011 nhằm giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức 9,3% GDP trong năm 2009 về mức 3% vào năm 2013.
Các nhà phân tích từng cảnh báo khủng hoảng nợ có thể tạo thành hiệu ứng domino ở châu Âu vì các ngân hàng trong khu vực có liên quan chặt chẽ với nhau. Các ngân hàng châu Âu đều nắm giữ một khối lượng trái phiếu chính phủ lớn của các nước trong khu vực. Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu tuần qua cũng rớt mạnh sau các lo ngại trên.
Thêm vào đó, giới đầu tư đang lo ngại đối với sự bất đồng giữa các thành viên eurozone về đề xuất tăng quy mô của quỹ bình ổn tài chính khu vực, thành lập tháng 5.2010, trị giá 440 tỉ euro. Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đề nghị tăng gấp đôi khoản tiền trong quỹ đề phòng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cần giúp đỡ, nhưng Đức, nền kinh tế mạnh nhất khối, lại phản đối.
(Theo K.Dung/FT, WSJ, Fox News/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com