Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu lần thứ hai

Dù tình hình ở Ireland không khả quan, và những nền kinh tế khác trong khu vực đồng euro đang gặp khó khăn, nhưng khả năng sụp đổ theo hiệu ứng domino trong khủng hoảng nợ ở châu Âu khó xảy ra. Thứ nhất, Ireland không nguy kịch như Hy Lạp. Thứ hai, các nước châu Âu đã biết cách cắt giảm ngân sách để phòng tránh những khó khăn tương tự. Thứ ba, đồng euro đang ở vị trí tốt hơn đồng USD và đồng yen.

Ireland không phải là Hy Lạp

Điểm tương đồng duy nhất trong trường hợp của Ireland và Hy Lạp là cả hai đều đóng góp không nhiều vào tổng sản lượng kinh tế của khu vực đồng euro. Nếu Hy Lạp chỉ đóng góp 3%, thì Ireland chỉ đóng góp 2%.

Các khác biệt của hai trường hợp này thì khá nhiều. Hy Lạp phải đối mặt với các vấn đề về cấu trúc. Chẳng hạn như phần lớn các công ty của nước này hoạt động kém cạnh tranh, hàng hoá nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, trong khi tham nhũng tràn lan, yếu kém trong quản lý khiến ngân sách thâm hụt kéo dài, trong khi việc thu thuế không được thực hiện hiệu quả. Ireland thì không như vậy. Nước này có chính phủ và hệ thống cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch. Nền kinh tế tăng trưởng tốt với môi trường mang tính cạnh tranh cao. Và đây là nước có kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Những năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, việc quản lý ngân sách hiệu quả đã giúp nước này cắt giảm được rất nhiều khoản vay nợ. Nợ công của nước này chỉ ở mức 44% GDP, trong khi mức này của Hy Lạp là 100%.

Những khó khăn về tài chính của Ireland, lý do khiến Ireland phải vay tiền của EU và IMF, thực chất không phải là hệ quả của sự hoạt động kém hiệu quả, mà ngược lại là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Đây là cơ sở khiến thị trường địa ốc nước này tăng trưởng quá nóng, để từ đó lan sang khu vực tài chính. Do vậy, các ngân hàng Ireland năm 2008 đã dốc toàn bộ tiền có trong két ra cho vay. Khi khủng hoảng xảy ra, tài sản mất giá, khách hàng rút tiền ra nhiều hơn gây ra tình trạng thiếu thanh khoản, buộc Chính phủ Ireland phải hỗ trợ 45 tỉ euro cho các ngân hàng. Nay cần bơm thêm tiền cho khu vực tài chính, chính phủ nước này thay vì huy động tiền từ các thị trường, đã chọn cách tiếp cận gói cứu trợ của EU và IMF vì lãi suất thấp hơn.

Khi nền kinh tế phục hồi, và thị trường địa ốc sôi động trở lại, các ngân hàng sẽ lại hoạt động hiệu quả và các khoản vay cứu trợ sẽ được Ireland hồi trả. Trong khi với Hy Lạp, những khoản vay từ EU để trang trải những nợ nần – hậu quả của việc quản lý kinh tế yếu kém – có khả năng hồi trả kém hơn.

Khi khủng hoảng tài chính mới bắt đầu, Chính phủ Ireland đã triển khai ba chương trình cắt giảm, và đang chuẩn bị cho đợt cắt giảm thứ tư. Nước này đặt mục tiêu từ 2010 đến 2014 sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ 32% xuống còn 3%. Ngày nay, người lao động khu vực công của Ireland có thu nhập thấp hơn 20% so với trước đây.

Ai nối bước?

Những nước được xem là có khả năng nối gót Ireland xin cứu trợ của EU và IMF như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng đã có các chương trình cắt giảm ngân sách, cụ thể là biện pháp giảm lương và cắt giảm việc làm ở khu vực công, huỷ các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ euro, tăng thuế... Các khoản cắt giảm sẽ giúp Tây Ban Nha trong ba năm tới tiết kiệm được 50 tỉ euro, trong khi ngân sách cũng sẽ giảm khoảng 15 tỉ euro vào năm nay và năm sau, và dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ giảm từ mức chiếm 11,2% GDP hiện nay xuống còn 3% GDP vào năm 2013. Ở Bồ Đào Nha, chương trình cắt giảm dự kiến sẽ hạ thâm hụt ngân sách từ mức 7,3% GDP trong năm nay xuống còn 4,3% GDP vào năm sau. Và việc tư hữu hoá các công ty năng lượng và ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ mang về khoảng 6 tỉ euro. Tại Ý, quốc gia có mức thâm hụt ngân sách ở mức 5,3% GDP, quốc hội đã thông qua việc cắt giảm ngân sách 25 tỉ euro triển khai trong hai năm 2011 và 2012. So với năm 2010, việc chi tiêu ngân sách ở nhiều nước đã được cải thiện, trong khi đó kinh tế bắt đầu phục hồi cũng sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng nợ công ở các nước thuộc khu vực đồng euro.

Ngay cả khi Bồ Đào Nha đề nghị được cứu trợ tài chính thì khu vực đồng euro cũng sẽ không rơi vào tình trạng nguy hiểm, vì Bồ Đào Nha cũng chỉ đóng góp 2% vào tổng sản lượng kinh tế của khu vực.

(Theo Chi Mai/Spiegel/sgtt)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nga tư hữu hóa một phần doanh nghiệp nhà nước
  • Muốn nhập cảnh theo gia đình phải biết tiếng Anh
  • Khủng hoảng nợ châu Âu đang tuột khỏi tầm kiểm soát...
  • Moody’s dọa hạ tiếp xếp hạng tín dụng Hy Lạp
  • Eurozone mắc kẹt trong cái bẫy tài chính-kinh tế
  • London nhiều xe điện nhất Châu Âu
  • Tại sao kinh tế Đức lại phục hồi nhanh hơn Mỹ?
  • Liên minh tiền tệ châu Âu đi về đâu?