Dự án này sẽ thúc đẩy 5 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ hạt nhân
Trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí, Chính phủ Nga có kế hoạch cho xây dựng thành phố khoa học đầu tiên của mình được dựa trên mô hình “Thung lũng Silicon”, một trung tâm công nghệ cao ở Mỹ.
![]() |
Ông Viktor Vekselberg, đồng giám đốc dự án xây dựng thành phố khoa học đầu tiên ở Nga. Ảnh: GETTY IMAGES |
Bệ phóng cho đất nước
Thành phố sẽ được xây dựng mới hoàn toàn trên một vùng có diện tích 370 ha tại thị trấn Skolkovo, ngoại ô Moscow. Dự án nhằm khuyến khích các công ty mới thương mại hóa những ý tưởng hoặc công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện tại phòng thí nghiệm trường đại học. Ông Viktor F. Vekselberg, một doanh nhân Nga được bổ nhiệm làm đồng giám đốc dự án, cho báo The New York Times (Mỹ) biết: “Nước Nga cần một sự đột phá nào đó. Việc thành lập một thành phố phát minh sáng tạo có thể là một bệ phóng cho đất nước nói chung”.
Một khi đi vào hoạt động, thành phố vẫn chưa được đặt tên này sẽ là nơi các công ty mới biến ý tưởng khoa học thành sản phẩm. Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các công ty này cho đến khi họ làm ăn có lời thông qua việc tài trợ hoặc miễn giảm thuế. Những người ủng hộ dự án trong chính phủ và lĩnh vực tư nhân mô tả đây là một nỗ lực nhằm kết hợp truyền thống lập thành phố khoa học dưới thời Liên Xô và mô hình khuyến khích lập doanh nghiệp công nghệ xoay quanh các trường đại học của phương Tây.
Những ý tưởng tương tự đã được bàn bạc trong vài năm qua, nhưng dự án nói trên được thông qua – và được chính phủ tài trợ 200 triệu USD – chỉ trong vòng một tháng sau chuyến thăm Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) của phái đoàn quan chức cấp cao Nga vào tháng 1 vừa qua. Ông Vladislav Surkov, phó chánh văn phòng tổng thống, cho biết thành phố mới sẽ giúp các doanh nghiệp thoát khỏi nạn quan liêu đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế Nga hiện nay.
Năm lĩnh vực ưu tiên
Một tổ chức được sự tài trợ của chính phủ sẽ đảm nhận việc xây dựng và quản lý thành phố.Trong khi đó, giám đốc các công ty công nghệ được nhà nước hỗ trợ tài chính sẽ tham gia tổ chức và đóng góp tiền. Song song đó, một hội đồng khoa học sẽ chịu trách nhiệm quyết định về việc công ty nào được phép hoạt động tại thành phố này. Ngoài ra, các chính sách, quy định mới có thể được ban hành nhằm thu hút doanh nghiệp, tài năng khoa học trong và ngoài nước.
Theo báo Telegraph (Anh), thành phố khoa học mới dự kiến sẽ thúc đẩy 5 lĩnh vực ưu tiên mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề ra, gồm: năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học và công nghệ hạt nhân, đồng thời khuyến khích sự kết hợp của những lĩnh vực này. Theo ông Vekselberg, cơ sở hạ tầng của thành phố có thể được hoàn thành trong vòng 3 năm.
Nói về dự án, ông Yevgeny Kaspersky, người sáng lập Công ty Chống virus Kaspersky Lab, hy vọng rằng Chính phủ Nga chỉ nên giới hạn vai trò của mình ở việc miễn giảm thuế và cung cấp cơ sở hạ tầng. Dù vậy, đây chưa phải là vấn đề mà các nhà hoạch định quan tâm vào lúc này. Trước mắt, họ đang bận tìm kiếm một cái tên cho thành phố khoa học mới nói trên. Một số đề xuất đã được đưa ra, như “Innograd” (Thành phố Sáng tạo), “Gorod Solntsa” (Thành phố Mặt trời) hoặc iGorod (dựa theo cách đặt tên sản phẩm của hãng máy tính Mỹ Apple).
(Theo Phương Võ // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com