Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Pháp: tăng tuổi hưu – nhẹ gánh công, nặng gánh tư

Thứ tư vừa rồi, Chính phủ Pháp loan báo kế hoạch tăng tuổi hưu từ 60 lên 62 trong một phần nỗ lực tiết giảm ngân sách. Kế hoạch này của chính phủ đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.


Lực lượng công đoàn Ouvrière biểu tình phản đối chính sách tăng tuổi hưu. Ảnh: Reuters

Theo kế hoạch đề ra trong vòng từ nay đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu của Pháp sẽ được nâng lên dần dần từ 60 thành 62. Các khoản thu nhập từ việc đầu tư, quyền lựa chọn cổ phiếu… sẽ bị đánh thuế cao hơn, những người lãnh lương hưu cao cũng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Kế hoạch cải cách tuổi hưu cũng quy định người lao động sẽ phải làm việc 41,5 năm mới được nhận lương hưu, tức tăng thêm một năm so với quy định hiện hành là 40,5 năm. Riêng những ai làm việc từ trước năm 18 tuổi sẽ vẫn được nghỉ hưu ở độ tuổi 60, hoặc một số trường hợp đặc biệt liên quan đến sức khoẻ sau khi có giám định cụ thể. Kèm theo đó, Pháp cũng tuyên bố sẽ tăng cường đánh thuế lên những công chức nhà nước lương hưu thuộc hàng “đỉnh”, chính quyền cũng sẽ áp thuế 10,55% đối với lương hưu ở khu vực tư nhân.

Cải tổ để tiết giảm ngân sách

Theo Chính phủ Pháp, kế hoạch này được đưa ra nhằm giảm thâm hụt ngân sách của Pháp khi mức thâm hụt ngân sách đang ở mức 7,5% tức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn 3% do EU đề ra cho các thành viên. Dự báo năm nay, thâm hụt quỹ hưu trí thường niên của Pháp có thể lên đến 40 tỉ USD và có thể lên đến 120 tỉ USD vào năm 2050. Bộ trưởng Lao động Pháp Wœrth Eric cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là mức thâm hụt thấp hơn mà còn là đưa mức thâm hụt về số không”.

Trước đây người tiền nhiệm của ông Sarkozy, cựu Tổng thống Jacques Chirac từng đề xuất thay đổi chính sách an sinh xã hội được xem là quá hào phóng của Pháp nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho chính phủ. Kết quả là ông Chirac bị phản đối quá mạnh mẽ từ phía người dân khiến ông phải từ bỏ kế hoạch. Nay, Tổng thống Sarkozy khéo léo hơn bằng cách đề xuất thay đổi từng bước với mức độ không quá “nặng tay” như ông Chirac từng đề xuất. Ví dụ như chính quyền của ông Sarkozy “cởi mở” hơn khi vẫn cho phép một số trường hợp về hưu ở tuổi 60.

Bên cạnh đó, chính phủ của ông Sarkozy còn lấy lý do tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng để lý giải cho việc tăng tuổi hưu. Ông Wœrth Eric cho biết chính phủ phải thành lập bổ sung một nguồn quỹ lên đến 34,5 tỉ euro để giải quyết tình trạng tăng tuổi thọ.

Cùng thời gian này, Tây Ban Nha thông qua một nghị định thay toàn bộ hệ thống luật “thuê và sa thải” để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách mới cho phép giới chủ dễ dàng hơn trong việc thuê và sa thải công nhân. Kế hoạch này cũng bị phản đối quyết liệt. Công đoàn lớn nhất Tây Ban Nha kêu gọi một cuộc tổng đình công trong tháng 9 để phản đổi thay đổi này.

Người dân phản đối vì lo bị “thiệt”

Ngay khi kế hoạch được loan báo, một loạt các cuộc biểu tình và phản đối đã nổ ra. Một số nhà kinh tế học cho rằng kế hoạch cải cách trên không thể giải quyết được việc thâm hụt quỹ hưu trí thường niên, một phần gây nên tình trạng thâm hụt ngân sách. Người ta cũng cảnh báo việc hưu bổng sẽ trở thành áp lực lớn hơn khi những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ về hưu từ nay cho đến năm 2030. Riccardo Magnani, nhà kinh tế tại trung tâm nghiên cứu CEPII Pháp, cho rằng: “Nó sẽ chỉ giải quyết được một phần nhỏ vấn đề”. Còn kinh tế gia trưởng của châu Âu tại Nomura ở London, Laurent Bilke nói rằng: “Tuy giới hạn điều chỉnh tại Pháp vẫn còn rộng hơn nhiều nước châu Âu, nhưng cần phải xét đến hoàn cảnh nước Pháp”.

Hầu hết các nhà lãnh đạo công đoàn đều tuyên bố sẽ chống lại quyết định trên và tuyên bố độ tuổi hưu 60 là: “Không thương thuyết”. Các lãnh đạo công đoàn cho rằng kế hoạch cân đối lương hưu của chính phủ do ông Wœrth Eric đưa ra là “không trung thực” và sẽ không thể cân đối được ngân sách lương hưu năm 2018 vì kế hoạch mới chỉ dự đoán được kết quả đạt được. Jean-Claude Mailly, người đứng đầu lực lượng công đoàn Ouvrière, phát biểu trên truyền hình rằng: “Ông Wœrth Eric giống như ảo thuật gia David Copperfield. Ông muốn phục hồi cân bằng ngân sách, nhưng đó là một ảo tưởng”. Các đại diện công đoàn đều cho rằng chính phủ nên chọn một giải pháp hữu hiệu khác để cân đối ngân sách.

Có lẽ, từ nay đến khi đề xuất cải cách được đưa lên quốc hội vào tháng chín tới, giới công đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc biểu tình và phản kháng chống lại kế hoạch trên. Nếu không khéo, những cuộc biểu tình có thể bùng nổ ở mức độ nghiêm trọng hơn như từng xảy ra trong quá khứ.

( Theo Ngô Minh Trí (theo WSJ/Reuters/BBC) // SGTT Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • “Virut nợ” Hy Lạp lan rộng: Italy “nhập viện”
  • NATO cắt giảm chi tiêu do khủng hoảng kinh tế
  • Thấp thoáng bóng hồng Việt Nam
  • Thổ Nhĩ Kỳ muốn hạn chế tàu chở dầu Nga qua biển Đen?
  • Nga sẽ chi 4 tỷ USD mua máy bay Boeing
  • Hy Lạp có nguy cơ tăng lạm phát và suy thoái lâu dài
  • Đức cần khoảng 1.150 chiếc máy bay trong vòng 20 năm tới
  • Tranh chấp khí đốt Nga – Belarus leo thang đe dọa châu Âu