Trong khi Mỹ tích cực đi vay nước ngoài, quốc gia này cũng chi cật lực cho các nước khác trên thế giới theo các mục tiêu khác nhau. Trong đó, đáng chú ý, hàng năm nước Mỹ ước chi hơn 50 tỷ USD cho các hoạt động viện trợ quân sự và kinh tế ở nước ngoài.
Tờ Thời báo Kinh doanh Quốc tế mới đây đã dẫn báo cáo thống kê của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, trong số 10 quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ, tỷ lệ nguồn tài chính cho lĩnh vực quân sự chiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã chi hàng triệu USD viện trợ dân sự.
Dưới đây là 10 quốc gia được nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ.
10. Nigeria
Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Nigeria là quốc gia giàu có thứ ba ở châu Phi, nhưng sự phân chia của cải không đồng đều đã đẩy phần lớn dân số nước này vào cảnh nghèo đói. Đất nước đang phải đương đầu với tình trạng bất ổn này hiện mỗi năm nhận được khoảng 600 triệu USD tiền viện trợ. Riêng năm 2012, tổng số tiền viện trợ từ Mỹ dành cho Nigeria sẽ tăng lên 660 triệu USD.
9. Kenya
Trận hạn hán khủng khiếp ở Vùng Sừng châu Phi đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nguy hiểm. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD viện trợ lương thực và đồ thiết yếu cho Kenya. Năm ngoái, tổng số tiền viện trợ dành cho Kenya là 687 triệu USD. Số tiền này được chi cho các nỗ lực chống nghèo đói, khuyến khích dân chủ, chống khủng bố. Năm nay, Mỹ định chi cho Kenya 750 triệu USD.
8. Mexico
Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Mexico có hiệu quả kép, vừa tăng cường an ninh cho quốc gia này vừa hỗ trợ bảo đảm an ninh cho chính nước Mỹ. Mỗi năm, Mỹ đều hỗ trợ Mexico cả về tiền của lẫn nhân lực để đẩy lùi tệ nạn buôn lậu ma túy. Theo sáng kiến Merida, từ năm 2007 tới 2010, Mỹ đã chi cho Mexico 1,6 tỷ USD tiền viện trợ quân sự và 757 triệu USD trong năm 2010 để sử dụng vào các chương trình an ninh, phát triển kinh tế và chăm sóc sức khỏe.
7. Jordan
Viện trợ nước ngoài là một phần đóng góp đáng kể đối với kinh tế của Jordan. Dưới thời Tổng thống BarackObama, khoản viện trợ của Mỹ dành cho quốc gia này từ năm 2009 tới nay đã tăng từ 363 triệu USD lên 500 triệu USD và sau đó là 850 triệu USD.
6. Iraq
Năm 2010, Mỹ đã chi cho Iraq 1,1 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động tái thiết và tăng cường an ninh. Hiện Mỹ đang tiến hành các hoạt đông rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Iraq, nên số tiền viện trợ có thể còn được nâng cao hơn nữa. Dự kiến, số tiền viện trợ cho năm tài khóa 2012 sẽ gấp đôi con số năm 2000.
5. Haiti
Cho tới nay, Haiti vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả thảm khốc do trận động đất khủng khiếp năm 2010 gây ra. Haiti đã nhận được viện trợ 1,77 tỷ USD từ Mỹ trong năm 2010 và khoảng 1 tỷ USD trong năm 2011. Trên thực tế, Haiti vẫn đang là một trong những quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ, trong suốt giai đoạn từ 1998 cho tới 2008.
4. Ai Cập
Ai Cập đã nhận được 1,75 tỷ USD từ Mỹ, trong đó khoảng 1,3 tỷ USD là cho các hoạt động quân sự. Kể từ sau cuộc nổi dậy ở Ai Cập hồi tháng 1 năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã viện trợ 100 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ Mỹ tham gia chương trình phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển việc làm, xóa đói giảm nghèo ở Ai Cập, cùng 65 triệu USD cho các sáng kiến xây dựng dân chủ. Sau vụ tấn công vào 17 văn phòng tổ chức phi chính phủ, một số thành viên trong Chính phủ Mỹ định cắt giảm viện trợ cho Ai Cập.
3. Pakistan
Hoạt động viện trợ của Mỹ dành cho Pakistan vài năm gần đây đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Quốc gia này đã nhận được 1,6 tỷ USD tiền viện trợ quân sự và khoảng 1 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ khác, nhưng một phần số tiền này đã bị Chính phủ Pakistan dùng chi cho các kẻ thù của Mỹ như Taliban hay Haqqani hoặc để chứa chấp những tên khủng bố như Osama bin Laden và Mullah Omar. Kể từ ngày 11/9/2001 tới nay, Mỹ đã chi cho Pakistan hơn 20 tỷ USD.
2. Israel
Viện trợ cho Israel đã tăng đều trong suốt một thập niên qua. Riêng trong năm 2011, Israel đã nhận được 190 triệu USD từ USAID. Isarel cũng là nước nhận được viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ, với 2,75 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2010. Trong hơn 10 năm qua, nước này đã nhận được tổng cộng gần 17 tỷ USD và tổng cộng gần 60 tỷ USD nếu tính từ năm 1949. Mỹ coi Israel là đồng minh quan trọng nhất của mình ở Trung Đông và đang đầu tư để xây dựng “một lực lượng quân đội hùng hậu và chuyên nghiệp” cho nước này.
1. Afghanistan
Cho tới giờ, Afghanistan vẫn là quốc gia nhận được nhiều tiền từ Mỹ nhất. Cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động từ năm 2001 tới nay đã tiêu tốn của Mỹ hơn 1.000 tỷ USD và cũng trong khoảng thời gian này, Afghanistan đã nhận được hơn 50 tỷ USD viện trợ nước ngoài. Mỹ đã chi hơn 4 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động xây dựng kinh tế và đảm bảo an ninh cho quốc gia này. Khoảng một nửa số đó được dành để huấn luyện và trang bị cho quân đội. Ngoài ra, Afghanistan còn nhận được 1,5 tỷ USD. Trong năm 2012, ngân sách viện trợ cho Afghanistan dự kiến là 3,2 tỷ USD.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com