Kinh tế Mỹ gặp quá nhiều “vận xui” trong nửa đầu năm 2011 và chính lãnh đạo hàng đầu của Mỹ cũng tính toán sai về kinh tế nước này.
Khi WSJ công bố các dự đoán kinh tế Mỹ năm 2011 vào tháng 2/2011, các chuyên gia hết sức lạc quan.
Tin tưởng vào đà phục hồi của nền kinh tế ở thời điểm cuối năm 2010, họ dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,6% trong quý 1/2011; 3,4% trong quý 2/2011 và 3,5% trong quý 4/2011.
Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011, tương phản hoàn toàn so với cách đây vài tháng. Dưới đây, có thể kể đến 3 giả thuyết về sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Kinh tế Mỹ đã không phục hồi được với tốc độ thường thấy sau mỗi đợt suy thoái kinh tế thế nhưng cũng đủ để giúp thất nghiệp giảm dần dần.
Tất cả các dự báo đều sai: Quý 1/2011, kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng thất vọng 1,9%. Trong tuần tới, chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ công bố tăng trưởng GDP quý 2/2011 không mấy ấn tượng hơn, khoảng 1,4% đến 1,5%.
Khảo sát của WSJ với dự báo của các chuyên gia cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 3 và quý 4/2011 đã bị điều chỉnh giảm xuống 3,1% và tăng trưởng nửa đầu năm 2012 xuống dưới mức 3%.
Trong tuần trước, Goldman Sachs khẳng định khả năng kinh tế suy thoái không nằm trong dự báo của họ thế nhưng rõ ràng không thể loại bỏ kịch bản trên nếu xét đến các số liệu kinh tế thời gian gần đây.
Giả thuyết thứ nhất, kinh tế Mỹ đã đương đầu với quá nhiều yếu tố “xui xẻo” trong nửa đầu năm 2011. Cuộc cách mạng hoa nhài tại thế giới các nước Arập đẩy giá xăng tăng cao, điều này không bao giờ tốt. Sóng thần và thảm họa hạt nhân gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Khủng hoảng nợ châu Âu không khỏi khiến nhà đầu tư và giới điều hành kinh doanh trên khắp thế giới lo lắng.
Giả thuyết thứ hai đến chính từ nội bộ chính phủ Mỹ. Có thể gói kích thích tài khóa ban đầu có quy mô quá nhỏ và việc chính phủ ngại ngần đưa ra gói thứ 2 là một sự sai lầm. Việc chính phủ Mỹ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu hiện nay dẫn đến sai lầm tiếp theo. Kịch bản thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ quá mức vào năm 1937 đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái có thể tái diễn.
Khi niềm tin trở thành món hàng xa xỉ trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ yếu tố nào khiến bất ổn tăng lên chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đã quá lo lắng, môi trường kinh doanh tê liệt. Chắc chắn “trò chơi” với trần nợ của các nhà hoạch định chính sách gây tổn hại không nhỏ đến niềm tin, thứ vốn đã quá hiếm ở hiện tại.
Ông Ben Bernanke, chủ tịch Fed, trong luận văn tiến sỹ của mình cách đây 32 năm đã viết về yếu tố bất ổn, cũng giống như ông đã nhắc nhở Quốc hội trong thời gian gần đây: “Hiện nay đang tồn tại tâm lý không rõ ràng về quy định, thế nhưng còn cả tâm lý lo lắng liệu kinh tế có hồi phục ổn định hay không. Người ta không thể biết liệu có nên đầu tư hay tuyển dụng bởi họ không thể chắc chắn liệu kinh tế có tiếp tục hồi phục. Vì thế chúng ta cần phải làm rõ về vấn đề quy định, thương mại, môi trường thuế và chắc chắn cả môi trường tài khóa. Chúng tôi muốn làm cách nào đó giúp kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và người Mỹ tự tin hơn.”
Đánh giá về quan điểm: Dù khá thuyết phục thế nhưng thật khó để chứng minh rằng chính sách khác nhau sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
Giả thuyết thứ ba: Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã chẩn đoán sai về “căn bệnh” của kinh tế Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Obama đã kỳ vọng rằng chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa cũng như xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh khi hiệu ứng từ chính sách tài khóa và tiền tệ nhạt đi.
Gói kích thích đang bị thu hẹp dần thế nhưng lĩnh vực tư nhân không tăng trưởng tốt hơn. Chính quyền Washington đã cầu nguyện rằng thị trường nhà đất hiện đã hồi phục thế nhưng mọi chuyện không phải như vậy.
Chuyên gia kinh tế Ken Rogoff và Carmen Reinhardt, hiện nay được coi như hàng đầu trong nhóm các chuyên gia kinh tế, lấy dẫn chứng rất nhiều số liệu để khẳng định rằng sau khủng hoảng tài chính, mọi chuyện thường hết sức khó khăn. Tình hình kinh tế hiện nay mang đến bằng chứng để họ viết chương tiếp theo cho cuốn sách của mình.
Chuyên gia quản lý tiền tệ Peter Fisher tại BlackRock khẳng định kinh tế Mỹ sẽ đương đầu với xu thế tăng trưởng không ổn định, biến động trên phố Wall tăng cao. Lý do? Người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ không thể vay tiền dễ dàng như trước.
Thẻ tín dụng và các khoản vay giúp họ vay tiền khi thu nhập giảm, cũng giống như trước khi suy thoái kinh tế xảy ra. Khi họ có nhiều tiền, họ tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Nửa đầu năm 2011, người tiêu dùng bước vào chu kỳ chi tiêu hạn chế.
Ngọc Diệp
Theo WSJ // CafeF
---------------------------------------------------------------------
Trong khi một số người không tin mọi chuyện sẽ là thảm họa nhưng có khả năng nó sẽ dẫn đến nhiều thảm kịch kinh tế, gây tác động xấu đến đồng USD, trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, hệ thống ngân hàng và nhiều tài sản Mỹ khác.
Khi thời hạn ngày 02/08/2011 đang đến gần, hãy nhìn vào một số lựa chọn đầu tư nên tính đến nếu giải pháp nâng trần nợ Mỹ không được đưa ra.
Vàng
Vàng hiện nay đã ở mức giá cao kỷ lục thế nhưng nó thường được coi như “tiêu chuẩn vàng” của mọi loại hình đầu tư an toàn.
Kịch bản nước Mỹ vỡ nợ sẽ gây chấn động kinh khủng đến hệ thống tài chính dựa trên tiền giấy, người ta sẽ “điên cuồng” tìm đến tài sản đã được coi như công cụ giữ giá trị tồn tại đến hàng ngàn năm nay.
Đồng franc Thụy Sỹ
Cũng giống như vàng, đồng franc Thụy Sỹ đang giao dịch ở mức cao kỷ lục. Tình hình tài khóa của Thụy Sỹ khá ổn, đất nước được điều hành bởi các chính trị gia đáng tin cậy, Thụy Sỹ còn độc lập với hệ thống ngân hàng châu Âu. Đáng chú ý: đất nước này đề cao ổn định tài khóa và cho đến nay ngân hàng nước này đã đón nhận lượng tiền lớn từ khu vực còn lại từ châu Âu.
Đồng krone của Nauy
Cũng giống như Thụy Sỹ, Nauy khá an toàn với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Tình hình tài khóa của nước này vững vàng, ngoài ra, Nauy còn là nước dầu mỏ vì thế đồng tiền này còn có giá trị hàng hóa.
Đồng yên Nhật
Nhiều người cho rằng Nhật đương đầu với khủng hoảng nợ giống như Mỹ, thế nhưng thị trường không đồng ý.
Qua thời gian, cả đồng yên và trái phiếu chính phủ Nhật đều “chiến thắng”. Nước này có thặng dư thương mại lớn, hệ thống ngân hàng không liên quan đến rủi ro kiểu Mỹ và hệ thống chính trị thống nhất, lãnh đạo kinh tế Nhật sẽ không đưa ra biện pháp “tự hủy diệt” kiểu Mỹ.
Đồng real của Braxin
Kinh tế Braxin mạnh và không gặp phải rắc rối như nhiều nền kinh tế khác.
Đồng đôla Singapore
Khi các nền kinh tế châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh, đồng đôla Singapore trở thành loại tiền nên sở hữu.
Kinh tế Singapore có phần giống kinh tế Thụy Sỹ và có trung tâm ngân hàng cá nhân riêng, người giàu đổ tiền vào đây ngày một nhiều.
Đất nông nghiệp
Ông Barton M. Biggs, người điều hành quỹ đầu cơ nhiều tỷ USD Traxis Partners tại New York, và chuyên gia Marc Faber đều khuyên nên mua đất nông nghiệp nếu kinh tế sụp đổ. Nếu mọi chuyện trên thế giới này thực sự tồi tệ, giá đất nông nghiệp sẽ tăng nóng.
Bạc
Trong thời gian qua giá bạc đã tăng khá án tượng. Giá bạc thường tăng mạnh khi kinh tế tăng trưởng nóng bởi nó được sử dụng nhiều trong công nghiệp.
Đồng đôla Canada
Kinh tế Canada liên quan khá mật thiết với kinh tế Mỹ, vì vậy nếu kinh tế Mỹ sụp đổ, Canada sẽ chịu không ít tác động. Tuy nhiên, Canada luôn duy trì chính sách tài khóa ổn định và đồng thời là nước sở hữu nhiều loại hàng hóa khác nhau.
Ngọc Diệp
Theo BusinessInsider// CafeF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com