Ở giữa rừng Amazon, khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, một nhóm thợ rừng đang đi tiên phong trong việc khai thác rừng bền vững, góp phần làm giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân gây ấm nóng toàn cầu.
![]() |
Một mảng rừng xanh Amazon đã bị hạ nay trở thành nơi gặm cỏ của gia súc. Ảnh: Reuters |
Đội chiếc mũ bảo hộ màu cam của hợp tác xã lâm nghiệp Flona Tapajos, Marcelo Castro len lỏi vào rừng sâu cùng các đồng nghiệp. Đến khu vực quen thuộc, anh chọn ra một cây theo danh mục của chính phủ, rồi bất chấp sự nhớp nháp của thân cây ẩm ướt, anh khởi động máy cưa xích và bắt đầu thực hiện những thao tác thuần thục…
Thân cây dài đến 26 mét đã kêu rền rĩ một góc rừng trước khi ngã ầm xuống đất. Nhưng nhờ đường cưa cẩn thận và chính xác của Castro, thân cây đã đổ theo hướng ít gây hư hại cho những cây khác xung quanh nó.
Hai giờ sau, thanh tra viên của chính phủ, Carlito Lira, ghi loại, nguồn gốc và số hiệu của cây vào sổ theo dõi, đồng thời ghi tên của người có nhiệm vụ giao gỗ vào thành phố cũng như biển số xe tải chở gỗ.
Gỗ được khai thác tại khu vực này, nằm ở vùng phía tây bang Para, được vận chuyển đến cảng Santarem cách đó một giờ xe chạy, rồi được đưa lên tàu ra Đại Tây Dương để đưa sang châu Âu. Số gỗ này được chứng nhận là không bị khai thác bất hợp pháp.
Chính phủ Brazil đã giao 32.000 hécta thuộc rừng quốc gia Tapajos cho hợp tác xã Flona Tapajos khai thác theo nguyên tắc hợp tác xã được hưởng 15% lợi nhuận. Hợp tác xã mỗi năm hoạt động trong phạm vi 1.000 hécta rừng và họ chỉ đốn những cây đã được chọn trước. Sau đó, khu vực đã khai thác xong sẽ được bảo tồn trong 30 năm để rừng được tái sinh.
Được thành lập cách đây bốn năm, hợp tác xã hiện có 60 thành viên. Đơn vị này đã được chính phủ trao giải Kinh doanh bền vững và vừa được một hợp đồng trị giá 2 triệu đôla Mỹ với một công ty kinh doanh gỗ xẻ.
Ông Sergio Pimentel, chủ nhiệm hợp tác xã, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là khai thác lâm nghiệp theo hướng bền vững để con cháu chúng tôi nhận thấy được lợi ích của cách khai thác đó”.
Bà Lia Melo, chuyên gia thuộc trường đại học Para, ca ngợi phương thức khai thác này “vì nó không gây ảnh hưởng đến khí hậu mà còn giúp bảo vệ rừng thông qua những hoạt động chọn lọc và có giới hạn”. Theo bà, sự hiện diện của nhân viên hợp tác xã trong khu vực này sẽ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng.
Nhưng việc lập ra những mô hình như Flona Tapajos lại tốn kém và đòi hỏi thợ rừng phải được đào tạo chuyên nghiệp. Hợp tác xã này đã được thành lập với sự tài trợ lên đến 800.000 USD trong một phần của dự án hợp tác Brazil – Đức.
Tuy còn ít, nhưng những dự án bền vững như vậy sẽ được bàn thảo tại hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu đã khai mạc ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 7.12. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi vì nạn đốt rừng đang thải ra một lượng khí CO2 rất lớn, chiếm đến 20% trong tổng lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển. Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo rằng khí CO2 hiện chiếm đến 75% trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trái đất tăng lên, gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.
Brazil hiện là nước đứng hàng thứ tư thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu do lượng CO2 thải ra từ việc tàn phá rừng Amazon rộng lớn của nước này. Brazil đã cam kết cắt giảm 36 – 39% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, bằng cách giảm tối đa tình trạng khai thác rừng trái phép. Nước này cũng kêu gọi các nước giàu tài trợ cho các nước nghèo trong công tác bảo tồn rừng, và đề xuất này đã được tán thành tại hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của khối Thịnh vượng chung bế mạc ngày 29.11 tại Trinidad và Tobago.
(Theo Trúc Thịnh // SGTT Online // AFP)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com