Vụ chiếc máy bay loại nhỏ và chiếc trực thăng đâm nhau trên bầu trời New York ngày 9-8 đã đặt ra lo ngại về an ninh và an toàn trên bầu trời này. Một nhóm 7 nhà làm luật tại New York vừa gây áp lực buộc Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) siết chặt các luật nhằm bảo đảm an toàn cho bầu trời New York.
Vấn đề hiện nay là FAA có nên sửa lại luật về các chuyến bay tầm thấp khi mà khu vực này ngày càng có nhiều máy bay tư nhân ngắm cảnh. Một trong các luật đang gây tranh cãi là có nên buộc các máy bay loại nhỏ và trực thăng trang bị máy bắt sóng để radar có thể phát hiện cũng như trang bị hệ thống chống va chạm như các máy bay dân dụng cỡ lớn hay không.
![]() |
Vớt chiếc trực thăng rơi dưới sông Hudson. |
Theo một cựu quan chức ngành hàng không Mỹ, ông Barrett Byrnes, vấn đề là ở tầm bay thấp, các tòa nhà cao tầng đã cản hết sóng radar nên bộ phận kiểm soát không lưu không thể liên lạc với các máy bay cho dù họ có trang bị hệ thống bắt sóng radar. Hơn thế nữa, để kiểm soát tất cả máy bay ở tầm thấp thì sẽ không đủ kiểm soát viên vì lượng máy bay tầm thấp quá nhiều.
Ngoài ra, cũng có đề nghị rằng các phi công của các loại máy bay này cũng phải có kế hoạch bay như các máy bay lớn. Theo Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York, ông Jerrold Nadler, thật khó có thể hình dung rằng bầu trời New York quá chật chội hiện nay lại không thuộc quyền quản lý của FAA. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTBS) cho ông biết rằng FAA không có thẩm quyền trong phạm vi không phận có độ cao dưới 350m.
NTBS cho biết thêm rằng họ đã nhiều lần đề nghị FAA cũng như ngành công nghiệp tham quan bằng trực thăng cải thiện độ an toàn các đường bay tầm thấp, nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi. Sau vụ một chiếc máy bay tầm thấp đâm vào một tòa nhà tại New York năm 2006, FAA đã ra lệnh cấm bay đối với các máy bay cất cánh cố định tại khu vực hành lang phía Đông sông Hudson.
Hiện nay, New York chỉ cho phép các máy bay nhỏ bay dọc theo tuyến Bắc-Nam của con sông Hudson tại khu vực trung tâm New York. Theo người phát ngôn của FAA, bà Laura Brown, hầu như các thành phố lớn trên thế giới đều có hành lang bay cho phép máy bay trực thăng và các máy bay tầm thấp khác hoạt động.
Một khi ở trong khu vực hành lang này, sẽ có các luật giống như luật giao thông trên xa lộ. Khi bay vào khu vực này, các phi công được đề nghị công bố vị trí máy bay qua sóng radio. Nhiều người còn cho rằng nên quy định thời gian bay trong ngày dành cho máy bay và trực thăng riêng rẽ nhau. Nhưng ý kiến này bị bác bỏ vì như vậy vào những giờ được bay, lượng máy bay dồn vào lớn hơn bình thường càng dễ gây tai nạn.
Sau sự kiện 11-9, FAA đã chấm dứt khu vực hành lang bay dành cho máy bay tầm thấp tại thủ đô Washington. Nhiều quan chức New York cũng muốn theo gót Washington D.C cấm toàn bộ các trực thăng, thế nhưng nhiều người đã phản bác đề xuất này với lý do là những doanh nhân bận rộn cũng cần đi trực thăng chứ không riêng gì du khách tham quan. Hơn thế nữa, các chuyến tham quan bằng trực thăng của du khách ngày càng phổ biến ở New York, nếu cấm trực thăng sẽ là một thiệt hại lớn cho ngành du lịch ở khu vực này.
(Theo Khánh Minh/CS Monitor/SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com