Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảnh báo về suy thoái mới

Các nhà đầu tư lo lắng vì sự đảo chiều theo hướng xấu của thị trường chứng khoán
Những dữ liệu kinh tế không tích cực trên khắp thế giới đã làm tăng nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế khác đang trên đường hình thành.

Chứng cứ rõ ràng hiện ra rõ vào thứ năm vừa qua khi doanh số bán nhà và sản xuất của Mỹ suy yếu. Dấu hiệu cũng khá cụ thể khi các ngân hàng Châu Âu đang tăng gánh nặng nợ nần trong khu vực và cố gắng vực dậy nền kinh tế.

Những dấu hiệu

Sự gia tăng nỗi lo lắng đã kích động lượng bán ra cổ phiếu lớn trên TTCK và dẫn các NĐT tới việc tìm kiếm nơi an toàn để cất giữ tiền là trái phiếu Chính phủ Mỹ. Các nhà kinh tế nói sự suy yếu của nền kinh tế và sự đảo chiều theo hướng xấu của TTCK đã bắt đầu tác động đến chính chúng. Sự mất điểm liên tục, dai dẳng của giá cổ phiếu đã xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và DN. Biểu hiện đặc trưng của vấn đề đó là họ chi tiêu và đầu tư ít hơn. Và một khi họ làm như vậy, giá cổ phiếu có xu hướng giảm sâu hơn.

Theo chuyên gia của ngân hàng Morgan Stanley và Bank of America Merril Lynch một phản ứng mang tính hậu quả tiêu cực giờ đang xuất hiện tại nền kinh tế Mỹ và Châu Âu. Cả hai đang trong tình trạng nguy hiểm, gần ngưỡng với suy thoái và điều quan trọng hai nền kinh tế không làm được nhiều để mang lại sự cân bằng cần thiết. Cũng theo Morgan Stanley và Bank of America Merrill Lynch, đã xuất hiện một trong ba dấu hiệu chính của một cuộc suy thoái, trong số đó nổi rõ những vấn đề như:

Các NĐT cũng ngày càng lo lắng về các nền kinh tế ốm yếu của Châu Âu và khả năng của giới lãnh đạo Châu Âu trong việc tái giải quyết khủng hoảng nợ công.

Một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho thấy lượng hàng hóa sản xuất tại Mỹ trong tháng 8 bị suy giảm nhiều nhất trong hơn hai năm qua. Lượng nhà bán ra tại Mỹ cũng giảm tới 3,5% trong tháng 7/2011 và là lần giảm thứ ba liên tiếp trong 4 tháng. Hoạt động mua bán nhà đất tại Mỹ đang thụt lùi so với năm ngoái và sẽ là kém nhất kể từ năm 1997. Theo chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp cầm cố Andrew Davidson thì dường như đang có một sự tương quan giữa TTCK và giá nhà đất. Giá tiêu dùng tăng 0,5% trong tháng 7, chủ yếu do giá gas và lương thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, chưa tính gas và lương thực tăng 0,2%. Sự gia tăng giá cả càng tạo thêm gánh nặng cho người dân Mỹ, vốn đã bị sức ép lớn về thu nhập tăng chậm do kinh tế đình trệ. Do đó các nhà kinh tế hy vọng giá tiêu dùng sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.

Sau những thay đổi thất thường trong tháng qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones trung bình đã mất 14% tính từ 14/7/2011, kể cả lần suy giảm kỷ lục thứ năm tuần trước với 419 điểm. Chính vì thế một cuộc khảo sát tháng này cho thấy lòng tin của người tiêu dùng đã bị suy giảm tới mức thấp nhất trong 31 năm qua.

Tại Châu Á, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã lâm vào khủng hoảng kể từ khi xảy ra động đất và sóng thần vào tháng 3/2011. Sự suy yếu của Nhật Bản càng làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Ngày càng lo lắng

Các NĐT cũng ngày càng lo lắng về các nền kinh tế ốm yếu của Châu Âu và khả năng của giới lãnh đạo Châu Âu trong việc tái giải quyết khủng hoảng nợ công. Cổ phiếu ngân hàng Châu Âu tiếp tục giảm mạnh tuần qua. Các ngân hàng Châu Âu đang bị buộc phải chi trả nhiều hơn cho các khoản vay ngắn hạn vì họ cần tài chính để duy trì hoạt động thường ngày. Một số ngân hàng bị dính líu lớn vào các khoản nợ của Hy Lạp và một số nền kinh tế ốm yếu khác nên đang phải trông cậy vào các khoản cho vay của ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vì các ngân hàng tư nhân không dám làm ăn với họ.

Tuần qua, ECB cho biết một ngân hàng đã vay 500 triệu USD một ngày trong chương trình cho vay USD của ECB và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2011 có một ngân hàng sử dụng tới chương trình này. Kết quả không có nhiều trong cuộc gặp khẩn cấp giữa tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel về sự trì trệ kinh tế của Châu Âu và khủng hoảng nợ công tại đây đã càng làm cho việc bán tháo các cổ phiếu ngân hàng Châu Âu xảy ra mạnh hơn.

Với các dấu hiệu như trên của hai khu vực kinh tế quan trọng của thế giới là Mỹ và Châu Âu, giới chuyên gia kinh tế phương Tây cho rằng những dấu hiệu về một đợt suy thoái kinh tế mới đang ngày càng xuất hiện nhiều và nếu như sự can thiệp của chính quyền Mỹ và Châu Âu không đạt hiệu quả mong muốn thì thế giới phải chuẩn bị đương đầu với đợt suy thoái mới.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)