Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cắt giảm chi tiêu quốc phòng: Chiến lược mới của Mỹ

Cuối tuần qua, với 58 phiếu thuận và 40 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã đứng về phía Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma khi từ chối khoản chi tiêu mới trị giá 1,75 tỷ USD để mua thêm 7 máy bay chiến đấu tàng hình F-22. Khoản tiền trên được dành ra trong dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 680 tỷ USD đang được thảo luận tại Quốc hội, là khoản bổ sung ngoài đơn đặt hàng chế tạo 187 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình loại này.

 

Vì cắt giảm chi tiêu, máy bay được mệnh danh là “chim ăn thịt” này đã bị Mỹ ngừng sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết khẳng định, Lầu Năm Góc đã có đủ số máy bay này để đáp ứng các nhu cầu chiến dịch. Ông hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu trên, coi đó là một "bước quan trọng" tiến tới việc kiềm chế ngân sách quốc phòng. Theo phác thảo của ông Ghết, Lầu Năm Góc sẽ không mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 vượt 187 chiếc đã đặt. F-22 được đánh giá là loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới hiện nay với giá 140 triệu USD/chiếc, một giá lúc bình thường đã quá cao, giờ trở nên không thể kham nổi trong thời khủng hoảng kinh tế. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, trong lúc Mỹ đang phải đối phó với hai cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan cũng như thâm hụt ngân sách khổng lồ, khoản chi tiêu mới cho F-22 của Tập đoàn Lockheed Martin là một "sự lãng phí tiền của không thể tha thứ được".

 Quyết định phân bổ lại ngân sách quốc phòng là một phần trong chương trình của ông B.Ô-ba-ma. Trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ đang chìm trong khủng hoảng, có khả năng rất lớn là Quốc hội sẽ bác mức dự thảo ngân sách quốc phòng 534 tỷ USD cho năm tài khóa 2010 mà ông Ghết đưa ra. Chính vì thế, Lầu Năm Góc hy vọng sẽ thuyết phục được giới lập pháp bằng các kế hoạch thực tiễn hơn, chứ không phải bằng những kế hoạch ngốn nhiều tiền với mục tiêu cho "tương lai" như trước đây.

 Chẳng hạn, thay cho chương trình F-22 tốn kém, ông Ghết cho rằng, Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy sản xuất F-35, loại máy bay chiến đấu có tính năng kém hơn F-22 nhưng giá chỉ bằng khoảng một nửa. Phác thảo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời cho thấy chiến lược quân sự mới của chính quyền B.Ô-ba-ma, đó là chuyển từ việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy ước lớn sang mục tiêu đối phó với các nhóm nhỏ. Thế nên, ngân sách trong thời gian tới sẽ hướng vào việc sản xuất các phương tiện như thiết bị do thám phục vụ cho việc tiêu diệt các ổ nhóm ở vùng biên giới Pa-ki-xtan - Áp-ga-ni-xtan, các thiết bị hỗ trợ binh sĩ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, các phương tiện chống khủng bố, hải tặc... Kế hoạch mà ông Ghết đưa ra mang đậm dấu ấn thực dụng của Tổng thống B.Ô-ba-ma, khác hẳn với "Lá chắn tên lửa" hay "Chiến tranh giữa các vì sao"... của các "triều đại" trước.

 Tuy nhiên, dự án ngừng sản xuất F-22 đã vấp phải sự phản đối của một số  thượng nghị sĩ thuộc các bang Giê-oóc-gi-a, Tếch-dớt và Ca-li-phoóc-ni-a - nơi sản xuất, nghiên cứu F-22. 

 

Theo nhìn nhận của các nhà phân tích, sự điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tình hình mới chính là điểm cốt lõi của vấn đề, chứ việc cắt giảm các chương trình tốn kém không đồng nghĩa với "thắt lưng buộc bụng". Trên thực tế, ngân sách đề nghị 534 tỷ USD cho tài khóa 2010 (không bao gồm khoản mua máy bay F-22) vẫn cao hơn con số 513 tỷ của năm 2009 và hầu như bằng tổng chi tiêu quốc phòng của tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại.

(Theo Kim Phượng // Hanoimoi Online)

  • Mỹ trấn an Gruzia về quan hệ của nước này và Nga
  • Thâm hụt kinh tế Mỹ chạm mức 1,3 nghìn tỉ USD
  • Từ vụ âm mưu khủng bố tại Niu Y-oóc: Mối đe dọa ngay trong lòng nước Mỹ
  • Whinsec - Lò đào tạo đáng sợ của Mỹ
  • Mỹ tiếp tục mở rộng quân đội
  • Mỹ muốn xây dựng thế giới “đa đối tác”
  • Kinh tế Mỹ đang dần ổn định
  • Mỹ chi thêm 30 triệu USD chống ma túy tại biên giới