![]() |
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Geithner, hệ thống tài chính Mỹ đã yếu ớt một cách bi thảm trong thời kỳ khủng hoảng. Ảnh Reuters |
Chính quyền Obama đã tiến một bước dài trong công cuộc cải tổ hệ thống tài chính Mỹ mà sự yếu kém của nó đã kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm ngoái.
Hôm qua thứ Ba (27-10) chính phủ Mỹ đã đưa ra một dự luật có tính chất lịch sử nhằm xử lý những rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế và đã giành đươc sự phê chuẩn của một ủy ban trong Quốc hội cho phép thực hiện một biện pháp mới, theo đó các quỹ đầu tư an toàn (hedge fund) phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ.
Dự luật về rủi ro hệ thống sẽ trao quyền hành rộng rãi cho một hội đồng điều hành rủi ro hệ thống mới thành lập, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) nhằm giám sát và xử lý những mối đe dọa sự ổn định kinh tế gây ra bởi các tập đoàn tài chính yếu kém.
Trong một biện pháp nhằm đảo ngược hàng thập kỷ lỏng lẻo trong việc giám sát thị trường chứng khoán Wall Street và các ngân hàng, dự luật này khẳng định mạnh mẽ quyền lực của nhà nước, nhằm tránh tái diễn những vụ cứu nguy như vụ cứu các tập đoàn bảo hiểm AIG, ngân hàng Citigroup và Bank of America hồi năm ngoái.
Dự luật cũng cố gắng chuyển chi phí thực hiện các nỗ lực bình ổn thị trường tài chính tương lai cho các doanh nghiệp trong ngành thay vì lấy tiền đóng thuế của người dân bằng cách buộc các doanh nghiệp có tài sản lớn hơn 10 tỉ đô la Mỹ phải thanh toán mọi tổn thất từ những hành động mà FDIC phải thực hiện để giải quyết những vấn đề mà các công ty bị sập tiệm gây ra.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama nói rằng, dự luật này hết sức khẩn cấp và tối cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi kinh doanh liều lĩnh quá đáng của các tổ chức tài chính lớn. “Chúng ta không thể đáp ứng những thử thách này bằng sự thay đổi nhỏ lẻ”, ông Obama viết trong lá thư gửi cho ông Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ. Ông Obama cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh hơn, trong đó không có doanh nghiệp nào là “quá lớn đến mức không để cho sập tiệm được”.
Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua trong một vài tuần sắp tới, dự luật này sẽ là trung tâm trong một nỗ lực quyết liệt của đảng Dân chủ Mỹ nhằm siết chặt sự giám sát các ngân hàng và thị trường vốn.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, hôm thứ Ba tại New York, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cảnh báo trước hội nghị thường niên Hiệp hội Thị trường Vốn và Chứng khoán Mỹ - quy tụ các nhà ngân hàng và môi giới chứng khoán hàng đầu của Mỹ - rằng họ không thể nhìn vào mắt người dân Mỹ mà nói rằng sự điều hành tài chính hiện nay là tốt đẹp. Theo ông Geithner, hệ thống tài chính Mỹ đã tỏ ra yếu ớt một cách bi thảm trong thời gian khủng hoảng, buộc chính phủ Mỹ phải ứng phó bằng cách đưa ra những quy định mới và củng cố các quy định cũ. “Đây là cuộc chiến tranh bắt buộc chứ không phải là tùy chọn. Và là một cuộc chiến công bằng”, ông Geithner nói.
![]() |
Dự luật mới sẽ không cho phép cứu nguy những doanh nghiệp tài chính "quá lớn" như AIG. Ảnh epochtimes |
Một phần khác trong dự luật cải tổ của chính phủ Mỹ - đòi hỏi các quỹ an toàn và các công ty đầu tư cổ phiếu tư nhân phải đăng ký hoạt động với chính phủ - cũng đã được ủy ban của ông Frank phê chuẩn hôm qua. Ủy ban này cũng đã phê chuẩn dự luật thành lập một cơ quan giám sát mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ tài chính như vay tiền qua thế chấp nhà cửa, vay tiền qua thẻ tín dụng, và điều hành việc mua bán các sản phẩm tài chính phái sinh theo hình thức trao tay (OTC).
Dự luật thành lập Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng dịch vụ tài chính (CFPA) – cũng là một phần trọng tâm trong chương trình cải cách của chính phủ Mỹ - dự kiến sẽ được đưa ra toàn thể Hạ viện Mỹ để xem xét phê chuẩn sớm nhất là vào ngày mai thứ Năm 29-10.
Trong lúc Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đang có những tiến bộ đều đặn và mạnh mẽ trong việc cải tổ hệ thống tài chính thì Thượng viện Mỹ tỏ ra khá chậm chạp vì vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của giới vận động hành lang và các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Các nhà làm luật chủ yếu của Thượng viện Mỹ vẫn còn nhiều quan điểm khác xa nhau chung quanh những vấn đề chủ chốt, kể cả vấn đề thành lập cơ quan bảo vệ người tiêu dùng CFPA.
(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Reuters)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com