Thật ra, tư nhân hóa trường công (cũng như tư nhân hóa y tế) chỉ là một trong những công đoạn chót của quá trình tư nhân hóa toàn cầu mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chủ xướng như là dấu ấn của chủ nghĩa tư bản. La-ri En-li-ốt và Gin Tri-nơ thuật lại cái thuở đầu của làn sóng tư nhân hóa ngay cả ở một nước tư bản lâu đời là Anh: "Tư nhân hóa không hề là một cuộc cách mạng qua đêm, mà là một tiến trình cháy chậm, thật sự bắt đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Thát-chơ. Thật ra, Gim Can-la-han đã bán gần hết Tập đoàn dầu hỏa BP trong những năm 1970 để làm hài lòng IMF. (Người bảo vệ, 22-11-2000).
Im-ma-nu-en Uôn-lơ-xtanh, trong bài "Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do toàn cầu", trên trang thông tin của Ðại học Yale, tháng 2-2006, đã nhắc lại nguồn gốc của làn sóng này như sau: "Các chính phủ cánh hữu ở Hoa Kỳ (Ri-gân) và Anh (Thát-chơ) cùng hai cơ quan tài chính liên chính phủ IMF và WB đã đẻ ra cái gọi là "thỏa thuận Washington". Bà Thát-chơ đã đề ra khẩu hiệu "TINA" (There is no alternative - Không có giải pháp nào khác) để thúc giục các chính phủ tuân theo chủ trương tư nhân hóa tất cả, bằng không sẽ phải trả giá bằng sự chậm tăng trưởng và sẽ bị từ chối hỗ trợ tài chính quốc tế. Các chính phủ lần lượt tư nhân hóa các ngành công nghiệp, mở cửa biên giới thương mại và tài chính, cắt giảm chi tiêu an sinh xã hội". Bét-ti Rết Man-đen, trong bài báo "Tư nhân hóa đủ thứ trần đời" (New Politics, vol. 9, no. 1-2002), mô tả quá trình này: "Trong hai thập niên qua, giới kinh doanh tha thiết tước lấy từng chức trách mà các chính phủ trước kia nắm giữ, trong kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ đó. Các công ty ngày càng kiểm soát các dịch vụ cơ bản như bệnh viện, nhà tù, vệ sinh". Giô-han Ba-xtin của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu than: "Nếu các công ty đóng chai được không khí chúng ta đang thở, họ cũng dám giành bán lắm, y hệt như đã bán nước đóng chai".
Tư nhân hóa được trưng ra như là một cây đũa thần mang lại hiệu quả kinh tế, đối nghịch với quốc doanh. Sau làn sóng tư nhân hóa ở chính các nước tư bản, đến làn sóng tư nhân hóa ở các nền kinh tế kế hoạch hóa, cũng dưới cây gậy chỉ huy của hai nhạc trưởng IMF và WB.
Chiến dịch tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ
Ngày 19-2-1995, một bài viết đăng trên tờ Bưu điện Washington đã đóng dấu học thuật cho trào lưu tư nhân hóa trường công bởi chữ ký của tác giả bài báo: Min-tơn Phri-đơ-man, "Nobel kinh tế 1976". Khi đích thân một "Nobel kinh tế" hô hào "Trường công: Hãy tư nhân hóa chúng" thì đó không chỉ là một lời kêu gọi suông, mà là một bản án đối với trường công.
"Nobel kinh tế 1976" Min-tơn Phri-đơ-man cho rằng: "Hệ thống giáo dục tiểu học và trung học của chúng ta cần được xây dựng lại từ nền tảng, từ những khuyết điểm của hệ thống hiện hành. Nhu cầu đó càng bị thúc ép bởi những hậu quả của các cuộc cách mạng kỹ thuật và chính trị trong các thập niên qua. Các cuộc cách mạng này hứa hẹn một sự gia tăng đáng kể trong sản lượng thế giới, song cũng đe dọa gia tăng xung đột xã hội xuất phát từ việc mở rộng khoảng cách thu nhập giữa giới tinh hoa ưu tú và lớp lao động không có chuyên môn cao...".
Các cuộc cách mạng kỹ thuật và chính trị mà "Nobel kinh tế 1976" Min-tơn Phri-đơ-man đề cập chính là cuộc cách mạng tin học, kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực và sự sụp đổ trước đó sáu năm của mô hình CNXH ở Ðông Âu và Liên Xô.
Ông ta hô hào: "Chúng ta cần có một hệ thống trường tư rộng rãi và nghiêm túc hơn nữa. Theo tôi, việc tái xây dựng nền giáo dục chỉ có thể hoàn tất qua việc tư nhân hóa một phân đoạn lớn của hệ thống giáo dục bằng cách cho phép các tổ chức tư nhân, vị lợi nhuận, triển khai cung cấp các cơ hội học tập đa dạng đồng thời cạnh tranh hiệu quả với các trường công".
Lô-gích mà "Nobel kinh tế 1976" đưa ra rất... tam đoạn luận:
- Xã hội Mỹ cũng như mọi xã hội khác phải theo kịp đà tiến khoa học kỹ thuật và bảo đảm công bằng xã hội, bằng không sẽ bị các nước khác qua mặt và rơi vào phân hóa khủng hoảng nội bộ.
- Trường công đã quá bết bát, không đáp ứng được nhu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật; trường tư đáp ứng tốt, song chỉ phục vụ một thiểu số có tiền. Bất công xã hội từ trong nhà trường sẽ kéo dài sau này khi trẻ nhà giàu đi học trường tư, trẻ nhà nghèo đi học trường công đó vào đời.
- Ðể tránh khủng hoảng xã hội đó, phải chữa tận gốc: thay trường công bằng trường tư.
Tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ là nhượng quyền cho các nhóm giáo chức hay công ty giáo dục nhận công tác điều hành một trường công trong hy vọng sẽ ra khỏi lối mòn giáo dục cũ. Các trường được nhượng quyền đó (tạm dịch từ chữ charter school) sẽ hoạt động độc lập, tự ấn định chương trình sao cho đáp ứng nhu cầu địa phương, tự tuyển giáo viên theo phương châm của mình, nhận kinh phí từ ngân sách địa phương. Nếu hoạt động không "ra hồn", qua các cuộc kiểm tra trình độ học sinh, các trường này sẽ bị cắt tài trợ.
Trong hệ thống đó, chìa khóa chính là phiếu học phí, phiếu trợ cấp giáo dục (school voucher, education voucher) mà với đó phụ huynh (đủ chuẩn xã hội được hưởng) có quyền chọn trường công hay tư cho con em mình. "Nobel kinh tế 1976" mô tả như sau: "Các phiếu học phí (cung cấp) phổ quát sẽ cho phép mọi người có thể đưa con mình đến trường. Các phiếu học phí đó, cho dù có kém hơn ngân sách dành cho mỗi học sinh, cũng đủ để học sinh theo học tại một trường tư vị lợi nhuận song cung cấp được một nền giáo dục tốt hơn".
"Nobel kinh tế 1974", Phri-đơ-rích Au-gớt Vôn Hay-éc cũng giải thích về mô hình trường tư thay thế trường công này trong "The Constitution of Liberty" (Thành tố của tự do) như sau: "Như Giáo sư Min-tơn Phri-đơ-man đã viết trong "The role of government in education", (Vai trò của chính phủ trong giáo dục), nay hoàn toàn có thể cung cấp chi phí giáo dục phổ thông từ ngân sách mà không cần phải duy trì trường công, bằng cách cấp cho phụ huynh các phiếu trợ cấp giáo dục mà mỗi trẻ em có thể đóng cho nhà trường mà các trẻ chọn lựa. Với đại bộ phận dân số, không chối cãi gì nữa, hoàn toàn có thể giao toàn bộ việc tổ chức và quản lý giáo dục cho tư nhân, chính phủ chỉ cần cung cấp chút ít tài chính cơ bản đồng thời bảo đảm một tiêu chuẩn tối thiểu cho mọi trường nhận học sinh theo phiếu trợ cấp đó".
Có thể thấy, tại sao "Nobel kinh tế 1974" Phri-đơ-rích Au-gớt Vôn Hay-éc lại đồng hội đồng thuyền với "Nobel kinh tế 1976" Min-tơn Phri-đơ-man. Là những kinh tế gia đầu đàn trong một thời kỳ, các vị ấy phản ánh "xu thế thời đại" của họ, thậm chí "cầm đèn đi trước". Thời kỳ ấy là thời kỳ chiến tranh lạnh. Nếu kinh tế tân tự do có những ngọn cờ đầu là tổng thống Ri-gân ở Hoa Kỳ, nhất là Thủ tướng Thát-chơ ở Anh với hàng loạt quyết định tư nhân hóa ngành đường sắt, viễn thông, khí đốt, công nghiệp thép, hãng hàng không quốc gia, thậm chí cả các hãng xe Rolls - Royce và Jaguar, thì các trường công có được (bị) tư nhân hóa cũng không phải là chuyện lạ.
Tấm bảng hiệu "The Friedman Foundation for Educational Choice" (Quỹ Phri-đơ-man vì sự chọn lựa giáo dục) mà "Nobel kinh tế 1976" Min-tơn Phri-đơ-man sáng lập tóm tắt rất rõ nền giáo dục Hoa Kỳ sau công cuộc tư nhân hóa trường công.
Vỡ mộng tư nhân hóa trường công
Sẽ là lầm lẫn nếu nghĩ rằng, ở Hoa Kỳ trường công đã biến mất sau chiến dịch tư nhân hóa trường công. Năm 1991, tiểu bang Min-ne-xô-ta thông qua đạo luật trường nhượng quyền này trước tiên, năm sau đến tiểu bang Ca-li-pho-ni-a... Hiện mới chỉ có khoảng 3.000 trường "nhượng quyền" tại 40 tiểu bang. Năm học 2004-2005, theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, có 3.294 trường "nhượng quyền" so với 90.001 trường công "cổ điển" tại Hoa Kỳ, thu hút khoảng 4% số học sinh. (Nguồn: U.S. Department of Education, National Center for Education Statistics - Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia). Cũng theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, số học sinh tiểu học và trung học năm học 2006-2007 tại các trường công là 49,3 triệu, tăng 0,4% so với năm học trước (49,1 triệu).
Ngày 17-8-2004, Ðài phát thanh NPR đưa phóng sự "Học sinh các trường "nhượng quyền" có kết quả học tập kém hơn học sinh trường công", dẫn nguồn Hiệp hội Giáo chức Hoa Kỳ. Ngày 23-11-2004, tờ Thời báo Newyorl cho biết, kết quả khảo sát trước đó hai năm của Bộ Giáo dục liên bang tại năm tiểu bang Tếch-dát, Cô-lô-ra-đô, I-li-noi, Ma-xa-chu-xét và Bắc Ca-rô-lai-na cho thấy: 96% học sinh trường công đạt chuẩn học tập trong khi chỉ có 66% học sinh các trường nhượng quyền đạt chuẩn. Những tin tức thê thảm về "thành tích" của trường tư liên tục được công bố. Một khi kết quả dạy và học kém như thế làm sao có thể tiếp tục duy trì các trường nhượng quyền từ ngân sách tài trợ của nhà nước (hay địa phương). Từ năm 2004, ở Ca-li-pho-ni-a, 60 trường nhượng quyền đã bị đóng cửa.
Vỡ mộng trường tư ở Hoa Kỳ nằm trong bối cảnh của vỡ mộng kinh tế thị trường bằng mọi giá mà hậu quả là cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Im-ma-nu-en Uôn-lơ-xtanh, tác giả của "Sự cáo chung của chủ nghĩa tân tự do toàn cầu", viết về sự toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản này như sau: "Vấn đề là
kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ. Phân phối thu nhập toàn cầu và trong mỗi nước trở nên tuyệt đại: Tăng của cải cho 10% dân số, đặc biệt cho 1% dân số "đỉnh cao", trong khi dân số còn lại giảm thu nhập thực tế...".
Những mô tả, phân tích như trên đầy rẫy trong giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu này. Gần đây nhất, "Nobel kinh tế 2008" Pôn Kru-giơ-man, hôm 22- 5, trong buổi tọa đàm ở Hà Nội, đã trả lời một câu hỏi vai trò của kinh tế thị trường trong giáo dục và y tế, như sau: "Giáo dục không phải là cái thị trường tự do có thể xử lý tốt" và "không ai dựa vào thị trường để cung cấp dịch vụ giáo dục... Vì vậy, cung cấp dịch vụ giáo dục phải là nhiệm vụ của chính phủ". Theo ông, ở Mỹ, cũng đã thực hiện các hợp đồng để khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục, nhưng kết quả mang lại không tốt, đồng thời dẫn đến hiện tượng "tham nhũng mềm" khi khu vực tư nhân có quan hệ gần gũi với các chính trị gia.
(www.tuoitre.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=317624&ChannelID=3).
"Nobel kinh tế 2008" Pôn Kru-giơ-man đối nghịch với các "Nobel kinh tế" 1974 và 1976, những người khởi xướng tư nhân hóa trường công ở Hoa Kỳ, do ông thuộc thế hệ đã chứng kiến "kết quả tồi tệ" của chiến dịch tư nhân hóa trường công này.
Vấn đề đặt ra cho những người đi sau là: Hãy tỉnh táo, tìm hiểu xem "cái mới" ta đang háo hức du nhập, song ở thiên hạ đã là cũ, có hỏng hóc, trục trặc gì hay không?
(Theo DANH ÐỨC // Báo Nhân dân điện tử/
Trung tâm quốc tế nghiên cứu giáo dục Sèvres, 1974)