Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuba trên đường cải cách

Nhận lời mời của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Cuba (CEEC), TS Lê Đăng Doanh vừa có chuyến đi Cuba từ 24 đến 30-9 để trình bày kinh nghiệm cải cách, hội nhập quốc tế của Việt Nam tại ĐH Havana.

Ông cũng trình bày nội dung nàytại hội thảo với CEEC.

TS Lê Đăng Doanh vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết cảm nhận sau chuyến đi này.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro khi thăm Việt Nam đã phát biểu: “Sau khi chiến tranh kết thúc, Cuba cử hàng trăm chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam, trong đó có nhiều chuyên gia và kỹ thuật viên về nuôi cá và trồng cà phê. 

Ngày nay, thật là một nghịch lý khi Việt Nam xuất khẩu 2 tỉ USD cá và xuất khẩu cà phê thì Cuba phải nhập khẩu những thứ đó” (Thời Báo Havana ngày 4-7-2012).

Khó khăn thúc đẩy thay đổi

Nhập khẩu gạo, nhưng bỏ hoang đất nông nghiệp

Cuba có 6,6 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 3,6 triệu ha bị bỏ hoang trong khi phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam, sữa và thực phẩm từ Brazil... Mặc dù đã có chính sách cho thuê đất bỏ hoang, song vì nhiều lý do đến nay chỉ có 1,18 triệu ha được giao cho 128.000 hộ nông dân.

Kinh tế Cuba đã trải qua thời kỳ rất khó khăn sau khi mất đi nguồn viện trợ của Liên Xô trong khi vẫn bị Mỹ bao vây, cấm vận. GDP của Cuba trong những năm 1990 đã giảm 35%, kinh tế tăng trưởng rất thấp, đời sống nhân dân rất khó khăn, tuy thu nhập bình quân đầu người của 11 triệu dân Cuba đạt mức 9.900 USD tính theo sức mua tương đương (PPP) so với mức 3.400 USD của Việt Nam.

Sản lượng đường sụt giảm nghiêm trọng do biến động giá trên thị trường thế giới. Kết cấu hạ tầng khá phát triển nhưng cung ứng lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Tỉ lệ đầu tư thấp, việc phân bổ tập trung quan liêu dẫn đến đầu tư kém hiệu quả. Nhà cửa tại không ít khu phố thủ đô Havana bị đổ nát đến mức không thể ở được nữa, trong khi nhà ở thiếu nghiêm trọng.

Nhà nước bao cấp rất nhiều như trợ cấp bữa ăn trưa với giá 15 peso/bữa (trong khi lương chỉ khoảng 500 peso) cho công nhân viên chức nhưng chất lượng kém, nhiều người không ăn gây lãng phí. Cán bộ được hưởng nhiều ưu đãi, kể cả được mua xăng giá rẻ để chạy ôtô cá nhân, dẫn đến những sơ hở và lạm dụng...

Nền kinh tế lại lưu hành song song hai đồng tiền: đồng peso Cuba với tỉ giá 25 peso/USD và đồng CUC có giá trị chuyển đổi 1 CUC/USD cùng hệ thống hai cửa hàng. Ở cửa hàng bán theo đồng CUC hàng hóa phong phú, còn ở cửa hàng bán theo đồng peso hàng hóa lại lèo tèo, hạn chế về chất lượng và số lượng được mua.

Hệ thống giá bằng hai đồng tiền này đẻ ra khá nhiều hệ quả phức tạp về kinh tế - xã hội. Trên bãi biển rất đẹp không hề có quán giải khát, bán trái cây của tư nhân, du khách phải đeo một vòng màu xanh trên tay để chứng tỏ đang ở trong khách sạn mới có thể mua bánh quy và nước giải khát. 

Thu phí trên đường cao tốc cũng bằng hai đồng tiền ở hai cửa khác nhau: 2 CUC (tương đương 50 peso) cho người nước ngoài và 2 peso cho người Cuba. 

Những người được nhận lương bằng đồng CUC có thu nhập thực tế cao hơn nhiều lần so với những người chỉ nhận lương bằng đồng peso. Một nhân viên khuân vác hành lý cho khách trong khách sạn nhận tiền thưởng khoảng 20 CUC/ngày có thu nhập cao gấp 3-5 lần một bác sĩ giỏi trong bệnh viện!

Cuộc cải cách ở Cuba được bắt đầu vào tháng 4-2011 với Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba. Tuy chưa sử dụng khái niệm “kinh tế tư nhân” và “không cho phép tập trung tài sản của những đối tượng có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân trong các hình thức quản lý kinh tế ngoài quốc doanh”, nhưng bước đầu Cuba đã cho phép “lao động cá thể” hoạt động. 

Đến tháng 8-2012 có 390.000 hộ cá thể tự doanh đã được cấp phép hoạt động. Các cửa hàng tư nhân lúc đầu chỉ được phép có 6 ghế, sau đó nâng lên 12 ghế, 20 ghế và nay lên đến 50 ghế. Các cửa hiệu cắt tóc, gội đầu quốc doanh, taxi quốc doanh được phép cho hộ cá thể thuê lại, và đến nay đã mở ra 180 ngành nghề để cấp phép cho dân.

Gợi ý cải cách cho Cuba

Trình bày kinh nghiệm cải cách của Việt Nam, chúng tôi đã tập trung vào giai đoạn đầu của đổi mới với ba trọng tâm: cải cách nông nghiệp (chính sách khoán và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân); Luật doanh nghiệp (thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, cải cách bộ máy hành chính, công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh) và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những tồn tại, khó khăn, yếu kém của kinh tế và yêu cầu tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng được thông báo đầy đủ. Các giáo sư và chuyên gia kinh tế Cuba đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về vai trò của kinh tế tư nhân, về sự phù hợp của phát triển kinh tế tư nhân với các tiêu chí của chủ nghĩa xã hội, về chuyện khoán hộ và “xé rào”, xóa bao cấp và sự đổi mới tư duy của lãnh đạo... 

Chúng tôi đã nhấn mạnh kinh nghiệm chiến tranh nhân dân trước đây và phát triển kinh tế dân doanh hiện nay của Việt Nam là phát huy sức sáng tạo, năng động của người dân.

Theo TS Lê Đăng Doanh

Tuổi Trẻ

  • Nhà giàu Mỹ cũng xin... trợ cấp thất nghiệp
  • Obama và Romney “so găng” nảy lửa
  • Braxin thách thức Trung Quốc ở châu Phi
  • Thực phẩm hữu cơ: Sở thích nhà giàu, cơ hội dân nghèo
  • Gói kích thích QE3: Cứu cánh cho Obama?
  • Kinh tế Mỹ trông đợi gì ở Mitt Romney?
  • Mỹ sẽ cắt giảm 109 tỷ USD chi tiêu từ năm 2013
  • Chính trường Hoa Kỳ: Ai sẽ là ông chủ Nhà trắng tới đây?