Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuba và những bước chuyển mình mạnh bạo

picture
Những chiếc xe cổ lỗ sĩ kiểu này sẽ dần được thay thế theo quy định mới cho phép người dân mua bán xe hơi.

Liên tiếp vài tuần gần đây, Cuba đã có những bước đi mạnh bạo trong chính sách phát triển kinh tế nội địa, như mở rộng kinh tế tư nhân, hợp pháp hóa việc mua bán bất động sản, xe cộ… Một đất nước Cuba với hình ảnh mới mẻ đang gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế.

Mới đây, Chính phủ Cuba công bố sắc lệnh do Chủ tịch Raul Castro ký ban hành, theo đó cho phép công dân nước này và người nước ngoài thường trú tại Cuba được mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở.

Theo sắc lệnh trên, kể từ ngày 10/11, tất cả công dân Cuba và người nước ngoài thường trú tại quốc đảo này, nếu có nhu cầu và điều kiện tài chính, đều được phép sở hữu một nhà ở thường xuyên và một bất động sản làm nơi nghỉ dưỡng ở nông thôn hoặc bờ biển.

Quy định mới cho phép việc mua bán, trao đổi, đóng góp và hiến tặng bất động sản trong các trường hợp ly dị, qua đời hay chủ sở hữu xuất cảnh... Trường hợp chủ sở hữu xuất cảnh, nhà nước sẽ tịch thu nhà và giao cho người đồng sở hữu hợp pháp hay gia đình.

Mặc dù luật giới hạn ở những công dân Cuba đang sống tại Cuba hay người nước ngoài có hộ khẩu thường trú ở Cuba mới được tham gia giao dịch bất động sản và người mua nhà phải tuyên thệ trước tòa không sở hữu bất động sản khác, nhưng đây là một bước cải tiến đáng kể.

Giới phân tích cho biết, đây là cải cách lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay trong số một loạt thay đổi liên quan đến việc mở cửa nền kinh tế Cuba của Chủ tịch Raul Castro nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn kéo dài. Về phía chính phủ, Cuba khẳng định việc đưa vào thực hiện quy định sở hữu nhà đất mới này là nhằm loại bỏ những ngăn cấm và những thủ tục hành chính không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình điều chỉnh mô hình kinh tế đất nước hiện nay.

Lệnh cấm mua bán nhà có hiệu lực ở Cuba sau khi Chủ tịch Fidel Castro lên cầm quyền vào năm 1959. Trong hàng thập kỉ qua, những giao dịch mua bán nhà cửa ở Cuba đều phải trải qua một quá trình phức tạp hoặc lén lút ở chợ đen.

Nhiều gia đình không có điều kiện đã phải "tam, tứ đại đồng đường" trong một ngôi nhà nhỏ chật hẹp. Nhiều gia đình vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn phải ở chung cùng nhau cho tới khi mua được nơi ở mới.

Những người có tiền và chấp nhận mua nhà lén lút ở chợ đen với những giao dịch không được pháp luật bảo hộ, thì dù giao dịch có thành công cũng thấp thỏm không yên, lo lắng ngôi nhà vừa mua sẽ bị thu hồi.

Do vậy, luật mới đã khiến đa số người dân tỏ ra hào hứng. Giờ đây người dân chủ động hơn trong việc bố trí và sắp xếp lại chỗ ở phù hợp với hoàn cảnh từng cá nhân, không giống như trước đây những người có nhiều tiền cũng không thể mua nhà.

Ngoài việc mang lại sự tiện lợi cho người dân trong vấn đề chỗ ở, luật mới dự kiến cũng sẽ tạo ra được một thị trường bất động sản, thu hút tiền từ những người Cuba lưu vong đổ về mua nhà và bất động sản ở quê hương và thúc đẩy ngành xây dựng trong nước phát triển, tăng thu ngân sách cho chính phủ.

Trước quy định mới về nhà ở, hồi cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Raul Castro cũng đã ký sắc lệnh cho phép người dân được quyền mua bán ôtô. Đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1959, Cuba cho phép người dân được quyền mua bán ôtô. Trước đó, Cuba chỉ cho phép mua bán những chiếc xe ô tô được sản xuất trước năm 1959.

Chính vì vậy, việc thay đổi quy định về sở hữu ôtô được xem là "làn gió mới" đối với công dân nước này cũng như với người nước ngoài đang sinh sống ở Cuba.

Theo quy định, tất cả những người Cuba có thu nhập chính đáng bằng ngoại tệ hoặc đồng peso chuyển đổi (CUC) từ “những vị trí công việc do Nhà nước giao hoặc vì lợi ích của Nhà nước” sẽ được quyền mua ôtô mới và giấy phép cho những trường hợp này sẽ được cấp 5 năm một lần.

Trong khi đó, người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Cuba cũng được quyền nhập khẩu hoặc mua tối đa 2 chiếc xe ôtô và khi rời khỏi Cuba sẽ được phép bán lại cho các cá nhân khác tại Cuba.

Quy định mới này cũng cho phép mua bán và chuyển đổi xe ôtô giữa người Cuba với nhau và giữa người Cuba với người nước ngoài, trong đó mỗi bên sẽ phải đóng thuế 4% giá trị theo biểu giá từng loại xe và năm sản xuất do nhà nước đưa ra. Ngoài ra, những người Cuba trước khi ra nước ngoài định cư cũng được phép cho hoặc chuyển nhượng xe ôtô thuộc quyền sở hữu của mình.

Cùng với việc tạo hành lang pháp lý mới thông thoáng hơn để hỗ trợ người dân trong vấn đề ăn, ở, đi lại, những cải cách kinh tế mới ở Cuba còn thể hiện ở việc tập trung phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị quốc tế về đầu tư và ngoại thương mới đây ở Cuba, Bộ trưởng Bộ Thương mại & Đầu tư Rodrigo Malmierca, cho biết, nước này đang xây dựng đặc khu phát triển đầu tiên ở thành phố cảng Mariel trên diện tích khoảng 400 km2. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng các khu phát triển đặc biệt ở Cuba, nhằm kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư và sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng và xuất khẩu dịch vụ.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Cuba từng thành lập các khu phi thuế quan để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, các khu này bị đóng cửa dần dần vì hoạt động không hiệu quả. Được biết, đặc khu đầu tiên tại cảng Mariel sẽ thu hút cả một số dự án sân golf.

Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Lao động và An ninh xã hội Cuba cho biết, trong năm 2011, Chính phủ Cuba dành 122 triệu peso chuyển đổi (khoảng 135 triệu USD) trong ngân sách để đảm bảo nguồn cung cấp các nguyên liệu cần thiết nhằm thúc đẩy các công ty tư nhân quy mô nhỏ trên quốc đảo này.

Theo bộ trên, kể từ khi chính phủ tái cấp phép kinh doanh cho tư nhân hồi tháng 10/2010, số người đăng ký tham gia ngày càng nhiều. Tính đến hết tháng 9/2011, Chính phủ Cuba đã cấp phép cho hơn 338.000 người tham gia hoạt động trong tổng số 181 ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Do số người đăng ký hoạt động kinh tế tư nhân gia tăng, nên nhu cầu về mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ kinh doanh cũng theo đó mà đi lên. Tuy nhiên, do điều kiện của Cuba chưa cho phép thành lập các trung tâm bán buôn nên những người có nhu cầu phải mua sắm qua mạng lưới bán lẻ.

Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Nội thương Cuba Ada Chavez, thông báo rằng chính phủ cũng đã bắt đầu triển khai việc cho tư nhân thuê mặt bằng thuộc quyền sở hữu nhà nước để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng may mặc và một số dịch vụ khác. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ada Chavez cũng khẳng định, năm tới, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự có bước đột phá.

Những bước thay đổi khá mạnh bạo như trên ở Cuba là một phần của "Đường lối chính sách kinh tế và xã hội” được Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần 6 thông qua hồi tháng 4/2011. Văn bản này đang tạo luồng gió mới cho quá trình canh tân mô hình phát triển kinh tế của Cuba, mang lại một diện mạo mới cho quốc đảo này cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

(Theo Vneconomy)

  • Những tiểu bang Mỹ tập trung nhiều nhà giàu nhất
  • Người Mỹ đang “khổ” nhất trong gần 30 năm
  • Những phong trào biểu tình nổi bật trong lịch sử Mỹ
  • Lạm phát tháng 9 tại Mỹ có thể chậm lại
  • Tại sao người Mỹ điều hành cả thế giới?
  • Kinh tế Mỹ không ảm đạm như dự báo?
  • Hạ viện Mỹ thông qua 3 Hiệp định tự do thương mại
  • Thượng viện Mỹ phản đối kế hoạch việc làm 447 tỷ USD của ông Obama