![]() |
Người dân biểu tình phản đối dự luật về cải cách y tế tại Thủ đô Washington DC |
Nước Mỹ, hay ít nhất là phe Dân chủ và phe Cộng hòa đang bị chia rẽ về vấn đề hệ trọng – bảo hiểm y tế.
Hôm 15/3, bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng lại bắn tin sẽ cho thông qua những sửa đổi đối với dự luật mà Thượng viện đề nghị, và như vậy dự luật của Hạ viện “được hiểu” là được thông qua mà không cần bỏ phiếu. Đây thực chất là tiểu xảo“lách luật” để Hạ viện không cần bỏ phiếu mà phe Dân chủ Con Lừa vẫn đạt được mục đích là dự luật của Hạ viện được thông qua và được đệ trình lên Tổng thống. Sau khi bà bắn tin, bên Con voi Cộng hòa la lối đây là trò bất hợp hiến, và rằng không thể thông qua một chương trình trị giá đến cả ngàn tỉ đô la một cách thiếu trung thực như vậy. Ai la thì cứ la, còn ai làm thì cứ làm, miễn là không sai luật. Cùng lắm thì sẽ đưa nhau ra tòa để tòa phân xử. Ít nhất ở Mỹ cũng có nơi để phân xử. Câu chuyện này còn dài, nhưng các động thái trên cho thấy cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đang “một mất một còn” trong vấn đề cải cách y tế.
Kể ra cũng lạ, một cường quốc như Mỹ mà có đến 47 triệu người không có bảo hiểm y tế, tức là cứ khoảng 6 người thì có một người không có tiền mua bảo hiểm y tế. Trong số các nước phát triển, Mỹ là nước duy nhất không có bảo hiểm y tế cho tất cả công dân của mình. Lạ hơn nữa, trong khi nước Mỹ chi cho y tế nhiều nhất thì dịch vụ y tế của Mỹ lại được coi là dưới mức trung bình của các nước phát triển OECD. Người ta nói, người Mỹ chỉ cần ốm một trận là có thể khánh kiệt. Theo một thống kê, chi phí y tế là nguyên nhân quan trọng trong 62% trường hợp bị khánh kiệt. Lý do rất đơn giản là giá dịch vụ y tế của Mỹ quá cao và giá thuốc ở Mỹ quá đắt, đắt hơn gần như bất cứ nước phát triển nào.
Trong bối cảnh đó, cải cách y tế là yêu cầu của cuộc sống và là đề tài mà tất cả các chính trị gia Mỹ muốn thắng cử, trong nội bộ đảng cũng như trên toàn quốc, phải trình bày quan điểm của mình, phải thuyết phục được người bỏ phiếu. Ông Obama trong khi vận động tranh cử đã hứa hẹn mang bảo hiểm y tế đến cho đông đảo người dân, ông sẽ có cơ thất cử trong nhiệm kỳ tiếp theo nếu không thực hiện được lời hứa này.
Tất cả đều thấy, cần phải có cải cách, nhưng cải cách thế nào thì các ý kiến lại rất khác nhau. Trong quá trình vận động tranh cử, Obama kêu gọi phải có nhiều người hơn có bảo hiểm y tế. Còn ông McCain, đối thủ của ông Obama lúc đó, cho rằng giá bảo hiểm y tế phải “hợp lý” hơn để người dân có thể mua bảo hiểm. Nghe qua rất gần nhau. Giá hợp lý hơn thì tất nhiên sẽ có nhiều người được hưởng bảo hiểm y tế hơn. Nhưng đấy lại là hai cách tiếp cận khác nhau. Ông McCain tập trung vào cạnh tranh tự do trên thị trường để giảm giá chứ không phải chính phủ tài trợ, còn ông Obama cho rằng bên cạnh tư nhân cũng phải có nhà nước, theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm. Hai cách tiếp cận khác nhau kéo theo hai hệ quả khác nhau. Ai sẽ là người phải gánh chịu mức tăng chi tiêu cho bảo hiểm y tế lên đến cả ngàn tỉ đô la? Ai sẽ là người phải đóng thuế để trang trải chi phí này?!
Đảng Cộng hòa không phải không có lý trong lập luận của họ. Nghịch lý là, càng có nhiều người mua bảo hiểm dễ dàng thì việc lạm dụng “xài chùa” bảo hiểm càng nhiều. Bang Massachusets với ảnh hưởng mạnh mẽ của đảng Dân chủ đã thông qua luật bảo hiểm y tế bắt buộc đối với người dân, nhưng kết quả lại không được như người ta mong đợi. Số lượng người đến khám cấp cứu tăng và chi phí cho y tế tăng vọt. Tiền đóng bảo hiểm tăng cao hơn các bang khác và hiện bang này đang chiếm ngôi đầu bảng về sự đắt đỏ ở Mỹ. Quyết định mua bảo hiểm bắt buộc cuối cùng lại chỉ béo các công ty bán bảo hiểm. Lập luận của đảng Cộng hòa là cứ để thị trường điều tiết và ai có tiền người đó mua, không bắt buộc mua dẫn tới tạo “cầu giả” đẩy giá lên. Chính lá phiếu của cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử gần đây cho thấy phần nào sự phản đối của một bộ phận người dân đối với chính sách của đảng Dân chủ.
62% trường hợp bị khánh kiệt có nguyên nhân từ chi phí y tế quá cao. |
Ông Obama và đảng Dân chủ đã bỏ lỡ một cơ hội thông qua dự luật khi họ có cả gần một năm nắm đa số ghế trong Hạ viện và đa số tuyệt đối trong Thượng viện để có thể thông qua bất cứ dự luật nào mà họ muốn. Ngay cả khi, nếu ở Thượng viện có ngài Thượng nghị sĩ Cộng hòa nào chơi trò câu giờ không cho thông qua dự luật bất lợi cho đảng mình mà người Mỹ gọi là trò “filibusters” (phát biểu dài để không còn thời gian biểu quyết), thì với đa số tuyệt đối 2/3, phe Dân chủ vẫn có thể “bác” trò câu giờ này và thông qua dự luật. Thất bại trong bầu cử bổ sung vào Thượng viện hồi cuối năm ngoái đã làm cho đảng Dân chủ mất đi đa số tuyệt đối ở đây, mất đi con át chủ bài phủ quyết mọi tẩy chay có thể có của đảng Cộng hòa.
Còn tại Hạ viện, mặc dù có đa số tương đối, nhưng nhiều nghị sĩ Dân chủ có tính bảo thủ lại ương bướng không tuân theo đường lối của đảng mình, do vậy khả năng thông qua tại Hạ viện dự luật của đảng Dân chủ cũng không cao. Vừa qua, trong khi đi diễn thuyết ở bang Ohio, Tổng thống Obama đã mời Hạ nghị sĩ Dennis Kucinich của đảng Dân chủ lên chiếc Không lực số 1 của mình để đàm đạo, nhưng Hạ nghị sĩ này vẫn kiên quyết nói không. Trong vấn đề kỷ luật đảng, phải thừa nhận các đảng viên Cộng hòa có tính kỷ luật hơn các đảng viên Dân chủ, rất ít khi các đảng viên đảng Con Voi bỏ phiếu đi ngược đường lối của đảng. Đây là một tồn tại lịch sử vì nhiều đảng viên Dân chủ trước kia “đào ngũ” từ đảng Cộng hòa sang nên có tư tưởng khá gần với bảo thủ.
Ngay sau khi Dân chủ mất đa số, ông Obama đã điều chỉnh kế hoạch cải cách y tế của mình với hy vọng được thông qua. Hồi cuối tháng Hai, ông cho triệu tập hội nghị cấp cao lưỡng đảng về cải cách y tế. Hai đảng có vẻ đồng ý được với nhau rất nhiều điểm như việc giảm lãng phí, thất thoát trong hai chương trình bảo hiểm y tế hiện có là Medicare và Medicaid, kiểm soát các hoạt động y tế sai trái, cải cách thị trường bảo hiểm, cho phép mở rộng lựa chọn bảo hiểm cho cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi mua bảo hiểm cho nhân viên của mình. Nhưng mọi nỗ lực không đi đến đâu khi đảng Cộng hòa yêu cầu soạn lại từ đầu dự luật về cải cách y tế. Tổng thống Obama tuyên bố ông không thể sổ toẹt một năm lao động vất vả của bao nhiêu người để rồi lại mất thêm một năm nữa bàn thảo. Nói chuyện tại bang Pensylvania hôm 8/3, ông kêu gọi phải chiến đấu cho cải cách y tế.
Không biết cuộc chiến của ông với sự hỗ trợ hết mình của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội có mang lại kết quả không, nhưng một điều chắc chắn là ngay cả khi được thông qua với tiểu xảo, bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục là câu chuyện dài nhiều tập của nước Mỹ, một câu chuyện không đơn giản. Và vì thế, lời giải cũng không phải là giản đơn.
(Theo Thạch Anh // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com