GDP Mỹ được cho là đã tăng trưởng 3,2% trong quý 3/2009, Mức tăng trưởng này có vẻ ấn tượng thế nhưng đây có thể không phải là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh đang dần đến.
Các chuyên gia dự báo GDP, chỉ số tổng quan về hoạt động kinh tế Mỹ, tăng trưởng 3,2% trong quý 3/2009. Nếu họ dự đoán đúng, chuỗi thời gian 4 quý suy giảm liên tiếp của kinh tế Mỹ có thể chấm dứt.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý vừa qua có được nhờ kế hoạch kích cầu của chính phủ, ngoài ra là việc các dây chuyền sản xuất, cung cấp ô tô của hai hãng xe lớn General Motors và Chrysler đã từng tuyên bố phá sản nay đang hoạt động trở lại.
Dù hiện nay thị trường đồng thuận rằng Đại Suy thoái tệ hại nhất trong 7 thập kỷ đã chấm dứt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng một quý tăng trưởng mạnh là không đủ để cho thấy quá trình Đại Phục hồi đã bắt đầu.
Nên nhớ lần gần nhất kinh tế Mỹ tăng trưởng là quý 2/2008 khi một loạt kế hoạch kích thích kinh tế được đưa ra, trong đó có việc giảm thuế, kinh tế nhờ thế tăng trưởng 1,5%.
Tất nhiên, đà tăng trưởng trên không đủ mạnh để ngăn thị trường tài chính sụp đổ dẫn đến GDP suy giảm suốt 3 quý sau đó.
Tuy nhiên, GDP là một trong ba chỉ báo quan trọng nhất về sức khỏe của nền kinh tế. Sau thời gian dài suy giảm, bất kỳ con số tăng trưởng nào là tín hiệu đáng mừng.
Người tiêu dùng Mỹ sẽ vực dậy nền kinh tế?
Tiêu dùng đóng góp 70% tăng trưởng kinh tế Mỹ. Vì thế để kinh tế hồi phục ổn định, người tiêu dùng cần phải tăng chi tiêu trở lại.
Hiện có nhiều thông tin khác nhau về người tiêu dùng trong quý 3/2009. Chương trình khuyến khích đổi xe của chính phủ giúp doanh số bán ô tô tăng cao trong tháng 7/2009 và tháng 8/2009. Tuy nhiên doanh số bán xe giảm sâu trong tháng 9 ngay khi chương trình kết thúc.
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại người tiêu dùng sẽ không thể tiếp tục chi tiêu mạnh tay. Vì thế các chuyên gia chờ đợi tín hiệu tốt đẹp nào khác ngoài doanh số ô tô.
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody, nói thêm rằng người tiêu dùng sẽ không thể cứu kinh tế tăng trưởng cho tới khi thị trường việc làm hồi phục mạnh.
Điều này cho đến nay chưa xảy ra. Trên thực tế, phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn tăng, người dân tiếp tục thất nghiệp.
Sự phục hồi của thị trường nhà đất
Trước khi suy thoái kinh tế bắt đầu vào tháng 12/2007, việc bong bóng nhà đất vỡ là một gánh nặng đối với nền kinh tế.
Đầu năm 2006, doanh số bán nhà bắt đầu giảm. Thị trường nhà đất đi xuống gây ra cản trở không nhỏ đối với nền kinh tế.
Thế nhưng có dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản và xây dựng trong quý 3/2009 đang hồi phục trở lại. Doanh số bán nhà và số lượng nhà xây mới tăng so với 1 năm trước. Một số chỉ báo khác về thị trường nhà đất cũng đã hồi phục trở lại.
Nếu lĩnh vực nhà đất có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã lập đáy suy giảm và có được sự hồi phục đã chờ đợi rất lâu.
Thế nhưng nếu thị trường nhà đất vẫn là yếu tố kéo lùi tăng trưởng GDP, người ta sẽ lo lắng thời kỳ tệ nhất của thị trường chưa qua. Những tranh luận xung quanh việc có nên mở rộng chương trình tín dụng thuế cho người mua nhà lần đầu và liệu FED có nên cố gắng hạ lãi suất thế chấp sẽ vẫn tiếp tục.
Hiệu ứng từ kế hoạch kích cầu
Năm ngoái, kế hoạch kích cầu chỉ mang đến hiệu ứng ngắn hạn cho nền kinh tế. Nhiều người lo lắng gói kích thích kinh tế năm nay sẽ “bóp méo” số liệu GDP theo cách tương tự như vậy bởi hàng trăm tỷ USD đã được rót vào các dự án công và trợ cấp thất nghiệp.
Thế nhưng số khác phản bác rằng xét về bản chất, hai gói kích thích kinh tế của 2 năm và bối cảnh căn bản của nền kinh tế hoàn toàn khác nhau, vì vậy khó có thể nói câu chuyện năm 2008 sẽ lặp lại.
(Nguồn: CafeF)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com