Theo Wall Street Journal, đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc sẽ giúp tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Tại vòng thảo luận thứ ba của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vừa qua, ngoài các vấn đề kinh tế vĩ mô truyền thống như tỷ giá hối đoái, thương mại, tiếp cận thị trường... còn có một chủ đề mới khác được thảo luận, đó là đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào Mỹ.
Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài trên quy mô lớn kể từ giữa những năm 2000, phần lớn là vào lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Các công ty Trung Quốc cũng đã nỗ lực đầu tư vào Mỹ (như vụ CNOOC thất bại trong việc mua Unocal năm 2005), nhưng cho đến năm 2008 thì đã không còn mấy các vụ tương tự như thế.
Tuy nhiên, kể từ năm 2009, tình hình đã bắt đầu thay đổi. Theo một nghiên cứu gần đây, trong hai năm qua, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng trên 130% một năm. Chỉ riêng trong năm 2010, Trung Quốc đã đầu tư trên 5 tỷ USD vào 25 dự án mới và tiến hành 34 vụ mua bán sáp nhập các công ty của Mỹ. Mặc dù vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Mỹ, nhưng hiện tại các công ty Trung Quốc đã có mặt ở ít nhất 35 trên tổng số 50 bang của nước Mỹ và sự hiện này sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Tờ Wall Street Journal cho rằng không phải lý do chính trị mà chính lợi ích kinh tế đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ. Với việc đầu tư quá mức, số các ngành công nghiệp tại Trung Quốc đã dư thừa công suất nên các công ty Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lợi nhuận rất lớn ở Mỹ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thay đổi mô hình phát triển sang hướng thúc đẩy tiêu dùng nội địa cùng sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường nội địa đã buộc các công ty Trung Quốc phải nâng cấp công nghệ, sản xuất các mặt hàng giá trị cao vốn thường do các đối tác nước ngoài nắm giữ và nâng cao các kỹ năng để có thể cạnh tranh toàn cầu. Đầu tư ra nước ngoài là cách để thực hiện tất cả những điều này. Cái được của Trung Quốc cũng có thể là cái được của Mỹ.
Hồi những năm 1980, các công ty Nhật Bản đã gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu đầu tư vào Mỹ, bị nghi ngờ và thậm chí cả sợ hãi. Tuy nhiên, ngày nay các công ty Nhật đã sử dụng khoảng 700.000 lao động Mỹ với số tiền lương hàng năm là gần 50 tỷ USD. Theo ước tính của Wall Street Journal, từ nay đến năm 2020, các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư ra nước ngoài 1.000 – 2.000 tỷ USD. Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi lớn, nếu không có tâm lý chống Trung Quốc gây cản trở đầu tư.
Cũng giống như Nhật Bản, đầu tư của Trung Quốc tăng nhanh đang gây ra những tranh cãi chính trị ở Mỹ. Những tranh cãi gần đây phát sinh từ các khoản đầu tư của của công ty sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, cũng như của nhà sản xuất thép Anshan ở một nhà máy ở Mississippi hay vụ một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc mua nhà sản xuất máy bay loại nhỏ Cirrus.
Rõ ràng, tâm lý chống Trung Quốc sẽ tăng lên khi đầu tư tăng lên và kết quả là có thể dẫn đến việc sẽ có các quy định hạn chế đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal cho rằng chính sách đóng cửa của Mỹ như vậy là không tốt đối với các công ty của Trung Quốc và cũng có thể là bi kịch đối với người dân Mỹ vì nó bỏ lỡ cơ hội tạo thêm việc làm và nguồn thu thuế do các khoản đầu tư đó mang lại.
(Tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com