Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Goldman Sachs: Từ nạn nhân đến tội đồ của kinh tế Mỹ

Lợi nhuận hàng chục tỷ USD của Goldman Sachs sẽ không bị đặt dấu hỏi nếu số tiền này không làm ra từ khủng hoảng.

Nhận 45 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ (thực chất là tiền đóng thuế của người dân) để tránh khỏi nguy cơ phá sản, ít ai ngờ Goldman Sachs vẫn kiếm được 2 tỷ USD ngay trong năm 2008. Lợi nhuận ròng trong năm 2009 của một trong những “ông trùm” Phố Wall này là 12,19 tỷ USD và riêng trong quý I/2010, con số này đã đạt 3,3 tỷ USD.

Câu hỏi lớn nhất được dự luận cũng như Quốc hội Mỹ đặt ra với CEO Lloyd Blankfein và các đồng sự trong buổi điều trần cuối tháng 4 vừa rồi khá đơn giản nhưng không dễ trả lời: Bằng cách nào, Goldman Sachs có thể kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù như vậy trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn loay hoay bù lỗ.

CEO. Ảnh: NYTimes
CEO Lloyd Blankfein của Goldman Sachs trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: NYTimes

Athur Levitt, cố vấn cao cấp của Goldman Sachs cho rằng các nhà làm luật tại Mỹ đã quá khắt khe với một tập đoàn đã có những cố gắng “đáng được ngưỡng mộ” trong hai năm qua. Tuy nhiên, quan điểm này của ông, rõ ràng, không nhận được sự ủng hộ từ dư luận.

“Họ thực sự là biểu tưởng cho sự thái quá của phố Wall”, phóng viên kỳ cựu Matt Taibbi thậm chí còn so sánh Goldman với “một con ma cà rồng đang đe dọa loài người”.

Theo những điều kiện của khoản cứu trợ cả gói 45 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ dành cho Goldman Sachs, bên cạnh hoạt động đầu tư truyền thống, ngân hàng này sẽ chuyển đổi một phần hoạt động sang nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại nhất là ngân hàng này vẫn sử dụng những công cụ tài chính mạo hiểm (vốn là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế) để kiếm lời.

"Hôm nay, họ cư xử như thế là vua của phố Wall. Nhưng mới chỉ ngày hôm qua thôi, họ còn tìm tới Chính phủ như một nạn nhân của khủng hoảng”, phóng viên Matt Taibbi mỉa mai trên tạp chí Rolling Stone.

Dư luận Mỹ tiếp tục bất bình với Goldman Sachs. Ảnh: BBC
Dư luận Mỹ tiếp tục bất bình với Goldman Sachs. Ảnh: BBC

18 tháng sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử, những đoàn người biểu tình tại Mỹ tiếp tục hướng về phố Wall với những biểu ngữ đầy oán trách: “Họ được cứu, còn chúng tôi cạn tiền”, “Này, này, Goldman Sachs, hãy trả tiền đi chứ”…

Cách đây ít ngày, Goldman Sachs cho rằng những rắc rối gần đây mà họ gặp phải bắt nguồn từ sự xung đột quyền lợi của một số cổ đông. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tom Ajamie, một luật sư chuyên nghiên cứu về các vụ kiện chứng khoán, cho thấy Lloyd Blankfein và các đồng sự không hoàn toàn “oan uổng”: một số hợp đồng đầu tư của Goldman Sachs hoàn toàn thiếu thông tin về đối tác.

“Họ vẫn đầu tư vào các thị trường đang lên, tư vấn cho Chính phủ, tham gia quá trình tái cấu trúc nền kinh tế… Nhưng điều tôi lo ngại nhất là bản thân hoạt động của họ chẳng khác một… sòng bạc là bao”, luật sư Tom Ajamie nhận định.

Về phần mình, Goldman Sachs đang ra sức vận động để các nhà làm luật tại Mỹ bỏ bớt một số cáo buộc đối với sai phạm của mình: “Chúng tôi ủng hộ việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, miễn là nó không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi ích của doanh nghiệp”, cố vấn Arthur Levitt cho biết.

(Theo Nhật Minh (theo BBC, WSJ) // Báo VnExpress Online)

  • Dự luật cải cách Phố Wall vấp rào cản Thượng viện Mỹ
  • Obama thề sẽ tìm ra thủ phạm gây 'động đất' Phố Wall
  • 1/3 sinh viên Mỹ chưa đủ trình độ học đại học
  • 5 ngôi nhà đắt giá nhất ở Mỹ
  • Mỹ thâm hụt thương mại hơn 40 tỷ USD
  • Phố Wall tìm cách trị bệnh tư túi của CEO
  • Mỹ chế tạo ô tô bay
  • Mỹ: Chính sách công nghiệp của Trung Quốc đáng lo hơn đồng NDT