Bộ trưởng Tài chính Mỹ T.Ghết-nơ điều trần tại Đồi Ca-pi-tôn (đêm 18-6, giờ Việt Nam) về đại kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong động thái mới nhất nhằm đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (ngày 17-6) vừa đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống quản lý tài chính sâu rộng nhất kể từ cuộc đại suy thoái trong những năm 1930.
Đích đến của kế hoạch được cho là táo bạo này là ngăn chặn hiệu quả khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai do quá trình giám sát lỏng lẻo, lòng tham và những khoản nợ khổng lồ trong hệ thống tài chính suy yếu của Mỹ. Kế hoạch của Tổng thống B.Ô-ba-ma nhằm đảo ngược tình thế hiện nay được xem là một cuộc "đại tu" cải biến những luật lệ tài chính trong hơn 7 thập kỷ qua của nước Mỹ. Nó được dự báo sẽ là một chủ đề nóng tại kỳ họp Quốc hội Mỹ trong những ngày tới
Hơn 200 năm qua, thị trường tài chính phố Uôn luôn được đánh giá là trái tim kinh tế của Mỹ. Nhưng những sản phẩm của sự phát triển thái quá trong hệ thống tiền tệ, chính sách cho vay mua nhà lỏng lẻo cũng như sự mở rộng hệ thống thị trường tín dụng đến mức không kiểm soát nổi tại đây... đã khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, khi cơn sốc "tài chính" từ phố Uôn xảy ra đã đẩy kinh tế Mỹ và lôi kéo kinh tế toàn cầu tới bờ vực suy thoái. Từ tháng 9-2008, Chính phủ Mỹ đã phải đổ ra hàng tỷ USD cứu trợ những ngân hàng, công ty như Citigroup Inc., Bank of America Corp., American International Group Inc., General Motors Corp. Và hai đại gia nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac.
Theo kế hoạch của Tổng thống B.Ô-ba-ma, các cơ quan tiền tệ lớn của Mỹ phải được giám sát thống nhất và các sản phẩm tài chính phải được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ được trao quyền lực mới, lớn hơn nhằm ngăn chặn hậu quả thảm họa giống như vụ sụp đổ của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers vào tháng 9-2008, hay vụ hãng bảo hiểm khổng lồ AIG suýt gục ngã nếu như không có tiền giải cứu của Chính phủ… Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống B.Ô-ba-ma được hoàn thiện trong suốt 6 tháng trở lại đây và Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận và thông qua trong những ngày tới. Hơn một chục phiên điều trần đã được Quốc hội Mỹ lên lịch cho kế hoạch này trong thời gian từ nay tới giữa tháng 7.
Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp chứng khoán và các thị trường tài chính Ti-mô-thi Rai-an cho rằng, kế hoạch là cơ hội một lần trong một thế hệ nhằm xây dựng lại cơ cấu quản lý để hệ thống ngân hàng của Mỹ ổn định hơn, mạnh mẽ hơn và làm vững chắc hơn nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhóm doanh nghiệp lại lo ngại tính canh tân mạnh mẽ của kế hoạch sẽ bóp nghẹt thị trường và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. "Kế hoạch của Chính phủ là quá lớn và gây nhiều tranh cãi tới mức rất khó để có thể trở thành luật. Kế hoạch này sẽ gây những xáo trộn lớn trên thị trường tài chính", Ét-uốt Ying-ling, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mỹ, nhận xét.
Thế nhưng, cuộc điều trần mới nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ tại Đồi Ca-pi-tôn - như một kiến trúc sư trong cuộc đại chỉnh đốn ngành tài chính Mỹ của Tổng thống B.Ô-ba-ma (đêm 18-6, giờ Việt Nam) - đã làm dịu đi những lo lắng của nhà đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng về ảnh hưởng từ cuộc "đại tu" này đến hoạt động của hệ thống tài chính trong những ngày qua. Một đêm sau cuộc điều trần, tại thị trường chứng khoán Niu Yoóc, các cổ phiếu tài chính đã giao dịch khả quan hơn và tạo nguồn cảm hứng cho thị trường trong phiên giao dịch ngày 19-6 (giờ Việt Nam). Màu xanh đã trở về với sàn chứng khoán phố Uôn sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Chỉ số công nghiệp tăng 58,42 điểm tương đương 0,69% và đạt giá trị 8555,60 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 7,66 điểm tương đương 0,84% và đạt mức 918,37 điểm... Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần từ ngày 9 đến 13-6 là 608.000 người, cao hơn tuần trước đó 3.000 người. Tuy nhiên, tổng số người nhận trợ cấp thất nghiệp của Chính phủ đã giảm 148.000 người, một mức giảm lớn nhất trong vòng 7 năm qua. Những chỉ báo kinh tế hàng đầu của Mỹ - dự đoán những hoạt động kinh tế trong vòng 3 đến 6 tháng tới - cũng đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp và đạt tỷ lệ tăng 1,2%, cao nhất từ tháng 3-2004.
Cùng với kế hoạch đầy tham vọng vừa được Nhà Trắng tung ra, những dấu hiệu kinh tế khả quan cho thấy, nước Mỹ đang dần vượt qua cuộc khủng hoảng dường như đã chạm đáy.
(Theo Thùy Dương // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com