Ngày 4/8, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, cuộc chiến kéo dài nhằm chặn đứng dòng dầu tràn và giữ lại dầu tại giếng dầu của BP bị vỡ trên vịnh Mexico đang đi đến hồi kết.
Giàn khoan Deepwater Horizon của BP bị nổ ngày 20/4/2010. Ảnh Internet |
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Tập đoàn BP của Anh chính thức thông báo thắng lợi quan trọng trong việc bịt miệng giếng dầu bị vỡ sau sự cố sập giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng 4 vừa qua, hầu hết dầu tràn ra vùng vịnh Mexico đã được thu giữ hoặc thiêu hủy.
Các nhà khoa học Mỹ ước tính kể từ khi xảy ra vụ nổ làm giàn khoan dầu Deepwater Horizon bị chìm vào ngày 20/4 vừa qua, khoảng 4,9 triệu thùng dầu (tương đương 780 triệu lít dầu thô và khí) đã tràn ra biển từ giếng dầu bị vỡ. Đây được coi là tai nạn dầu tràn vào biển lớn nhất trong lịch sử.
Trong hoạt động ngăn chặn thảm họa này, người ta đã dùng tới gần 3 triệu lít hóa chất để làm tan dầu trong lòng biển và hơn 4 triệu lít trên bề mặt. BP cũng đã dành một quỹ 20 tỷ USD để trợ giúp ngư dân bị tác động của vụ dầu tràn.
Tuy BP hiện đã kiểm soát được nguồn dầu rò rỉ nhưng câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là thảm họa này gây ra những tác hại như thế nào đối với bờ biển, trên bề mặt hay trong lòng biển vẫn còn bỏ ngỏ.
Giáo sư Andy Nyman, người chuyên nghiên cứu về sinh thái đời sống hoang dã ở vùng đầm lầy thuộc Đại học Louisiana, đã dành nhiều năm nghiên cứu thực địa và trong phòng thí nghiệm về những ảnh hưởng của việc tràn dầu tới đầm lầy ven biển, cho rằng sẽ khó có thể đánh giá ảnh hưởng của dầu tràn và tách nó ra khỏi các thay đổi có tính chất thời vụ trong tự nhiên.
Ông cũng cho rằng, những ảnh hưởng trong ngắn hạn là cỏ chết, lượng cá và sinh vật biển giảm; còn về dài hạn là tỷ lệ sinh sản của các loài này có thể giảm…
Ảnh hưởng đối với cá và các loài khác cũng sẽ khó xác định, do độ chênh lệch tự nhiên trong sinh sản mỗi năm. Người ta sợ rằng các con giống cá thu vây xanh của năm nay tại vùng vịnh Mexico có thể sẽ chết hết do lượng dầu lớn che phủ các bãi lầy. Và danh sách này còn dài thêm nữa vì rùa biển, chim chóc, cá heo, hải cẩu, rái cá … cũng đâu có được bình yên vô sự, bởi trước đó, vụ tai nạn tàu chở dầu Exxon Valdez của hãng Exxon Mobil vào năm 1989 ở Alasca, cũng được coi là một thảm họa của nước Mỹ, đã khiến hàng trăm ngàn con chim bị chết. Bên cạnh đó, hàng triệu lít hóa chất tẩy rửa dầu cũng có thể để lại những “tác dụng phụ” chưa lường hết.
Hồi kết của thảm họa Deepwater Horizon mới chỉ là cái mà người ta nhìn thấy vì giếng dầu đã được bịt kín, nhưng “hồi kết” thực sự của nó ra sao thì đây vẫn là nỗi ám ảnh chưa làm yên lòng các nhà khoa học và môi trường.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com