Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hơn 1,5 triệu người Mỹ phá sản trong năm 2010

Số người xin phá sản ở Mỹ tăng mạnh trong năm 2010.

Số người Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản cá nhân đã vượt mức 1,5 triệu trong năm ngoái. Đây được xem là hệ quả tất yếu của tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường nhà đất chưa có dấu hiệu khởi sắc tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu từ Viện Phá sản Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu phá sản quốc gia nước này cho biết, số vụ phá sản cá nhân ở Mỹ tăng 9% trong năm 2010, lên mức 1,53 triệu vụ, cao nhất kể từ khi luật phá sản sửa đổi ở Mỹ có hiệu lực vào năm 2005.

Chỉ một vài tiểu bang ở khu vực Tây Nam nước Mỹ đã chiếm phần lớn trong số lượng đơn xin phá sản gia tăng thêm trong năm qua, do tình hình kinh tế ở các bang này vẫn trong tình trạng “bết bát”. Điển hình như ở California, số vụ phá sản tăng 25%, ở Arizona, con số này là 24%.

Trong khi đó, tình hình ở các bang thuộc khu vực Đông Nam đã được cải thiện hơn, trong đó số vụ phá sản giảm xuống tại các bang Tennessee, Nam Carolina và Alabama.

Ông Ed Soapes, 53 tuổi, ở Corona, California, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 9/2010, sau khi mất việc làm tại một công ty xây dựng vào hồi đầu năm.

Ông Soapes cho biết, hiện ông đang phải sống dựa vào khoản tiền trợ cấp tàn tật của con gái để thanh toán các loại hóa đơn, trong khi phải nuôi thêm hai người con, một thất nghiệp và một còn đang đi học, và một bà mẹ già. Người đàn ông này phá sản với khoản nợ 150.000 USD, bao gồm cả một khỏa vay thế chấp nhà mà ông cam kết trong đơn xin phá sản là sẽ tiếp tục trả.

“Mỗi ngày chủ nợ gọi cho tôi 15-18 cuộc điện thoại để đòi nợ”, ông Soapes nhớ lại. Đây là lần thứ hai ông Soapes phá sản, lần đầu vào thập niên 1990 khi cơ sở làm ăn của ông không trụ nổi.

Theo các nhà phân tích, số vụ phá sản tại Mỹ năm nay có thể giảm trong bối cảnh kinh tế cải thiện hơn và người tiêu dùng vay mượn ít đi.

Luật phá sản của Mỹ được sửa đổi vào năm 2005 nhằm hạn chế tình trạng xin phá sản để được xóa nợ. Luật mới hướng các con nợ vào thủ tục phá sản theo Chương 13 theo đó họ phải vạch ra kế hoạch trả nợ, thay vì Chương 7 trong đó con nợ giao nộp tài sản và được xóa nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ số người xin phá sản theo Chương 13 mới chỉ chiếm khoảng 1/3.

Luật phá sản sửa đổi trên được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi bong bóng địa ốc tại Mỹ vỡ tung kéo theo suy thoái kinh tế sâu, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức xấp xỉ 10%. Cùng với tình trạng tín dụng thắt chặt hơn, suy thoái đã đẩy số vụ phá sản tại Mỹ lên mức cao hơn dự kiến của các nhà làm luật.

Tính chung, đã có khoảng 4 triệu vụ phá sản được ghi nhận tại Mỹ trong 3 năm qua. Điều tra cho thấy, hầu hết những người Mỹ lâm vào cảnh phá sản là những người có thu nhập dưới 30.000 USD/năm và không có bằng đại học. Tuy nhiên, số người thuộc tầng lớp trung lưu với thu nhập trên 60.000 USD/năm và có bằng đại học buộc phải phá sản cũng đang có chiều hướng gia tăng.

(Theo Vneconomy)