Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Mỹ vẫn “khát đôla”

Cho tới nay, kinh tế Mỹ vẫn “khát đôla” và không biết phải mấy lần “nới lỏng định lượng” nữa mới giải được cơn khát này.

Ngày 5/12 trả lời phỏng vấn của hãng Colombia, Chủ tịch FED Bernanke nói căn cứ vào hiệu quả thực tế của phát triển kinh tế và tình hình lạm phát, ông không loại trừ tiến hành đợt “nới lỏng định lượng” (QE - thực chất là bơm tiền) mới, với quy mô có thể vượt 600 tỉ USD đợt QE ngày 4/11/2010. Nếu được thực hiện, thì đây là gói kích cầu thứ ba kể từ gói kích cầu đầu tiên 780 tỉ USD năm 2009, khi Tổng thống Obama lên nắm quyền.

Báo chí Mỹ dự kiến đợt bơm tiền lần thứ ba có thể tiến hành vào ngày 14/12/2010 với tổng số khoảng 400 tỉ USD. Trưởng ban kinh tế Chartered Bank, ông Davis Simons, nói: “Chỉ cần kinh tế Mỹ khởi sắc thì người ta có thể tiến hành ‘n lần QE’ chứ không chỉ vài lần”.

Cho đến nay, kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự thoát khỏi vũng lầy. Đầu tháng 12, Bộ Lao động Mỹ cho biết mới chỉ giải quyết được 39.000 việc làm, cách rất xa mục tiêu đề ra 140.000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp tháng 11/2010 vẫn cao tới 9,8%, mức kỉ lục mới trong 4 tháng qua. Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, do IMF mới công bố, dự kiến GDP của Mỹ năm 2010 chỉ tăng trưởng từ 2,4% tới 2,5% thấp hơn mức dự đoán trước đây từ 3% tới 3,5%. Năm 2011 GDP của Mỹ chỉ tăng trưởng ở mức 2,2%.

Bộ trưởng tài chính Mỹ T. Geithner nói nguy cơ lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Mỹ là “tăng trưởng chưa đủ nhanh”. Bởi vậy việc kích cầu và giải quyết thất nghiệp là hai mục tiêu quán xuyến trong năm 2011. Trả lời phỏng vấn của “Thời báo New York”, nhà đầu tư huyền thoại Bufflett cũng cho rằng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng rất chậm chạp. Mặc dù kinh tế Mỹ đã vượt qua được “thời kỳ khó khăn nhất”, nhưng dư chấn của khủng hoảng tín dụng còn tồn tại một thời gian dài và kinh tế Mỹ vẫn đang đứng trước thách thức nghiêm trọng.

Theo tờ “Tiền tệ quốc tế” Trung Quốc số ra ngày 7/12, kinh tế Mỹ hiện đang đứng trước ba thách thức lớn.

Một là, thất nghiệp vẫn ở mức cao tới 9,6%, nên cho dù có phục hồi thì kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng “phục hồi không tạo ra nhiều việc làm”. Nếu GDP không đạt mức tăng trưởng từ 3,5% tới 4%, thì chính quyền Mỹ không thể giải quyết được nạn thất nghiệp hiện nay.

Hai là, thị trường nhà đất vẫn ảm đạm, với doanh số nhà đất tháng 10/2010 giảm 2,2%. Dự kiến hết năm 2010, ngành ngân hàng sẽ tịch biên tới 2,5 triệu căn nhà.

Ba là, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ vẫn cao. Hiện nay tổng nợ của Mỹ tới 12.300 tỉ USD, riêng nợ của chính phủ chiếm tới 84% GDP.

Trước tình hình trên, rõ ràng kinh tế Mỹ vẫn “khát đôla” và bơm thêm tiền kích cầu là điều khó tránh khỏi. Phía Mỹ cho rằng việc bơm tiền kích cầu là “liều thuốc bổ” tốt nhất làm tăng sức khỏe nền kinh tế số 1 thế giới đang trì trệ hiện nay. Nhưng đối với các nước khác, đây quả là một “liều thuốc đắng” vô cùng tai hại.

(tamnhin)