Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỷ nguyên mới với giới ngân hàng Mỹ

Cuộc cải cách tài chính quan trọng nhất của Mỹ đang thẳng đường tới đích, chỉ chờ thủ tục thông qua quốc hội. Gói bảo vệ người tiêu dùng cứng rắn nhất trong lịch sử nước Mỹ được đưa ra với hàng loạt các chính sách có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện thế giới ngân hàng.

Bao gồm từ thuế ngân hàng, vỡ đầu cơ, chia nhỏ các tổ chức tài chính lớn cho tới khả năng khởi kiện các công ty đánh giá tài chính.

„Mô hình tài chính mới của Mỹ có thể là hình mẫu cho bất cứ nước nào, vì nó có khả năng bảo vệ cho mọi quốc gia „ - Tổng thống Barack Obama nói với hãng tin Bloomberg về dự luật điều chỉnh phố Wall, đã được các nhà lập pháp Hoa Kì thông qua hôm thứ sáu.

Tổng thống coi thỏa thuận này là cuộc cải cách bảo vệ nguời tiêu dùng cứng rắn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngay cả với những người chống đối cũng không nghi ngờ gì nữa, đây là dự thảo tài chính qui mô nhất trong vòng 70 năm qua. Nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ thế giới ngân hàng.

Gói cải cách này được các nhà lập pháp tranh luận trong nhiều năm, cuối cùng sau 20 giờ thảo luận liên tục qua đêm đã hoàn tất vào hôm thứ sáu (25/06/2010). Dự luật hoàn chỉnh này còn phải thông qua quốc hội –Hạ viện và Thượng viện. Mặc dù việc thông qua này hoàn toàn không mang tính tự động, xong theo tinh thần của sự thỏa thuận ngày thứ sáu, việc biểu quyết ở quốc hội vào tuần tới sẽ không gặp trở ngại.

Ngày 4/7 sau khi được quốc hội thông qua, tổng thống Obama sẽ chính thức kí văn kiện. Thực tế văn kiện này bao gồm nhiều biện pháp làm thay đổi cục diện thế giới ngân hàng –đã bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian qua vì đẩy nền kinh tế Mỹ tới bờ vực thẳm.

Obama coi cải cách tài chính là thành công của riêng mình..

Tương lai, trong trường hợp có ngân hàng bị phá sản, sẽ không phải cứu bằng mọi giá từ tiền đóng thuế của dân chỉ với lí do „vì quá lớn ,không thể không cứu”.

Theo dự thảo luật, những ngân hàng khổng lồ sẽ bị bắt buộc dần dần thu nhỏ kích cỡ. Chính quyền cũng sẽ để mắt sát sao tới các quĩ đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể khởi kiện lại những công ty đánh giá tài chính.

Ngoài việc các ngân hàng lớn bị chia nhỏ, tất cả các công ty tài chính đều bị đánh thuế - lí do cơ bản :trong khủng hoảng các ngân hàng đã được chính phủ cứu trợ và bây giờ đến lượt các nhà băng đóng góp trách nhiệm . Ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ phải trả một khoản thuế tổng cộng 19 tỉ USD.

Một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng mới sẽ được thành lập trong khuôn khổ của hệ thống ngân hàng trung ương(FED). Hoạt động của cơ quan này được tài trợ từ phí chi trả của các ngân hàng, chịu trách nhiệm loại bỏ các hành động thương mại gây hại đến người tiêu dùng.

Một điều mới nữa là FED sẽ tối đa hóa những thanh toán bằng thẻ tín dụng, và mọi công dân đều có quyền yêu cầu một cuộc kiểm tra miễn phí về khả năng tín dụng của mình hàng năm. Đối với các trường hợp vay thế chấp việc kiểm tra nguồn thu nhập là bắt buộc .

Các giao dịch chứng khoán phức tạp (điều đã đưa hai ngân hàng lớn AIG và Lehman tới sụp đổ) sẽ được làm minh bạch và kiểm tra thường xuyên. Những đầu tư phi truyền thống (chẳng hạn các cổ phiếu bắt nguồn từ việc cho vay thế chấp) sẽ dần bị loại khỏi hoạt động của các ngân hàng thương mại – với mục đích : các ông chủ nhà băng không có cơ hội đầu cơ rủi ro vì lợi nhuận. Mức độ đầu tư mạo hiểm của các ngân hàng cũng bị giới hạn (nhiều nhất là 3% tài sản thực tế ).

Theo các nhà phân tích, chưa thể phán đoán chính xác mức độ tác động cụ thể của cải cách tài chính này tới các ngân hàng, nhưng chắc chắn rằng các nhà băng buộc phải nâng vốn. Điều này làm giảm lợi nhuận ngân hàng và tác động xấu tới giá trị cổ phiếu của các nhà băng.

Theo phân tích trước đó của Citi Group : những ngân hàng lớn như Goldman Sachs có thể mất tới 23% lợi nhuận, Morgan Stanley mất 20%, JP Morgan mất 18 % và Bank of America mất 16 %. Thực tế sau thỏa thuận ngày thứ sáu (25/6) các cổ phiếu ngân hàng lại nhỉnh lên. Mâu thuẫn này được giải thích rằng các nhà đầu tư đã dự kiến tới những qui định còn ngặt nghèo hơn. Theo các chuyên gia phân tích, còn quá sớm để đánh giá tác động cụ thể của dự thảo dài nhiều nghìn trang này.

Điểm tích cực với giới ngân hàng là các giao dịch hoán đổi không bị cấm đoán, nếu không các công ty tài chính của Mỹ có thể chuyển ít nhất một phần hoạt động đầu cơ ra nước ngoài.

Cải cách tài chính toàn cầu cũng đã được thỏa thuận cùng những đại diện của các nước đứng đầu thế giới hồi đầu năm tại Davos (Thụy sĩ ). Khi đó các chuyên gia cũng cảnh báo rằng : Then chốt của cuộc cải cách là thái độ của Hoa Kỳ . Vì thiếu sự đồng ý của Mỹ thì không thể thi hành bất cứ nguyên tắc toàn cầu nào.

Việc thực thi còn ở trong tương lai. Nhưng dù sao việc tổng thống Obama đến hội nghị G20 với một kế hoạch đầy đủ là một dấu hiệu tốt cho cuộc cải cách toàn cầu.

(Theo Phan Bình // Tienphong Online // AFP // Origo)