Mặc dù những nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản đã hứa hẹn sẽ cải tổ đường lối điều hành đất nước, nhưng có một điều vẫn chưa thể thay đổi từ nhiều đời thủ tướng trước: luôn có một chính khách đứng sau thủ tướng, người thực sự có quyền lực lãnh đạo đất nước.
![]() |
Ông Ichiro Ozawa, Tổng thư ký đảng Dân chủ cầm quyền đi ngang qua bức hình thủ tướng Yukio Hatoyama ở một cuộc họp báo diễn ra tại trụ sở đảng này tại Tokyo. Ảnh : NYT |
Thời điểm này, với những biến động trong mối quan hệ Washington – Tokyo, phía Mỹ đã trực tiếp liên hệ với chính khách đặc biệt này.
Theo các quan chức của Mỹ và Nhật, ngoại giao hai nước đã đàm phán về chuyến thăm Washington vào đầu tháng tới của Tổng thư ký Đảng Dân chủ cầm quyền Ichiro Ozawa. Một quan chức giấu tên cho biết, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Cambell đã gợi ý về chuyến thăm trong chuyến công du Nhật Bản năm ngoái, chương trình làm việc có thể sẽ bao gồm cuộc gặp với Tổng thống Obama.
Giới chức hai nước cũng cho rằng lời mời không chính thức của Washington nhằm củng cố kênh liên lạc với một trong những nhà lãnh đạo mới của Nhật, người từng tuyên bố muốn độc lập với nước Mỹ. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Washington nhằm đưa các thành viên của đảng cầm quyền mới ở Nhật đến Washington để gặp những người đồng cấp.
Tuy nhiên, lời đề nghị trên cũng vấp phải một số ý kiến chỉ trích bởi việc này có thể bị coi như hành động qua mặt Thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyam. Các chuyên gia cho rằng động thái này của Mỹ - có thể sẽ được chính phủ của ông Hatoyama chấp thuận – cho thấy một thực tế là những vấn đề khó khăn hiện nay, như việc không đồng ý cho quân Mỹ tiếp tục đóng tại Okinawa, xuất phát phần nào từ sự đổ vỡ trong thông tin qua lại giữa hai nước.
Sự thay đổi có tính lịch sử trong chính quyền Nhật năm ngoái đã phá vỡ những kênh thông tin qua lại từng tồn tại hàng thập kỷ giữa hai nước.
Jun Jio, giáo sư nghiên cứu chính trị tại Học viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia Tokyo nói: “Những động thái như việc mời ông Ozawa cho thấy sự đổ vỡ trong thông tin. Những phương cách liên lạc cũ đã không còn nữa, cần thời gian để Mỹ và Nhật có thể xây dựng lại hệ thống mới”.
Trước khi Đảng Dân chủ của ông Hatoyam lên nắm quyền, quan hệ song phương được thực hiện thông qua một nhóm chuyên gia về Nhật Bản tại Washington và các kênh liên lạc của họ với Đảng Dân chủ tự do và Bộ Ngoại giao Nhật. Đảng Dân chủ không chỉ loại bỏ hoàn toàn những người của Đảng Tự do dân chủ, họ còn thực hiện cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt tình trạng việc hoạch định chính sách chỉ ở trong tay một số quan chức.
Vấn đề là chỉ một vài kênh liên lạc tỏ ra có thể thay thế được những kênh cũ. Tình trạng thiếu thông tin của Washington lên đến đỉnh điểm vào cuối năm ngoái khi Tokyo bắt đầu kêu gọi thay đổi một thỏa thuận được đưa ra năm 2006 nhằm di chuyển căn cứ quân sự Futenma ở Okinawa.
Khi đó, bình luận của các bộ trưởng trong nội các Nhật Bản thường mâu thuẫn, thiếu nhất quán, phản ánh sự không đồng thuận của một chính phủ còn thiếu kinh nghiệm. Mặc dù ông Hatoyama tỏ ra vẫn muốn duy trì đồng minh an ninh giữa hai nước nhưng tiếng nói của ông bị lấn át bởi những luồng ý kiến trái ngược. Kết quả là, sự nhầm tưởng của phía Mỹ rằng Tokyo muốn rút khỏi mối quan hệ với Mỹ lại trở thành sự thật.
Để cứu vãn cho tình thế này, giới lãnh đạo Nhật Bản đã cố gắng gửi một thông điệp rõ ràng hơn tới Washington. Trong các phát biểu trên báo chí, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada liên tục nhắc lại rằng, mặc dù chính phủ mới tỏ ra cởi mở hơn trong tranh luận, nhưng họ vẫn mong muốn các căn cứ không quân và hải quân của người Mỹ tiếp tục đóng tại Nhật Bản.
Ông Okada nói như biện minh: “Chúng tôi tỏ ra cởi mở hơn những chính phủ tiền nhiệm, và điều này có thể gây khó khăn cho những đồng minh của Nhật trong việc hiểu Nhật Bản”.
Với việc đề nghị ông Ozawa thăm Washington, chính quyền Obama đã tiếp xúc với một trong những chính khách gây tranh cãi nhất của Nhật. Ông này góp phần quan trọng trong chiến thắng của Đảng Dân chủ trước Đảng Dân chủ tự do trong cuộc bầu cử năm ngoái. Ông Ozawa hiện đang dính líu tới những rắc rối về quản lý tài chính của Đảng này. Ông Ozawa cũng có quan hệ rộng với nhiều quan chức của Mỹ.
Giới phân tích cảnh báo việc mời ông Ozawa tới Washington có thể đưa ra thông điệp sai lệch rằng chính quyền Obama coi ông này như là trung tâm quyền lực thực sự của Nhật. Lời mời cũng có thể ảnh hưởng tới quyền lực của ông Hatoyam, người đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng về năng lực lãnh đạo.
Một số chuyên gia cho rằng chính quyền Obama dường như đang sai lầm khi khăng khăng đòi chính quyền mới ở Nhật giữ nguyên những thỏa thuận trước đây. Họ cho rằng lối tiếp cận mạnh tay hiện nay của Washington có thể gây ra tác dụng ngược lại, tạo dư luận rằng Mỹ không thừa nhận quyền thay đổi chính sách của chính phủ mới.
(Theo Hải Linh // Tienphong Online // The New York Times)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com