Mặc dù đã đạt được thoả thuận nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nóng bỏng trên chính trường Mỹ, bàn về các ưu tiên sử dụng ngân sách sắp tới.
Ngày 9/4, chỉ 1 giờ trước thời hạn chót, thoả thuận về Dự luật Ngân sách Liên bang Mỹ bổ sung cho 6 tháng còn lại của năm 2011 đã được đưa ra.
Dù được xem là mức cắt giảm chi tiêu ngân sách hàng năm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, Dự luật mới vẫn được hoan nghênh nhiệt liệt do giúp Chính phủ thoát khỏi nguy cơ phải ngừng hoạt động.
Cắt giảm 500 tỷ USD trong 10 năm
Sau 11 giờ đàm phán căng thẳng, thoả thuận đạt được vào giờ chót trước khi dự luật ngân sách tạm chi hiện thời hết hiệu lực cho thấy cuộc chiến cắt giảm ngân sách dường như chưa bao giờ quyết liệt đến thế trên chính trường Mỹ.
Cắt giảm tối đa chi tiêu chính phủ là điều nước Mỹ không thể không làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khủng hoảng nợ công rình rập, nhất là thâm hụt ngân sách của nước Mỹ dự báo năm nay sẽ lên tới 1.650 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 1945 đến nay.
Tuy nhiên, “thắt lưng buộc bụng” tới mức đặt Chính phủ liên bang trước nguy cơ ngừng hoạt động thì là chuyện không ai muốn. Do đó, cuối cùng, các cơ quan lập pháp của Mỹ đã phải có sự nhượng bộ lẫn nhau để tránh kịch bản tồi tệ đó.
Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa trong 21 ngày, gây thiệt hại tới 1,4 tỷ USD.
Theo thoả thuận mới, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ thống nhất cắt giảm 38,5 tỷ USD ngân sách trong thời gian còn lại của năm 2011, con số rất gần với số 40 tỷ USD do Đảng Cộng hòa đề xuất trước đó.
Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cho biết, với thỏa thuận vừa đạt được, số tiền dành cho chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ được cắt giảm đến 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Tổng thống Barack Obama phát biểu sau khi thoả thuận được ký: Đây là thoả thuận vì lợi ích của người dân trên toàn nước Mỹ, quy định khoản cắt giảm ngân sách lớn nhất trong lịch sử đất nước. Một số chương trình sẽ bị ảnh hưởng, các chương trình phúc lợi sẽ bị cắt giảm, một số dự án cơ sở hạ tầng sẽ tạm hoãn. Các chương trình nghiên cứu y tế, năng lượng sạch cũng sẽ bị cắt giảm ngân sách.
“Các thế hệ trẻ ở Mỹ sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn để giành cơ hội việc làm cho mình. Nhưng chính phủ Mỹ sẽ cố gắng bảo vệ những vấn đề thiết yếu của đất nước”, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh.
Nếu Chính phủ đóng cửa…
Việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đạt được thoả thuận ngân sách giúp duy trì hoạt động chính phủ là sự kiện rất có ý nghĩa, nếu không nước Mỹ sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng: Các cơ quan chính phủ có thể hoạt động lửng lơ, hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ có nguy cơ không được hưởng lương hoặc mất việc làm, các công trình, dự án được chi trả bằng tiền ngân sách sẽ phải tạm dừng thi công…
Theo ước tính của Tập đoàn Goldman Sachs, nếu Chính phủ liên bang ngừng hoạt động thì cứ mỗi tuần trôi qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể giảm 0,2%. Lòng tin của người dân dành cho Chính phủ có thể sẽ xuống thấp vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 9%. Các ngành dịch vụ như cấp thị thực, hộ chiếu và lãnh sự cũng bị ảnh hưởng nặng.
Kevin Euband, một nhân viên đơn vị quân đội phụ trách vận tải biển trên sông Illinois - một cơ quan sử dụng ngân sách của chính phủ Mỹ cho biết: “Illinois là nơi qua lại của nhiều tàu, thuyền chở các loại hàng hoá thiết yếu như ngô, than, đỗ xanh và nhiều nguyên vật liệt thô khác dùng trong công nghiệp. Chúng tôi không thể tưởng tượng hậu quả sẽ thế nào nếu Chính phủ ngừng hoạt động, công việc của chúng tôi ở đây cũng phải dừng lại. Nếu chuyển sang vận chuyển bằng đường bộ, chi phí sẽ cao gấp 3 lần và khi đó, sức ép về giá cả sẽ tăng đột biến, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.
Trong trường hợp chính phủ bị treo do thiếu ngân sách, các địa điểm công cộng trên nước Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động và điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bà Caron Waker, một người dân Mỹ nói: “Tôi nghĩ rằng thực sự sẽ rất tệ nếu những địa điểm công cộng, các di tích lịch sử, công viên phải đóng cửa một thời gian vì Chính phủ không có ngân sách. Điều đó sẽ gây nhiều xáo trộn trong cuộc sống và suy nghĩ của người dân Mỹ”.
Mặc dù đã đạt được thoả thuận nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục nóng bỏng trên chính trường Mỹ, bàn về các ưu tiên sử dụng ngân sách sắp tới. Miếng bánh ngân sách nhỏ lại, đương nhiên tranh cãi về việc chia cắt miếng bánh đó ra sao sẽ càng gay gắt hơn; chia rẽ giữa hai đảng, giữa Nhà Trắng với Quốc hội Mỹ sẽ thêm phần căng thẳng./.
(VOVNews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com