Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ đang lặp lại sai lầm thời “Đại khủng hoảng”

Một số cơ quan nghiên cứu, báo chí Mỹ và giới phân tích cho rằng nước Mỹ đang lặp lại những sai lầm của thời kỳ Đại khủng hoảng 1930.

Theo Heritage Foundation – một trung tâm nghiên cứu có uy tín ở Mỹ,  diễn biến của thời kỳ Đại khủng hoảng 1930 là bong bóng tài chính nổ, thất nghiệp tăng cao và GDP giảm mạnh. Khi đó, một số nghị sỹ Mỹ cũng đã cáo buộc nước ngoài gian lận thương mại và thông qua một bộ luật thương mại cho phép trả đũa trên diện rộng, khiến cho bong bóng nổ mạnh hơn và đẩy nền kinh tế của Mỹ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn. Diễn biến đó được bắt đầu từ sự kiện Sự sụp đổ Phố Uôn năm 1929 đến Luật thuế Smoot–Hawley năm 1930 và cuộc Đại khủng hoảng sau đó.

Việc Hạ viện Mỹ ngày 29/9 thông qua dự luật mang mã số H.R. 2378 đã khiến không ít người tin rằng Mỹ đang sa vào vết xe đổ của cuộc Đại khủng hoảng 1930. Heritage Foundation nhận định việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không giúp gì cho việc cải thiện kinh tế Mỹ cải thiện. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, mức thuế mới có thể giúp nước Mỹ thu thêm 20 triệu USD/năm, rất thấp so với con số giao dịch thương mại Mỹ-Trung lên tới trên 1 tỷ USD/ngày hiện nay. Đó là chưa kể "nhiều hàng hóa nhập khẩu không cạnh tranh và gây tổn hại cho các công ty nội địa Mỹ”.  

Theo Heritage Foundation, thay vì đi theo con đường bảo hộ và chính phủ kiểm soát nền kinh tế nhiều hơn, Mỹ phải quay về với thế mạnh vốn có là tự do thương mại, pháp trị và cam kết tự do kinh doanh. Cắt giảm thuế doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của chính phủ vào các quyết định kinh doanh, kiềm chế chi tiêu và thâm hụt, giải phóng doanh nghiệp khỏi thói quan liêu, mở các nguồn tài nguyên để đáp ứng nhu cầu năng lượng... Đó chính là những việc Quốc hội Mỹ cần làm để nền kinh tế Mỹ thịnh vượng trở lại.

Tờ New York Times ngày 29/9 cũng cảnh báo trừng phạt đồng NDT có thể là một sai lầm lịch sử. Theo báo này, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc nảy sinh vì hai bên cùng vấp phải những vấn đề nan giải. Thứ nhất là vấn đề việc làm. Mỹ đang tiếp tục vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp và bán thất nghiệp cao, trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thì lo ngại "bất ổn xã hội”, nếu không giải quyết ổn thỏa những vấn đề tạo công ăn việc làm, giải quyết được tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn và giải quyết vấn đề bất bình đẳng để đạt mục tiêu "xã hội hoà hợp". Thứ hai là tình trạng mất cân bằng giữa xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm trong nước.

New York Times cho rằng điều chỉnh tỷ giá tiền tệ chưa chắc giải quyết được một trong vô số áp lực dẫn đến tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Trong trường hợp xấu, nó có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại.

Mỹ hiện đang bị thâm hụt thương mại với 90 quốc gia trên thế giới. Đó là vì người Mỹ không chịu tiết kiệm. Nếu điều chỉnh theo sự mất giá của đồng USD, tỷ lệ tiết kiệm thực của Mỹ trong năm 2008 là dưới 0%. Không một quốc gia hàng đầu nào trong lịch sử hiện đại lại có mức tiết kiệm thấp như vậy. Và để bù đắp cho sự thiếu hụt đó, nước Mỹ phải đi vay và thu hút vốn từ các nước cho vay như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Việc Mỹ hạn chế thương mại với Trung Quốc – bất kể thúc ép tăng giá đồng NDT hay áp dụng các biện pháp trừng phạt – là phản tác dụng. Trung Quốc hoàn toàn có thể trả đũa các nhà xuất khẩu Mỹ và mua hàng hoá ở chỗ khác và đây là điều đáng ngại vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể hạn chế việc mua trái phiếu của Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ phải quay sang vay các nước khác với chi phí cao hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách. Kết quả là đồng USD sẽ yếu hơn và lãi suất dài hạn sẽ tăng. Tệ hại hơn, khi quay lưng lại với Trung Quốc, những gia đình Mỹ vốn đang khốn khó sẽ buộc phải mua những hàng hoá đắt hơn rất nhiều so với hàng hoá của Trung Quốc.

Dư luận cho rằng dự luật mang mã số H.R. 2378 được Hạ viện Mỹ  thông  qua nhằm trừng phạt Trung Quốc không những không giải quyết được vấn đề nội tại của nước Mỹ mà còn tác hại đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đã khá mong manh. Nhà đầu tư Mỹ Robert Lawrence Kuhn, tác giả cuốn “Trung Quốc 30 năm”, nói rằng tuy vấn đề tỷ giá ít nhiều ảnh hưởng đến cân bằng thương mại Trung-Mỹ, nhưng nhân tố quyết định lại nằm ở năng lực sản xuất, cơ cấu sản xuất, trình độ phát triển kinh tế của hai nước.

Về phía Trung Quốc, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Tống Hoằng nói việc Mỹ cố tình "chính trị hóa" vấn đề tỷ giá đồng NDT sẽ khiến cho cả hai bên đều bị tổn thương, gây hại cho quan hệ Trung-Mỹ và tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo ông, biên độ tăng giá đồng NDT hiện nay đã gây ra những áp lực “không thể chịu nổi” đối với nền kinh tế Trung Quốc, gây tổn thất nghiêm trọng cho lĩnh vực xuất khẩu, việc làm, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế lành mạnh và ổn định. Do sự tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc vào kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng, dự luật này sẽ tác hại đến kinh tế thế giới rối, kể cả kinh tế Mỹ.

(Tamnhin)

  • Thomas Friedman và giá trị Mỹ
  • Hạ viện Mỹ gây sức ép với đồng nhân dân tệ
  • Mỹ có thể cho phép nghe trộm trên Internet
  • Mỹ tài trợ 434 triệu USD để Philippines giảm nghèo
  • Chấm dứt mối đe dọa dầu tràn trên Vịnh Mexico
  • Mỹ có thể chi tiêu 5,8 tỷ USD trong dịp Halloween
  • CEO Mỹ nhận định kinh tế quý III u ám
  • Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 của Mỹ giảm mạnh