Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ đang trở lại Đông Nam Á

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 42 và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 16 vừa diễn ra tại Phuket, Thái Lan đã đưa ASEAN trở thành tâm điểm chú ý của thế giới

> Triều Tiên muốn đối thoại riêng với Mỹ

Theo các nhà bình luận trong khu vực, có thể nói AMM-42 là Hội nghị Ngoại trưởng quan trọng nhất trong lịch sử ASEAN vì là hội nghị đầu tiên sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ cuối năm 2008. Trọng tâm của hội nghị là bàn về các giải pháp thực hiện lộ trình quy định trong Hiến chương về xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên 3 trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Tầm quan trọng và uy tín của cộng đồng ASEAN được Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nêu bật tại AMM-42 là thực hiện 3 mục tiêu: cộng đồng hành động, cộng đồng kết nối và cộng đồng vì dân.


Đánh giá kết quả AMM-42 và ARF-16 không thể không nêu lên hai sự kiện quan trọng được dư luận đặc biệt chú ý. Thứ nhất là quyết định thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AHRB). AHRB gồm đại diện 10 nước thành viên sẽ chính thức ra mắt tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 10 năm nay. Đây là bước đột phá nhằm nâng cao uy tín quốc tế của ASEAN với bạn bè thế giới.


Sự kiện thứ hai là Mỹ đã chính thức ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN. Hiệp ước này ra đời năm 1976, đến nay đã có 15 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ.

Thông cáo chung của AMM-42 hoan nghênh thiện chí của Mỹ tham gia TAC, coi đây là “một tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh trong khu vực”. Báo The Bangkok Post viết: “Washington tham gia TAC đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ có bản chất nóng lạnh giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á”.

Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Học viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định: “Mỹ đang nỗ lực đóng vai trò chính trong bàn cờ khu vực”.


Một điểm sáng tại ARF gồm 27 đại diện tham  dự lần này, kể cả đại diện Liên hiệp châu Âu (EU), là sự tham gia của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Khi vừa đặt chân tới Phuket, bà Hillary Clinton đã phát biểu: “Nước Mỹ đang trở lại Đông Nam Á. Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng và nghiêm túc là nước Mỹ hoàn toàn cam kết đẩy mạnh quan hệ với khu vực Đông Nam Á”.


Hãng AP nhận xét: “Với tuyên bố này có thể hiểu bà Clinton muốn nói rằng chính quyền của Tổng thống (TT) Barack Obama nhận thấy đã đến lúc phải chứng tỏ với các nước châu Á rằng Mỹ không vì các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan mà sao nhãng khu vực Đông Nam Á và muốn mở rộng, tăng cường các quan hệ đối tác với các  nước trong khu vực”.


Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, Mỹ đang trở lại Đông Nam Á sau nhiều năm chính quyền TT Bush coi nhẹ khu vực này, cho thấy chính quyền TT Obama có đầu óc thực tế. Bằng chứng của sự coi nhẹ là bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng của chính quyền Bush trong 3 năm, đã 2 lần không dự ARF của ASEAN, gây mất cảm tình với toàn khu vực. Đúng như nhận xét của Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan: “Sự tham dự ARF của bà Clinton chứng tỏ Mỹ thực sự nghiêm túc chấm dứt sự xa lánh ngoại giao với khu vực”.


Bình luận của Tân Hoa Xã viết: “Giờ đây, dưới chính quyền Obama, nước Mỹ dường như đã khởi đầu sự thay đổi chính sách đối với khu vực Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược và mối liên quan về lợi ích rất lớn với Mỹ”.


Hành động đầu tiên “trở lại Đông Nam Á” của Mỹ là sáng kiến của ngoại trưởng Hillary Clinton tổ chức tại Phuket Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan), bàn về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.  Sáng kiến của bà Clinton đã được các nước ASEAN đánh giá cao và hy vọng sự hợp tác toàn diện của Mỹ trong thời gian tới.

(Theo Đỗ Chuyên // Người lao động online)

  • Tổng thống Obama tìm cách giảm nhẹ tranh cãi
  • Ngoại trưởng Mỹ hối thúc CHDCND Triều Tiên trở lại đàm phán
  • Mỹ sẵn sàng tăng cường an ninh tại Vùng Vịnh
  • Nhà Trắng hoãn công bố một loạt báo cáo kinh tế-chính trị
  • Phó tổng thống Mỹ chọc giận Nga
  • Doanh số bán ô tô Mỹ tháng 7/2009 lập kỷ lục của năm 2009
  • Tổng thống Mỹ tuyên dương 3 phi hành gia Apollo 11
  • Brazil sẽ kiểm soát các mỏ dầu mới tìm được