Chính phủ Mỹ vừa rút đơn vị chiến đấu cuối cùng khỏi Iraq. Báo chí Mỹ đưa tin rầm rộ về sự kiện này nhưng ít có ai tìm hiểu xem Mỹ đã để lại gì cho đất nước Iraq.
Từ năm 2003, người dân Iraq phải hứng chịu một cuộc chiến tranh “từ trên trời rơi xuống” kéo dài 7 năm ròng với bao đau thương, tang tóc, số lượng người dân thiệt mạng lên khoảng 200.000 người, biết bao gia đình tan nát. Cho đến giờ, khi Mỹ rút quân, họ đã để lại cho đất nước và dân tộc Iraq một đống đổ nát về kinh tế, chính trị, văn hóa… Một đất nước chia rẽ nghiêm trọng khi đã 5 tháng trôi qua sau tổng tuyển cử, các phe phái vẫn chưa thành lập được chính phủ, 2 phái chủ yếu là cộng đồng Hồi giáo theo dòng Sunni và dòng Shiite không tìm được tiếng nói chung. Một nền kinh tế què quặt chỉ dựa vào thu nhập từ việc bán dầu, không có nhiều cơ sở công nông nghiệp phát triển.
Rõ ràng GDP có tăng lên so với những năm dưới chế độ Saddam Hussein khi nước này bị cấm vận không được phép xuất dầu lửa mà phải bán dầu qua chương trình đổi dầu lấy lương thực có hạn chế. Nhưng tăng trưởng đó không đến tay người dân mà phải phục vụ cho cuộc chiến chống quân nổi dậy.
Ở Baghdad, những nhu yếu phẩm giúp cuộc sống có thể chấp nhận được dường như đang biến mất; thiếu điện nước, thất nghiệp và tham nhũng tràn lan; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tăng cao hơn thời ông Saddam Hussein…
Về văn hóa, các cuộc tấn công quân sự của quân Mỹ vào quân nổi dậy đã phá nát các di sản thế giới ở Iraq như di tích thành phố cổ Babylon, các di tích của nền văn minh Lưỡng Hà...
Ngay từ khi mở đợt tấn công đầu tiên vào Baghdad, chính quyền Bush lúc đó hứa hẹn mang lại cho người dân Iraq một cuộc sống tự do, sung túc một khi họ lật đổ được ông Saddam Hussein. Nhưng điều đó cho đến nay vẫn còn rất xa vời, bởi vì đó không phải là mục đích của người Mỹ khi đến đất nước này. Mỹ mới rút quân đợt 1 vào tháng 8 năm này và dự kiến đến cuối năm 2011 họ sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi đất nước này.
Có thể nói đây là một tính toán rất chiến lược cho tương lai của ông Obama ngay từ khi ông vừa nhậm chức. Rút một đợt quân vào tháng 8 năm nay, chỉ còn 3 tháng là tới bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, chắc chắn sẽ giúp đảng Dân chủ của ông Obama giành điểm của cử tri.
Tương tự như vậy, rút hết quân vào cuối năm 2011 là thời điểm nước Mỹ bước vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ có thể mang lại ưu thế cho ông Obama nếu như ông muốn tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.
Năm 2003, Chính phủ của ông Bush mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Iraq, lật đổ Chính phủ của ông Saddam Hussein, nhằm giành ảnh hưởng, thị trường và nguồn tài nguyên dầu của nước này. Giờ đây, khi đã đạt được mục đích và nghĩ đến việc rút quân, chính phủ Mỹ kế nhiệm cũng tính toán làm sao có lợi cho mình nhất. Chỉ có người dân Iraq chịu nhiều mất mát, các bà mẹ Mỹ mất con và tiền đóng thuế mà người dân Mỹ phải vất vả mới kiếm được thì bị đốt cháy cùng những bom đạn Mỹ mang đến Iraq.
Theo thống kê của những người phản đối chiến tranh, nếu đem số tiền 1.000 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ nướng vào cuộc chiến ở Iraq dùng vào chi tiêu quốc dân thì không một sinh viên Mỹ nào phải đóng học phí, hoặc có thể giúp tạo thêm nhiều việc làm cho 14 triệu người Mỹ đang thất nghiệp hiện nay.
(Theo VIỆT TRUNG // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com