![]() |
Những khu định cư do Ten A-víp xây dựng ở Bờ Tây. |
Tiếp theo chuyến công du của Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu, cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát cũng đã vượt Đại Tây Dương tới Mỹ nhằm khai thông bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Điều đáng kể nhất đọng lại sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống B.Ô-ba-ma và người đồng cấp Pa-le-xtin là khẳng định cứng rắn của Oa-sinh-tơn đối với I-xra-en rằng Chính phủ Do Thái phải chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Ông B.Ô-ba-ma còn nêu rõ, Ten A-víp phải hướng đến mục tiêu thành lập một nhà nước Pa-le-xtin độc lập có thể đứng vững...
Rõ ràng, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã và đang thực hiện những bước đi cần thiết trong lộ trình "thận trọng" của mình với Trung Đông như cam kết khi bước vào Nhà Trắng. Theo giới quan sát, Tổng thống B.Ô-ba-ma cùng "ê-kíp" của mình đã và đang gắng sức thực hiện "đại kế hoạch" nhằm điều chỉnh quan hệ giữa Mỹ với Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Do đó, việc yêu cầu Ten A-víp có bước đi cụ thể với tiến trình hòa bình khu vực là điều dễ hiểu. Hơn nữa, kể từ khi chính phủ của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu, người đang đứng đầu liên minh thiên hữu với nòng cốt là các đảng phái ủng hộ việc xây dựng thêm các khu định cư cho người Do Thái, lên nắm quyền, thì yêu cầu của Oa-sinh-tơn với Ten A-víp về việc ngừng xây dựng các khu định cư và công nhận một nhà nước Pa-le-xtin độc lập như một bước thử nghiệm với "đại kế hoạch" của Mỹ.
Yêu cầu của Oa-sinh-tơn là Chính phủ Do Thái phải tuân theo lộ trình hòa bình Trung Đông năm 2003, phải "ngừng xây dựng các khu định cư" như một điều kiện tiên quyết và nghĩa vụ phải thực hiện. Thế nhưng, chính quyền I-xra-en đã bác bỏ thẳng thừng các đề nghị của Mỹ. Người phát ngôn của Chính phủ I-xra-en Mác Re-gép (ngày 27-5) lại vừa tái khẳng định, lập trường của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu là các khu định cư sẽ tiếp tục được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tăng dân số "tự nhiên" của người định cư Do Thái. Trước đó, Ten A-víp đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa I-xra-en và Pa-le-xtin khi tuyên bố, Thánh địa Giê-ru-xa-lem, nơi cả I-xra-en và Pa-le-xtin đều mong muốn sở hữu, sẽ luôn là của người Do Thái và sẽ không bao giờ bị chia cắt một lần nữa…
Thông điệp của người đứng đầu nước Mỹ đã khá rõ, công khai gây áp lực buộc chính phủ của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu phải thực hiện bổn phận trong việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông. Cho dù những biện pháp cứng rắn không phải là phong cách của vị tổng thống da màu này, nhưng nước Mỹ đang muốn xây dựng một hình ảnh mới, cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo, lôi kéo các nước A Rập ôn hòa vào một mặt trận thống nhất đối phó với các thế lực Hồi giáo cực đoan, thì những trở ngại từ I-xra-en sẽ là điểm bất lợi lớn. Vào lúc này, người ta chưa thể khẳng định rằng việc Mỹ công khai gây áp lực với I-xra-en sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông phát triển ngay theo chiều hướng tích cực…
(Theo Trung Hiếu // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com