Chính phủ Mỹ sẽ không mua bất cứ món hàng nào xuất xứ từ Trung Quốc để đáp lại chính sách “sáng tạo nội địa” của chính quyền Bắc Kinh, theo một đạo luật được các nghị sĩ Mỹ tiết lộ hôm 18-6.
Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi các hợp đồng mua sắm trị giá 1.700 tỉ USD mỗi năm của Washington.
Lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến khi Trung Quốc ký kết hiệp định mua sắm chính phủ, văn kiện dài 28 trang quy định việc giao dịch giữa các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài, của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nghị sĩ Dân chủ Debbie Stabenow - người đề nghị đạo luật mới - nói với Hãng tin AFP: “Trung Quốc tiếp tục phân biệt đối xử với những doanh nghiệp Mỹ, từ chối cho các công ty của chúng ta đấu thầu trong các hợp đồng chính phủ. Như vậy cho đến khi Trung Quốc tuân thủ luật chơi, đạo luật của chúng ta sẽ đảm bảo tiền thuế liên bang sẽ không được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc”. Còn tờ Detroit News dẫn lời nghị sĩ Mark Schauer: “Ít nhất chúng ta cũng phải cho Trung Quốc thấy rằng chúng ta sẽ cứng rắn cho đến khi họ mở cửa thị trường chi tiêu chính phủ cho chúng ta”.
Các nghị sĩ Mỹ tỏ ra tức giận trước việc các công ty Mỹ không được tham gia cuộc chơi tại thị trường chi tiêu chính phủ trị giá 500 tỉ USD/năm của Bắc Kinh, trong khi Washington vẫn mua các sản phẩm Trung Quốc như vỏ xe, văn phòng phẩm...
Chính sách “sáng tạo nội địa” của Bắc Kinh, theo đó chỉ mua sản phẩm của các công ty trong nước, được Trung Quốc đưa ra trưng cầu ý dân lần đầu tiên vào ngày 15-11-2009. Nhưng chính sách này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ trong bối cảnh các nghị sĩ đang phải đối mặt với sức ép của thị trường việc làm, trong khi cuộc bầu cử cuối năm đang đến gần.
Theo Tân Hoa xã, chính sách này là một mắt xích quan trọng trong chương trình mua sắm chính phủ của Trung Quốc bởi từ tháng 3-2010 nước này cũng khuyến khích các cơ quan chính phủ từ cấp trung ương đến địa phương mua hàng hóa công nghệ cao, trang thiết bị từ các công ty kỹ thuật trong nước.
Giới doanh nhân Mỹ quan ngại rằng Trung Quốc đang dựng lên rào cản đối với doanh nghiệp của họ. Jeremie Waterman - giám đốc Phòng Thương mại của Mỹ - cho rằng Trung Quốc đưa ra chính sách này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia bán hàng trên thị trường Trung Quốc thì phải chuyển giao công nghệ hay nhượng quyền sáng chế.
Ngày 18-6, Tân Hoa xã đã cho đăng ý kiến các chuyên gia kinh tế của Mỹ nhằm phản ứng lại chỉ trích từ phía Mỹ. Lee Branstetter, giáo sư kinh tế Trường đại học Carnegie Mellon, cho biết chính sách sáng tạo nội địa của Trung Quốc chưa chắc có hại mà đôi khi còn đem lợi về cho công ty của Mỹ.
(Báo tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com