Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp

Cục Dự trữ liên bang FED, tức là Ngân hàng trung ương Mỹ, có khả năng sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần 0% cho đến giữa năm sau. Ảnh Reuters

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), sau 2 ngày họp đã bỏ phiếu đồng thuận tiếp tục duy trì lãi suất qua đêm ở mức 0 – 0,25% mặc dù sự phục hồi của nền kinh tế đã tốt hơn.

Lý do được FED đưa ra là họ vẫn quan ngại về sự hồi phục này. Trong tuyên bố của mình, FED cho biết “chi tiêu của các gia đình đã có dấu hiệu tăng nhưng vẫn hạn chế do tình trạng thất nghiệp vẫn tiếp diễn, thu nhập tăng không đáng kể, giá trị nhà ở thấp và tín dụng thắt chặt”. Vì vậy, họ cho rằng vẫn còn những rủi ro đáng lo ngại.

FED đã cắt giảm lãi suất xuống còn gần 0% vào tháng 12 năm ngoái và bơm hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ thập niên 1930. Hiện nay thì kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục, thị trường tài chính dần ổn định nên FED và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tính chuyện dỡ bỏ những hỗ trợ tài chính bất thường mà họ đã áp dụng trong thời gian qua. Các chuyên gia của FED cho biết họ đang xây dựng lộ trình cho những tình huống tiếp theo để có thể quyết định khi nào sẽ bắt đầu chính sách thắt chặt tài chính.

Hạn chế bơm tiền ra thị trường

Trong một động thái khác, FED tuyên bố sẽ chỉ mua lại khoản nợ mà các cơ quan nhà đất liên bang phát hành trị giá 175 tỉ đô la Mỹ chứ không phải 200 tỉ đô la Mỹ như trước đây. Một vài chuyên gia coi đây như là một dấu hiệu nhỏ của việc FED thay đổi chiến lược từ chỗ bơm thật nhiều tiền vào hệ thống tài chính; nhưng FED cho biết họ giảm số lượng mua do nguồn cung các khoản nợ này đã giảm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng ngay sau quyết định của FED. Chỉ số S&P 500 đã mất hết động lực tăng trong ngày và đóng cửa ở mức cận biên. Giá của các khoản nợ của chính phủ Mỹ cũng giảm do lo ngại sẽ có thêm các khoản nợ khác, trong khi lãi suất của các giao dịch kỳ hạn tăng lên vì các nhà đầu tư không cho rằng FED sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ. Đồng đô la Mỹ đã yếu thêm.

Các quan chức hàng đầu của FED, cả Chủ tịch Ben Bernanke, đều cho biết nền kinh tế Mỹ suy thoái đã để lại hậu quả là tỉ lệ thất nghiệp cao và làm tê liệt nhiều doanh nghiệp vì vậy những yếu tố tạo áp lực lên giá cả vẫn phải được theo dõi.

Một báo cáo khác cho thấy mức cắt giảm tiền lương ở các công ty Mỹ đã ở mức nhỏ nhất trong một năm trở lại đây, củng cố niềm hy vọng các số liệu của nền kinh tế đang chuyển biến đúng hướng. Mức tăng trưởng ấn tượng 3,5% của Mỹ trong quý 3 năm nay cùng với báo cáo lạc quan về ngành sản xuất là dấu hiệu rõ rệt của sự chấm dứt thời kỳ suy giảm, dù lĩnh vực dịch vụ rộng lớn vẫn chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn.

Loay hoay tìm lối ra

Dấu hiện của sự phục hồi đã cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư. Điển hình là tỉ phú Warren Buffet thông báo công ty Berkshire Hathaway sẽ bỏ ra 26 tỉ đô la Mỹ để mua lại công ty đường sắt lớn nhất nước là Burlington Nothern Santa Fe.

Dù vậy, vẫn còn những lo ngại. Hệ thống ngân hàng vẫn phải chịu áp lực từ những khoản nợ xấu và tín dụng vẫn còn chặt. Hầu hết các chuyên gia của các ngân hàng đều dự đoán rằng FED sẽ giữ duy trì lãi suất hiện tại đến giữa năm 2010 hoặc lâu hơn. Trước khi lãi suất tăng trở lại, có thể FED sẽ rút ra một lượng tiền mặt đã được bơm vào nền kinh tế trước đây để duy trì hoạt động cho vay.

Các ngân hàng trung ương khác cũng đang loay hoay tìm cách tốt nhất để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và lúng túng chưa biết khi nào thì nên thu lại các biện pháp hỗ trợ tức thời đang áp dụng hiện nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu được dự đoán sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,0% hiện nay, trong khi đó ngân hàng trung ương của Anh sẽ mở rộng chương trình mua tài sản của mình. 

(Theo Hải Long // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Bloomberg)