Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguy cơ suy thoái kép gia tăng ở Mỹ và châu Âu

Khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu mới

Theo Bloomberg, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khu vực Chicago, Charle Evans ngày 25-8 cho rằng nguy cơ về việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép đã tăng lên trong 6 tháng qua.

Ông C.Evan cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ ở mức 9,5% và vẫn giữ nguyên trong tương lai gần. Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính từ 2007-2009, FED đã cắt giảm tỷ lệ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục gần bằng 0%, đồng thời tiến hành một loạt biện pháp khẩn cấp như phát hành trái phiếu kho bạc và mua các khoản nợ thế chấp nhằm hạ thấp các chi phí đi vay. Đầu tháng 8-2010, FED thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp kích thích này bằng cách đầu tư lợi nhuận thu được từ chứng khoán thế chấp mua lại các khoản nợ của Bộ Tài chính Mỹ. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế Mỹ công bố cuối tháng 7-2010, FED cũng cảnh báo sự phục hồi kinh tế vốn đã “khiêm tốn” đang có chiều hướng chậm lại ở một số vùng của Mỹ.

Trong khi đó, một báo cáo của FED khu vực San Francisco công bố ngày 9-8 cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trở lại trong 2 năm tới. Các chuyên gia nhận định rằng một trong những nguyên nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng là do cuộc khủng hoảng vừa qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ thắt chặt hầu bao, từ đó các doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công. Chính vì vậy số việc làm mới được tạo ra hầu như không đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp không có dấu hiệu giảm.

Người thất nghiệp đang điền đơn xin việc tại Hội chợ việc làm New York.

Cùng lúc này, Giáo sư kinh tế Trường Đại học Columbia Joseph Stiglitz lên tiếng báo động nền kinh tế châu Âu đang đứng trước nguy cơ rất lớn rơi trở lại tình trạng suy thoái. Ông nhấn mạnh tình trạng được gọi là “suy thoái kép” này đã xuất hiện khi các chính phủ châu Âu cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách khiến các công ty đồng loạt cắt giảm việc làm. Việc các nước khu vực đồng euro đẩy nhanh nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định trong Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của Liên minh châu Âu (EU) đã làm tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh sau khi đã đạt mức tăng nhanh nhất trong vòng 4 năm qua. Tăng trưởng trong các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ của châu Âu đã bất ngờ giảm mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế trong tháng 8.

Ông Michael Pettis chuyên gia về kinh tế, thành viên cao cấp của Viện Carnegie Endowment (Mỹ) nhận định trên chuyên mục bình luận của tờ Financial Times rằng thế giới dường như đang hướng tới một cuộc chiến thương mại mới do thâm hụt thương mại của Mỹ đang tăng mạnh. Thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 6-2010 lên 50 tỷ USD, tăng so với mức 42 tỷ USD trong tháng 5-2010.

Theo ông M.Pettis, nhằm hạn chế tình trạng tăng thâm hụt ngân sách, Mỹ sẽ sử dụng các hình thức khác của chủ nghĩa bảo hộ thương mại - đó là hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu không mấy sáng sủa, các quốc gia đều kêu gọi người dân dùng hàng nội, còn các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt là điều không thể tránh khỏi.

(Theo SGGP Online)

  • Mỹ tăng cường các biện pháp thúc đẩy thương mại
  • Bra-xin cần mở cửa hơn trong việc giao thương với các nước Mỹ La tinh
  • Nhìn lại cuộc chiến 7 năm của Mỹ ở Iraq
  • Kinh tế Mỹ đang bị “nội thương” trầm trọng
  • Rao bán bản sao Nhà Trắng với diện tích 1.200m2
  • Kinh tế Mỹ mất thêm 54.000 việc làm trong tháng Tám
  • Cậu bé Mỹ gieo hạt hòa bình liên Triều
  • Nguy cơ suy thoái kép gia tăng ở Mỹ và châu Âu