Không có gì ngạc nhiên khi thấy các thành viên lão làng trong Quốc hội Mỹ giờ đây thường hoài nhớ về “những ngày xưa tươi đẹp”, khi mà mối giao hảo giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa còn là điều phổ biến. Tác giả Charles Gibson là người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh ABC, ông là nhà nghiên cứu năm 2010 tại Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công Shoreinstein thuộc Đại học Harvard. Họ kể về chuyện Dan Rostenkowski, một thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội khi đó, thường lái xe về nhà ở Chicago vào mỗi cuối tuần cùng với hai "ông bạn" trong đảng Cộng hòa là Bob Michel và Harold Collier. Họ rời nhiệm sở từ tối thứ Năm và thay nhau lái xe suốt đêm - một người cầm lái, một người khác có nhiệm vụ trông chừng người lái khỏi ngủ gật, người còn lại ngủ trong thùng xe. Tối Chủ nhật, cả ba lại cứ thế lái xe đi. Đó là thời điểm những năm 1960; khi ấy, trong mỗi kỳ làm việc của Quốc hội, các nghị sĩ chỉ được thanh toán tiền đi về một vài lần. Ba thành viên của hai đảng đối lập này đã tạo dựng được một tình bạn đẹp, vượt qua mọi mâu thuẫn về tư tưởng bởi họ, nhất là Rostenkowski và Michel, đều vươn lên nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội. Rồi tới đầu những năm 1970, khi George McGovern đứng trước Thượng viện lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam và chỉ trích rằng Thượng viện đã "tanh mùi máu"; còn Bob Dole, một cựu chiến binh thương tật trong Chiến tranh Thế giới II, đáp lời lại bằng thái độ cũng không kém phần gay gắt. Tuy nhiên, sau đó mọi người lại thấy hai người này cùng nhau tay trong tay đi dạo và cười nói vui vẻ như những người bạn thân thiết. Tới thập niên 1980, giữa hai nhà tư tưởng người Ai-len Ronald Reagan và Tip O'Neill - một người bảo thủ gay gắt, còn một người theo đường lối tự do lạc hậu, nổ ra cuộc tranh cãi về "linh hồn dân tộc". Khi các đề xuất cắt giảm thuế của tổng thống Reagan được đưa ra bàn luận tại Quốc hội, O'Neil chỉ trích: "Ông ta không lo lắng, quan tâm gì tới người dân cả. Tôi hiểu điều đó chứ, bởi vì với cách sống của mình, ông ta chẳng đời nào đi gặp gỡ, tiếp xúc với họ cả". Đáp lại, tổng thống cho rằng O'Neil đã có những lời lẽ nhằm "mụ mị dân chúng". Ngày hôm sau, khi tổng thống gọi cho Tip để xoa dịu bầu không khí căng thẳng, Tip nói: "Ông bạn già ơi, đó là chuyện chính trị mà. Sau 6 giờ chúng ta có thể là bạn, nhưng trước 6 giờ, giữa chúng ta chỉ có chính trị mà thôi". Sau khi Reagan qua đời, trên tạp chí US News & World Report số ra năm 2004, Gloria Borger trích lời Rostenkowski kể về những lần ngài tổng thống mời các thành viên đảng Dân chủ tới Nhà Trắng "sau 6 giờ". Rostenkowski nhớ lại: "Reagan thường mời 6-7 người trong số chúng tôi tới Nhà Trắng chỉ để tán chuyện gẫu. Một lần, Reagan mặc áo khoác kẻ sọc và mời tôi uống rượu Campari; tôi bèn nói với ông ấy là nếu ông không có rượu gin thì tôi sẽ ra ngoài mua một ít ". Về chuyện công việc , vị chủ tịch ủy ban xây dựng chính sách thuế này kể: "Tôi bảo với tổng thống rằng: ông và tôi có thể làm nên lịch sử đấy". Đó là giai đoạn đầu của thời kỳ cải cách thuế. Rosty nói: "Thật đáng buồn là giờ đây những người này (tại Washington) giận dữ tới mức họ còn không thèm nói chuyện với nhau nữa", cho dù là sau 6 giờ. Nhưng đó là chuyện của những ngày xưa. Đã qua lâu rồi cái thời người ta hoạt động chính trị hăng say vào ban ngày và tối về lại trở thành bạn hữu. Cái nhận thức rằng mục tiêu chung đôi khi có thể lớn hơn những khác biệt đảng phái dường như đã trở thành một quá khứ quá đỗi xa xôi. Mới đây, cùng vào một buổi tối nhưng trong những cuộc mạn đàm khác nhau tại Washington, Joe Califano - nhân vật không thể thiếu trong chính quyền của cả hai tổng thống Johnson và Carter - và Bill Frist - lãnh đạo khối đa số của đảng Cộng hòa trong Thượng viện - cùng có những quan điểm giống nhau khi đưa ra nhận xét về bầu không khí hiện nay trên nghị trường. Cả hai cùng nói: "Washington là một thành phố đổ vỡ". Hai người chỉ ra những mâu thuẫn giữa hai đảng đang tồn tại phổ biến ở đồi Capitol. Họ và những chính khách lâu năm khác ở Washington đều nhất trí rằng sự mâu thuẫn này không phải là điều gì mới mẻ trong chính phủ Mỹ - nó tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này. Tuy nhiên, hiện nay có một số yếu tố, xét cả về mặt xã hội và cơ cấu, càng làm sâu sắc hơn sự mâu thuẫn truyền thống này, không những gây ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác chính trị và tinh thần nhân nhượng lẫn nhau mà còn xâm phạm đến bầu không khí hòa thuận, và thậm chí là cách hành xử lịch thiệp cơ bản giữa hai đảng. Kết quả của những mâu thuẫn chính trị sâu sắc này là, các thành viên của Quốc hội và Thượng viện giờ đây đã đi tới chỗ đặt vị trí chính trị gia của mình lên trên vai trò nhà lập pháp.
Tác giả: THỦY NGUYỆT (THEO TRUNG TÂM SHOREINSTEIN, ĐH HARVARD // VEF)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com