Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tạo sắc thái mới cho Bắc Mỹ

Tổng thống Mỹ B.Obama hội đàm với Thủ tướng Ca-na-đa X.Ha-pơ.

(HNM) - Ngày 19-2, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ ngày nhậm chức (20-1). Việc ông B.Obama chọn Ca-na-đa là điểm đến đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ được cả Oa-sinh-tơn lẫn Ốt-ta-oa đánh giá là bước đi đúng và thận trọng trong chính sách ngoại giao "Thay đổi" của nước Mỹ vừa khởi động.

 

Nhất là vào thời điểm Mỹ cần tạo dựng lại các quan hệ bị rạn nứt và đặc biệt là tạo niềm tin của quốc gia láng giềng về gói kích thích kinh tế với điều khoản "Mua hàng Mỹ" gây tranh cãi trên thế giới.

 

Cuộc viếng thăm nước láng giềng của ông B.Obama chỉ diễn ra khoảng 7 tiếng đồng hồ, nhưng không vì thế mà chuyến thăm tẻ nhạt. Ngược lại, chương trình nghị sự dày đặc về những chủ đề nhạy cảm như: chế độ bảo hộ, hợp tác về năng lượng sạch, vai trò của hai nước trong mục tiêu ngăn chặn tình trạng đang ngày một xấu đi tại Áp-ga-ni-xtan, nơi Mỹ có trên 30.000 quân và Ca-na-đa có 2.830 quân và đặc biệt là cải thiện quan hệ hai nước... đủ cho thấy mối quan hệ Mỹ-Ca-na-đa đã được xem là hòn đá tảng trong quan hệ Bắc Mỹ thời gian tới tại Oa-sinh-tơn.

 

Sau hơn nửa giờ hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Xtê-phen Ha-pơ, Tổng thống B.Obama đã đề nghị Ca-na-đa phối hợp giải quyết tình hình Áp-ga-ni-xtan bằng đẩy mạnh trợ giúp kinh tế cũng như tăng cường các biện pháp ngoại giao. Theo ông B.Obama, tình hình tại Áp-ga-ni-xtan không thể được cải thiện nếu chỉ áp dụng biện pháp quân sự. Dù vừa thông báo sẽ bổ sung thêm 17.000 quân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, song ông B.Ô-ba-ma tuyên bố Mỹ không muốn "ép buộc" Ca-na-đa mà để chính phủ nước này tự quyết định có kéo dài sứ mệnh của binh sĩ Ca-na-đa tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2011 hay không.

 

Về kinh tế, là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Ca-na-đa đang lo ngại về điều khoản "Mua hàng Mỹ" trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD của ông B.Obama. Theo điều khoản này, các công trình công cộng được tài trợ bởi kế hoạch trên của Mỹ phải sử dụng sắt thép và các hàng hóa khác được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã trấn an Ca-na-đa rằng, điều luật "Mua hàng Mỹ" trong gói cứu trợ kinh tế 787 tỷ USD của Mỹ sẽ không làm tổn thương quan hệ thương mại cũng như cố gắng duy trì mức trao đổi thương mại hai chiều trị giá 1,5 tỷ USD/ngày giữa hai nước. Theo ông B.Obama, người tiêu dùng Bắc Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và ông muốn thương mại tăng trưởng, chứ không phải thu hẹp. "Tôi không nghĩ có bất kỳ điều gì trong kế hoạch phục hồi kinh tế cản trở mục tiêu này". Hai nhà lãnh đạo còn nhất trí thiết lập một cuộc "đối thoại năng lượng sạch" nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu tại Bắc Mỹ.

 

Lãnh đạo hai nước đã đánh giá rất cao mối quan hệ đồng minh thân cận và hy vọng rằng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương trong tương lai. Tổng thống B.Obama phát biểu: "Tôi tới Ca-na-đa với tư cách là Tổng thống nước Mỹ để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, tôi muốn tái khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục hợp tác với các bạn bè và đối tác để cùng nhau đối phó với những thách thức chung trong giai đoạn hiện nay".

 

Rõ ràng chính sách ngoại giao của Tổng thống B.Obama với Ca-na-đa đã thể hiện đường lối chính trị của B.Obama hướng về chủ nghĩa trung dung. Do đó, chuyến thăm đã làm toát lên cảm giác rằng: Mỹ hiện là một đồng minh dễ chịu, chứ không phải cứng rắn như dưới thời G.Bu-sơ. Thêm nữa, nước láng giềng Ca-na-đa là một đồng minh gần gũi và quan trọng của Mỹ ở Bắc Mỹ. Hai nước cùng chia sẻ đường biên giới 9.000km, với 1,5 tỷ USD giá trị hàng hóa vận chuyển qua đây mỗi ngày, những gì kinh tế Mỹ đối mặt cũng là vấn đề với Ca-na-đa. Hiện nay, 76% lượng hàng hóa Ca-na-đa xuất khẩu sang Mỹ và nước này cũng là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Mỹ.

 

Ca-na-đa từ trước tới nay gần như luôn là điểm dừng chân đầu tiên, cần thiết đối với các tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cựu Tổng thống G.Bu-sơ đã phá vỡ thông lệ bằng việc chọn Mê-hi-cô là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức. Có lẽ vì vậy, người Ca-na-đa đã không dành ưu ái cho cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ lúc tại vị. Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò gần đây, Tổng thống B.Obama lại được 82% người Ca-na-đa ủng hộ.

 

Ngay sau khi chuyến thăm 7 giờ đến Ca-na-đa kết thúc, báo chí nước ngoài đưa tin rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ B.Obama đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng chính giới và người dân đất nước thanh bình này. Nhiều người dân Ca-na-đa đã đi hàng giờ trên xe buýt tới thủ đô Ốt-ta-oa để được nhìn thấy B.Obama.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, chuyến thăm của Tổng thống B.Obama đã khẳng định một sắc thái mới cho quan hệ giữa Ca-na-đa và Mỹ

( Theo báo điện tử Hà Nội mới)

  • Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc
  • Gần 5 triệu người Mỹ đăng ký trợ cấp thất nghiệp
  • Kinh tế Mỹ có thể "chạm đáy" vào mùa hè tới
  • Mỹ: Tập đoàn Wal-Mart bị kiện vì phân biệt chủng tộc
  • “Mỹ-Trung sẽ đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng”
  • Mỹ tăng hỗ trợ Fannie Mae và Freddie Mac
  • Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở
  • Thay đổi Hiến pháp ở Venezuela: Chân giá trị đã thắng