![]() |
|
Mở cửa vào năm 1993 tại Hartford (bang Connecticut – Mỹ), Bảo tàng Rác (Trash Museum) năm ngoái thu hút hơn 32.000 lượt người đến tham quan và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường - một con số kỷ lục. Ở nơi đây, ngày nào cũng là Ngày Trái đất.
Đặt chân vào bảo tàng rộng hơn 600 m2, khách tham quan sẽ được một con khủng long cao to và đầy đủ sắc màu chào đón (ảnh). Cao 3,6 m và dài 7,3 m, Trash-o-saurus (khủng long rác) trông giống như khủng long trong bộ phim hoạt hình “Robots”. Nó là tác phẩm của nghệ nhân Leo Sewell, lớn lên gần một khu bãi rác ở bang Pennsylvania. Sewell thu gom biển báo “cấm đỗ xe”, điện thoại di động, kính mát, giày dép, đồ chơi trẻ em, biển số xe, nói chung là bất kỳ cái gì ông nhặt được ở bãi rác để tạo nên Trash-o-saurus. Tất cả thành phần làm nên Trash-o-saurus đều được Sewell liệt kê trong danh sách tặng do du khách để họ tự tìm kiếm. Tuy nhiên, đó không phải là thú vui dễ dàng.
Với trọng lượng 1 tấn, “khủng long rác” tượng trưng cho khối lượng rác trung bình mà một người dân ở Connecticut vứt bỏ mỗi năm. Cũng giống như tất cả vật trưng bày trong bảo tàng, Trash-o-saurus được thiết kế nhằm giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải. “Điều thú vị là trẻ em sau khi tham quan bảo tàng trở về nhà và tuyên truyền cho cha mẹ chúng về những loại rác có thể tái chế”, Sotoria Montanari, chuyên gia giáo dục của bảo tàng, cho biết.
Ngoài “khủng long rác”, khu phân loại rác thải cũng hấp dẫn khách tham quan nhí. Đội xe của bảo tàng thu gom rác tái chế từ 20 thị trấn của bang với khối lượng bình quân 60.000 tấn/năm. Chai nhựa, giấy báo cũ, giấy cac-tông đều được phân loại thành từng khu để bán lại cho các nhà sản xuất. Cách “khủng long rác” không xa là một tác phẩm được làm bằng lon soda, có dán thông tin về quá trình sản xuất nhôm từ vật liệu tái chế với ưu điểm hạn chế ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước tới 95% so với qui trình sản xuất từ quặng bauxite.
Khách tham quan có thể rảo bước qua đường hầm phân hủy rác thực phẩm thành phân (rau trái thối, giun và vi khuẩn ở đây đều là giả). Đến đây sẽ có người thuyết trình cho du khách về quá trình phân hủy rác của vi sinh vật cũng như làm thế nào giun ăn rác và chuyển hóa thành phân tơi. Không chỉ tham quan, bạn cũng có thể tham gia trò chơi “Trash Bash” (đập đầu bằng rác). Người chơi đội nón bảo hộ và đứng phía sau cửa rào trả lời câu hỏi về kiến thức bảo vệ môi trường. Nếu trả lời sai, những người chơi khác được quyền nhấn nút để rác (dĩ nhiên là rác sạch) từ trên nóc nhà đổ xuống đầu người đó. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ rác tái chế, chẳng hạn tượng ma-nơ-canh làm bằng hộp đựng sữa nhiều màu. Được biết, tất cả vật trưng bày trong bảo tàng mỗi năm đều được “tắm rửa” một lần.
Hầu hết khách tham quan khi bước chân ra khỏi bảo tàng đều cho rằng thời gian dạo quanh bảo tàng (trung bình 1 hoặc 2 giờ) ngoài việc giúp thư giãn đầu óc còn giúp họ mở mang kiến thức và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. “Không những biết được nguồn gốc của các loại rác thải, biết được qui trình tái chế, cháu còn biết được tái chế rác sẽ có lợi cho môi trường hơn là vứt bỏ. Bởi nếu vứt đi, chúng ta có thể phá hủy môi trường sống của chính mình”, cậu học sinh lớp 5 Brooke Hiatt ở Milford đã đúc kết như vậy sau một lần đặt chân đến Bảo tàng Rác.
Theo Cơ quan Phục hồi Tài nguyên Connecticut (CRRA) – đơn vị chủ quản của Bảo tàng Rác: Trung bình một người Mỹ vứt 1,6 kg rác mỗi ngày; Mỗi giờ, dân Mỹ liệng bỏ 2,5 triệu chai nhựa; Một người Mỹ mỗi năm bình quân xài 294 kg giấy. Ngoài bảo tàng rác ở Hartford, CRRA còn có một bảo tàng rác thứ hai ở Stratford.
(Theo TÂM BÌNH - Báo Cẩn Thơ, AP, CRRA.org)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com