Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trấn an “đồng minh”

Trong bốn ngày (từ ngày 20 đến 23-7), Phó Tổng thống Mỹ Giô-xép Bai-đơn tới U-crai-na và Gru-di-a chuyến thăm đã được dư luận đánh giá là nhằm khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với hai nước này, đồng thời trấn an rằng, Oa-sinh-tơn không quên hai "đồng minh" sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga cách đó hai tuần của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

 Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Bai-đơn đã có hàng loạt cuộc gặp với các quan chức chính quyền cũng như phe đối lập ở U-crai-na và Gru-di-a. Ngay trước khi rời Oa-sinh-tơn, ông Bai-đơn đã tuyên bố rằng, mục đích chuyến đi của ông là nhằm "cân bằng tình hình trong không gian hậu Xô-viết, sau chuyến thăm Mát-xcơ-va của Tổng thống Ô-ba-ma". Ông Bai-đơn cũng công khai khẳng định tại Ki-ép và Tbi-li-xi rằng, "việc tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga không đồng nghĩa với việc Mỹ hy sinh mối quan hệ với U-crai-na và Gru-di-a".

 Rõ ràng, Mỹ muốn giúp hai quốc gia này gạt bỏ cảm giác "bị phương Tây bỏ rơi" khi Oa-sinh-tơn đang có xu hướng xích lại gần hơn với Mát-xcơ-va. Bởi thời điểm chuyến đi của ông Bai-đơn diễn ra ngay sau chuyến đi của Tổng thống B.Ô-ba-ma tới Nga với tinh thần "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ vốn xấu đi rất nhiều trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ. Việc ông B.Ô-ba-ma nhiều lần đưa ra những cam kết mạnh mẽ để cải thiện quan hệ với Mát-xcơ-va có thể làm cho U-crai-na và Gru-di-a lo lắng rằng Mỹ sẽ xa rời họ.

Thực chất, mối quan hệ giữa Nga với U-crai-na và Gru-di-a những năm qua có rất nhiều chông chênh phức tạp, thậm chí xảy ra xung đột vũ trang, đồng thời nó cũng là tác nhân làm cho quan hệ Nga - Mỹ và Nga với các nước châu Âu có nhiều trắc trở.

 Mục tiêu của những người đứng đầu chính quyền Gru-di-a và U-crai-na hiện tại là nghiêng về Mỹ và phương Tây, muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để được tổ chức này che chở về an ninh, hỗ trợ về kinh tế. Còn Nga thì không muốn điều đó xảy ra, vì nó không chỉ làm mất đi các đồng minh mà còn làm cho an ninh biên giới của mình bị thu hẹp. Chẳng vậy mà giữa Nga với U-crai-na đã từng xảy ra cuộc chiến khí đốt, làm gián đoạn việc cung cấp chế phẩm quan trọng này cho châu Âu, xung quanh việc Nga thuê cảng quân sự của U-crai-na... Còn với Gru-di-a thì vào tháng 8 năm ngoái, căng thẳng giữa Nga và Gru-di-a đã lên tới đỉnh điểm, do vấn đề Nam Ô-xê-ti-a.

 Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, nhưng đồng thời, ông Ô-ba-ma cũng nói rõ ràng với người đồng nhiệm Nga Đi-mi-tri Mét-vê-đép trong chuyến công du Mát-xcơ-va vừa qua rằng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a cần phải được tôn trọng".

 Chính vì vậy, trong chuyến công du làm yên lòng các "đồng minh", Phó Tổng thống Bai-đơn đã khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền của Gru-di-a và U-crai-na.

 Nhưng các nhà phân tích cũng nhận định rằng, ngoài sứ mệnh làm an lòng các "đồng minh", ông Bai-đơn dường như còn muốn tác động vào tương lai chính trị của hai quốc gia này trong bối cảnh Ki-ép đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm 2010 và Tbi-li-xi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng do phe đối lập liên tục biểu tình đòi Tổng thống Mi-kha-in Xa-a-ca-svi-li từ chức. Việc ông Bai-đơn hiện diện ở U-crai-na và Gru-di-a vào những thời điểm quan trọng trên chính trường của hai nước này là bằng chứng cho thấy Oa-sinh-tơn không có ý định để mặc tình hình ở đó tự phát triển. Tại cuộc gặp các quan chức ở Ki-ép và Tbi-li-xi, ông Bai-đơn đã "khéo léo" để tổng thống hai nước hiểu rằng "đã đến lúc nên trao việc điều hành đất nước cho những nhân vật khác".

 Tất nhiên, cả ông Y-u-sen-cô và ông Xa-a-ca-svi-li có vẻ không hài lòng thực sự về chuyến đi của ông Bai-đơn bởi họ kỳ vọng thật nhiều vào chuyến đi này. Vì vậy, trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Xa-a-ca-svi-li đã khẳng định rằng, ông sẽ không rời cương vị đứng đầu đất nước trước thời hạn và bảo đảm một sự chuyển giao quyền lực hòa bình ở Gru-di-a vào năm 2013 khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc. Trong khi đó, ông Y-u-sen-cô khẳng định không từ bỏ cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống U-crai-na trong cuộc bầu cử ngày 17-1-2010.

 Với những tuyên bố này đã làm dư luận hoài nghi về mục đích "ủng hộ đồng minh" trong chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ Bai-đơn.

(Theo Thùy Dương// Hanoimoi Online)

  • Mỹ trấn an Ukraine, Gruzia về quan hệ với Nga
  • Argentina nỗ lực vượt qua khó khăn
  • Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ với Ấn Độ
  • Lần đầu tiên Mỹ công khai cuộc diễn tập chung giữa quân đội Cuba và Mỹ
  • Mỹ tăng 22.000 quân cho lực lượng lục quân
  • Bô-li-vi-a: Quốc hữu hóa để chống nghèo
  • Mỹ thành lập đơn vị chuyên nghiệp thẩm vấn khủng bố
  • Oa-sinh-tơn kêu gọi thế giới chung sức chống khủng bố