Chuyện Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới tham dự hội nghị thượng đỉnh 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G8), thay vào đó là Thủ tướng Dmitry Medvedev, đang tạo ra nhiều câu hỏi về lý do thực sự của nó.
Tổng thống Putin không sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G8 để tập trung công việc đối nội khi mới lên nhậm chức . |
Theo những thông báo ngoại giao, ông Putin, người vừa trở lại ngôi vị tổng thống sau khi trải qua hai nhiệm kỳ, phải ở nhà tập trung thành lập chính phủ mới. Nhưng điều khá lạ là lẽ ra đó phải là việc của Thủ tướng Mevedev. Vì sao lại như vậy?
Đã có đồn đoán rằng việc ông Putin không tới dự G8 là nhằm mục đích trả đũa phương Tây cho những gì họ làm khi ông chạy đua vào điện Kremlin, cũng như thái độ khá lạnh nhạt của lãnh đạo một số nước phương Tây khi ông trúng cử.
Trước kỳ bầu cử ở Nga kết thúc, thế giới chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn chống ông Putin và ngay trước ngày ông nhậm chức nhiệm kỳ ba, đã xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát Nga ở Mátxcơva.
Ông chủ mới của điện Kremlin cũng từng tỏ ra tức giận khi chính phủ Mỹ hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ ở Nga “giám sát” hoạt động bầu cử.
Ngoài việc tỏ thái độ không bằng mặt khi từ chối tới dự G8, ông Putin còn tránh được những câu hỏi khó chịu của báo chí phương Tây, chắc chắn đã lên kịch bản kỹ càng trong trường hợp ông xuất hiện ở Mỹ dự hội nghị lần này.
Nhưng đồn đoán này vẫn còn thiếu cơ sở. Là ở chỗ, ngay trong buổi lễ nhậm chức hôm 7-5, ông Putin tuyên bố sẵn sàng làm việc với Mỹ trên các vấn đề liên quan lợi ích song phương và thậm chí còn nói muốn đi xa hơn nữa theo hướng này.
Thêm vào đó, cuộc tuần hành chống ông Putin hôm 6-5 không đông đảo như dự kiến và kém xa những cuộc biểu tình trong kỳ bầu cử hồi tháng 2 về quy mô nên gần như không ảnh hưởng nhiều đến lễ nhậm chức của ông.
Vì thế, nếu có đến dự G8, ông Putin hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu với tư thế của người chiến thắng.
Và dường như lý do “ở nhà tập trung đối nội” tuy ít giống một lý do chính thức lại mang nhiều phần sự thật.
Một đặc điểm của nước Nga thời hiện đại là chính phủ, về danh nghĩa là tập hợp của nhiều đảng phái nhưng đằng sau đó là những nhóm tài phiệt ngành năng lượng, thép, những ông chủ của các tập đoàn sở hữu nhà nước… Sự ổn định của nước Nga đến từ việc ai sẽ là người kiểm soát và điều phối những nhóm lợi ích ấy.
Chỉ có điều, ngay khi vừa nhậm chức mà đã phải “tập trung đối nội” là dấu hiệu cho thấy việc cân bằng các nhóm quyền lực, nhóm lợi ích của ông Putin ngày càng trở nên khó khăn hơn.
(Theo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com