Hôm thứ Bảy (3-4) Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner bất ngờ công bố đình hoãn việc trình lên Quốc hội Mỹ một báo cáo về chính sách kinh tế và tỷ giá hối đoái quốc tế lẽ ra phải trình vào ngày 15-4 tới. Sự đình hoãn này tránh cho chính quyền Obama một việc khó xử: có nên liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng đồng tiền hay không.
Quyết định của ông Geithner có thể nhằm tránh gây căng thẳng trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, như cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào-Tổng thống Barack Obama tại Washington ngày 12 và 13-4, Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung-Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 5 và Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Canada vào tháng 6-2010. Ông Geithner hy vọng qua những cuộc thảo luận rộng rãi này sẽ có được “những tiến bộ cụ thể” trong chính sách tỷ giá của Trung Quốc.
Sự đình hoãn này cũng có thể phản ánh thực trạng tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Mỹ khi trong giới chính trị gia, học giả và doanh nghiệp Mỹ vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược quanh vấn đề hòa hoãn hay cứng rắn với Trung Quốc. Theo giới phân tích, sự đình hoãn lần này cũng có thể nhằm lôi kéo Trung Quốc ủng hộ lập trường của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có biện pháp cứng rắn hơn với Iran cũng như ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân của một số quốc gia khác.
Theo báo chí Mỹ, sự đình hoãn này đã gây những phản ứng mạnh tại Quốc hội Mỹ - nơi các nhà lập pháp liên tục gia tăng sức ép đòi chính quyền Obama phải có lập trường cứng rắn hơn.
Nghị sĩ Max Baucus, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ nói rằng ông lo ngại sự đình hoãn này “lặp lại cách tiếp cận thất bại trong chính sách kinh tế Mỹ-Trung”.
Ý kiến của ông Baucus phản ánh quan điểm của một số nghị sĩ Mỹ đang dự thảo một dự luật tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu nước này không thay đổi chính sách tỷ giá theo hướng thị trường.
Báo Economist cho rằng, tình hình ở Mỹ hiện nay giống đầu năm 2005, khi Quốc hội Mỹ quyết định áp thuế 27,5% lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, buộc nước này nới lỏng tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT).
Trong ba năm kể từ tháng 4-2005, đồng NDT tăng giá 21% so với đô la Mỹ, nhưng từ cuối năm 2008, trước nguy cơ khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã lại “neo” đồng NDT vào đô la Mỹ ở mức 6,83 NDT ăn 1 đô la Mỹ.
Lần này, áp lực lên giới chính trị Mỹ càng nặng nề hơn khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi so với năm 2005 và chính quyền Obama muốn đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế. Ngay cả giới kinh doanh Mỹ - từ lâu vẫn ủng hộ Trung Quốc - nay cũng lên tiếng đòi chính quyền phải cứng rắn.
Lần này, sự chống trả của Trung Quốc cũng mạnh mẽ hơn. Báo China Daily của Trung Quốc số ra ngày 5-4 đăng bài của Đào Văn Chiêu (Tao Wenzhao), chuyên viên Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo rằng nếu xảy ra “chiến tranh thương mại”, Mỹ sẽ là người thất bại.
Theo ông Đào, nếu Mỹ tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Mỹ sẽ phải chịu nhiều hậu quả như người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho hàng hóa nhập từ các nước khác, lao động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa sẽ bị mất việc; doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc phải chịu chi phí sản xuất cao hơn, lợi nhuận thấp hơn do NDT tăng giá…
Ông Đào còn đe dọa những biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ gây khó cho chính quyền Mỹ, làm gia tăng lạm phát, đe dọa cuộc sống của giới trung lưu và người nghèo...
Trên thị trường, các thương nhân dường như không tin rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ Mỹ. Hôm thứ Ba (6-4), giá NDT kỳ hạn một năm tăng từ 6,645 NDT ăn 1 đô la Mỹ lên 6,639 NDT, nghĩa là giới kinh doanh dự báo trong một năm tới giá trị đồng NDT gần như không thay đổi.
Nhưng như vẫn thấy trong quan hệ Mỹ-Trung, những tuyên bố to tát trên báo chí đôi khi được dùng để che lấp những vụ mặc cả âm thầm giữa giới chính trị hai nước. Tuyên bố đình hoãn báo cáo của ông Geithner được đưa ra sau khi lãnh đạo hai nước - Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - có cuộc điện đàm hơn một tiếng đồng hồ vào tối thứ Năm tuần trước.
Báo Financial Times của Anh dẫn nguồn tin từ một cố vấn cao cấp của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, nước này có thể sẽ điều chỉnh chính sách neo đồng NDT vào đô la Mỹ miễn là cuộc viếng thăm Mỹ giữa tháng này của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra suôn sẻ.
Tờ báo này cũng dẫn lời ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), Giáo sư Đại học Thanh Hoa và thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho rằng, khi nào Mỹ tôn trọng những “lợi ích cốt lõi” (core interest) của Trung Quốc thì những bất đồng về chính sách tiền tệ có thể được giải quyết dễ dàng. Như vậy đã có dấu hiệu của một cuộc mặc cả lớn: Trung Quốc có thể thay đổi chính sách tỷ giá, và có thể ủng hộ một nghị quyết trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nếu “lợi ích cốt lõi” của nước này được tôn trọng.
“Lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là gì? Theo giới truyền thông Trung Quốc, trong cuộc điện đàm một tiếng đồng hồ nói trên, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng “việc xử lý đúng đắn vấn đề Đài Loan và Tây Tạng” là yếu tố lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Báo chí nước này xưa nay vẫn thường nói tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là “chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ”, kể cả ở những vùng đất bị Trung Quốc xâm chiếm bằng bạo lực và buộc thế giới phải công nhận.
Niềm tin của ông Timothy Geithner có thể thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách tiền tệ thông qua các cuộc đàm phán, song phương hay đa phương, tỏ ra thiếu cơ sở chừng nào Trung Quốc chưa đạt được điều kiện “lợi ích cốt lõi” mà họ đề ra.
(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com