Tại Thủ đô Doha (Qatar), trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao, Tổng thống Chad và Tổng thống Eriteria, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và thủ lĩnh phiến quân Phong trào Công lý và Bình đẳng (JEM) ở khu vực Darfur (miền Tây Sudan) Khalil Ibrahim vừa ký thỏa thuận ngừng bắn và "thỏa thuận khung" bao gồm các điều khoản thương lượng hòa bình tiến tới đạt một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Darfur từ năm 2003 làm 300 nghìn người chết và 2,7 triệu người mất nhà ở tại đây.
Đại diện Chính phủ Sudan (bên trái) và đại diện JEM ký thỏa thuận ngừng bắn tại Doha (Qatar). (Ảnh Reuters) |
Theo các điều khoản thương lượng hòa bình trong "thỏa thuận khung", Khartoum sẽ dành cho JEM, nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Darfur, một số chức vụ trong chính phủ và đây là một phần nằm trong thỏa thuận hòa bình tương lai. "Thỏa thuận khung" bao gồm lệnh ngừng bắn, có kế hoạch hợp nhất JEM vào quân đội Sudan và cam kết đạt được một thỏa thuận hòa bình cuối cùng vào ngày 15-3 tới, khoảng một tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống và QH ở Sudan.
Tháng 8-2001, JEM lần đầu tiên công bố sự tồn tại của mình và sự liên kết của nhóm này với Phong trào/Quân đội Giải phóng Sudan (SLM/A). Xuất thân của JEM là những nhóm nhỏ đầu tiên được hình thành từ các thành viên của Mặt trận Hồi giáo dân tộc năm 1993. JEM từng là một trong những nhóm nổi dậy không phải là người A-rập cầm vũ khí chống lại Chính phủ Sudan năm 2003, với lý do khu vực Darfur của họ bị Khartoum "bỏ rơi". Chính phủ Sudan đã huy động quân đội và các tay súng là người A-rập dập tắt cuộc nổi dậy. Mỹ cho rằng đã xảy ra cuộc diệt chủng trong cuộc chống nổi dậy ở Darfur. Khartoum đã phủ nhận cáo buộc này. Tháng 5-2007, Mỹ thắt chặt các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Sudan, trong đó có thủ lĩnh Kh.Ibrahim. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc JEM tiếp tục gây bạo lực và Ibrahim phải chịu trách nhiệm cá nhân về các hoạt động nổi loạn nhằm làm mất ổn định thêm ở Darfur. JEM đã không tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở Lybia vào cuối năm 2007 để phản đối sự có mặt của các nhóm nổi dậy mà JEM cho rằng họ không đủ tư cách ngồi vào bàn đàm phán. Tháng 3-2008, JEM yêu cầu các cuộc đàm phán hòa bình giữa JEM và Chính phủ Sudan khi cho rằng họ là lực lượng nổi dậy duy nhất ở Darfur có thể đàm phán. Sudan cho rằng các loại vũ khí mới được chuyển trực tiếp từ Chad đã biến JEM trở thành mối đe dọa quân sự trên bộ lớn nhất đối với Khartoum. Tháng 5 cùng năm, từ Darfur JEM mở cuộc tiến công vào Thủ đô Khartoum. Khoảng 200 dân thường chết vì cuộc tiến công bất thành này. Sudan cáo buộc Chad ủng hộ quân nổi dậy (Tổng thống Chad I.Deby là người bộ lạc Zagawa như thủ lĩnh Ibrahim) và cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao với Chad. Chad phủ nhận sự dính líu cuộc tiến công nói trên. Sudan và JEM bắt đầu các cuộc đàm phán vào tháng 2-2009 nhằm đưa ra các biện pháp xây dựng niềm tin. JEM muốn Chính phủ Sudan đồng ý một cuộc trao đổi tù nhân và chấm dứt ném bom các khu vực dân cư ở Darfur. JEM cũng yêu cầu Khartoum cam kết không ngăn cản viện trợ nhân đạo và hạn chế việc gây khó khăn cho những người không có nhà ở. Tuy nhiên một tháng sau, JEM đã quyết định chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Sudan cho đến khi Khartoum để cho các nhóm viện trợ trở lại Darfur. Tổng thống Al-Bashir trục xuất JEM khỏi bàn đàm phán sau khi Tòa án tội phạm quốc tế đưa ra trát bắt ông vì gây tội ác chiến tranh. Các cuộc đàm phán giữa JEM và Chính phủ Sudan được nối lại tháng 6-2009 mà không đạt được thỏa thuận nào và hai bên đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc này. Ngày 21-2, dưới sự trung gian hòa giải của Chad, Chính phủ Sudan và JEM đã đồng ý một lệnh ngừng bắn. Tổng thống Al-Bashir cho rằng đây là một phần của "thỏa thuận khung" nhằm "chữa lành" những vết thương chiến tranh ở Darfur. Một ngày sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn và "thỏa thuận khung", ngày 24-2 Tổng thống Al-Bashir tuyên bố: "Khủng hoảng tại Darfur và cuộc chiến tại đây đã kết thúc. Giờ đây là hòa bình cho Darfur". Ông Al-Bashir cũng quyết định phóng thích 57 phiến quân của JEM.
Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Khartoum và JEM, coi đây là bước đi quan trọng tiến tới một nền hòa bình toàn diện cho Sudan. Tuy nhiên, con đường tiến tới hòa bình ở Darfur còn dài. JEM không phải là nhóm nổi dậy duy nhất ở Darfur. Mặc dù bốn nhóm vũ trang có quy mô nhỏ hơn JEM cũng dự định ký thỏa thuận ngừng bắn với Khartoum, nhưng thủ lĩnh của SLM/A Mohamed el-Nur đã bác bỏ thỏa thuận này và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến. SLM/A vẫn kiểm soát vùng lãnh thổ của họ và được hàng trăm nghìn người ở Darfur ủng hộ. Không một thỏa thuận nào được duy trì nếu không có sự ủng hộ của các nhóm nổi dậy khác ở Darfur, trong đó có SLM/A. Ðã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn ở Darfur được ký nhưng đều thất bại. Thỏa thuận ngừng bắn vừa ký ở Doha là gần một năm sau thỏa thuận mới đây giữa JEM và Sudan và chỉ tồn tại được một ngày vì JEM phá vỡ. Sự xích lại gần nhau giữa Khartoum và JEM sẽ gây ra những căng thẳng mới. Bất cứ liên minh nào giữa Chính phủ Sudan và JEM chống lại SLM/A cũng sẽ làm gia tăng bạo lực. Bởi, theo "thỏa thuận khung", JEM sẽ trở thành một đảng phái chính trị sau khi đạt được hiệp định hòa bình cuối cùng. Sự xuất hiện một đảng phái mới trên chính trường Sudan sẽ làm phức tạp cho cuộc bầu cử tổng thống và QH Sudan, cuộc chạy đua đa đảng đầu tiên trong 24 năm dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. "Thỏa thuận khung" vừa được ký tuy chỉ dài ba trang nhưng nó bao gồm một loạt vấn đề cần phải thương lượng và liệu JEM và Khartoum có đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề trong một thời gian ngắn hay không. JEM cho rằng thời hạn ngày 15-3 để hai bên ký hiệp định hòa bình là không thực tế và đã yêu cầu Sudan hoãn cuộc bầu cử, một đề nghị gây tranh cãi trong chính trường nước này. Chad, nước láng giềng của Sudan từng được coi là "người hỗ trợ chủ yếu" về vũ khí và những nơi ẩn náu của các tay súng của JEM, cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Sudan. Ðầu tháng này Chad và Sudan đã đồng ý chấm dứt "cuộc chiến tranh được ủy nhiệm" kéo dài giữa hai nước, cam kết không cung cấp vũ khí và nơi ẩn náu cho quân nổi dậy của mỗi bên. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tan băng mới này trong quan hệ giữa hai nước đã góp phần dẫn tới việc JEM và Khartoum ký những thỏa thuận vừa qua, theo đó Chad đã gây sức ép đối với JEM. Theo các nhà phân tích, bất cứ thỏa thuận hòa bình nào ở Sudan dựa vào nước láng giềng Chad là không thực tế và sẽ nhanh chóng đổ vỡ. Ông A.H. Adam, người phát ngôn của JEM, nêu rõ rằng thỏa thuận ngừng bắn chỉ là tạm thời, phụ thuộc vào cách ứng xử của Khartoum, "cái vòng luẩn quẩn" có thể tái diễn và JEM sẽ lại tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang.
(Theo Văn Lục // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com