Theo sử sách Trung Quốc, trận động đất lớn xảy ra lúc chiều tối 23-1-1556, thời vua Gia Tĩnh triều đại nhà Minh, phá hủy một vùng đất rộng 840 km² bao gồm 97 huyện của các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Cam Túc, Hà Bắc, Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tô và An Huy.
Một số huyện có đến 67% dân cư chết thảm. Hầu hết những người này sống trong các “diêu động”, tức hang động nhân tạo khoét trong vách núi vùng cao nguyên hoàng thổ.
Chuyện các ngôi chùa
Hoàng thổ là đất phù sa do gió cát từ sa mạc Gobi thổi tới bao phủ cả một vùng cao nguyên. Sau thời gian dài cả triệu năm, nó biến thành đất và đá vôi sét dễ bị nước và gió làm xói mòn. Cao nguyên hoàng thổ bao trùm hầu như toàn bộ các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Cam Túc và một phần các tỉnh khác.
Thời nhà Minh, hàng triệu dân sống trong hang động vách núi vùng hoàng thổ ấy. Động đất làm sập tất cả các hang động chôn vùi người ở. Đây là nguyên nhân khiến có quá nhiều người chết.
Trận động đất mà người xưa gọi là “Hoa Huyện đại địa chấn” đã tàn phá nhiều ngôi chùa, đền đài, miếu mạo được xây dựng rất nhiều ở Trung Quốc. Trong những ngôi chùa danh tiếng được trùng tu hoặc xây cất lại có chùa Phổ Cựu ở Dung Trị, tỉnh Sơn Tây và chùa Tiểu Nhạn Tháp ở thành phố Tây An đời nhà Hán (nay là thủ phủ tỉnh Thiểm Tây).
Chùa Tiểu Nhạn Tháp ở Tây An. Ảnh: SIVA
Hiện nay, tại chùa Phổ Cựu vẫn còn một bài thơ kể chuyện tái thiết chùa, đại ý như sau: “Vào thời vua Gia Tĩnh triều Minh, có một trận động đất ở Phổ Châu. Tháp chùa Phổ Cựu bị phá hủy. Nền chùa trở thành một di tích thiêng liêng trong một thời gian khá lâu. Sau đó, quan huyện Đông Lượng hạ lệnh tái thiết chùa. Mỗi tháng, dư chấn xảy ra 3-5 lần. Tình trạng này kéo dài cả nửa năm. Ba năm sau, thỉnh thoảng vẫn còn dư chấn nhẹ. Năm năm sau mới hết”.
Chùa Tiểu Nhạn Tháp là một trong hai ngôi chùa danh tiếng ở Tây An. Ngôi chùa kia là Đại Nhạn Tháp xây cất năm 652 và trùng tu năm 704. Tiểu Nhạn Tháp được xây dựng vào khoảng năm 707-709 đời nhà Đường. Lúc đó chùa cao 45 m. Sau trận động đất năm 1556, ngôi chùa bị hư hại khá nặng, lún xuống chỉ còn 43 m với 15 tầng lầu.
Đất trồi, núi sụp
Trong biên niên sử Trung Quốc, “Hoa huyện đại địa chấn” được tường thuật như sau: Mùa đông năm 1556, một thảm họa động đất xảy ra ở hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Trấn Hoa Huyện của chúng tôi bị tàn phá nặng nề, nhiều người tan nhà nát cửa.
Núi và sông thay hình đổi dạng. Đường sá đổi hướng. Nhiều ngọn núi lung lay tận gốc. Đồi và thung lũng thay hình đổi dạng. Ở một số nơi, đất bỗng dưng trồi lên hình thành những ngọn đồi mới hoặc sụp xuống biến thành những thung lũng mới. Ở một số nơi khác, nước phụt lên, mặt đất sụp xuống hình thành những con mương mới. Nhà cửa, công sở, đền đài, miếu mạo và tường thành sụp đổ bất thình lình...
Âm thanh động đất được mô tả như sấm rền. Lửa cháy hai, ba ngày chưa tắt. Hầu hết dân chúng sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Người ta chết vì động đất, lửa thiêu, lũ lụt, cướp bóc...
Điều thú vị là thời đó người xưa đã biết rút ra một kinh nghiệm có giá trị đến ngày nay. Học giả Tần Khả Đại may mắn sống sót sau trận động đất đã truyền lại cho đời sau một kinh nghiệm như sau: “Khi động đất bắt đầu, những người ở trong nhà không nên vội bước ra ngoài.
Điều cần làm ngay là phủ phục xuống đất và chờ. Ngay tổ chim rớt xuống đất cũng có vài quả trứng còn nguyên vẹn. Điều này giải thích tại sao nhiều người chết do chạy trốn trong khi những người ở lại vẫn sống”.
Thiệt hại không thể tính hết
Những cuộc điều tra khoa học sau này cho biết tâm chấn nằm ở thung lũng sông Vệ, tỉnh Thiểm Tây, gần các trấn Hoa Huyện, Vệ Nam và Hoa Âm. Ở Hoa Huyện, tất cả những ngôi nhà đơn lẻ đều bị phá hủy, một nửa cư dân khoảng vài chục ngàn người bỏ mạng.
Tình hình ở Vệ Nam và Hoa Âm cũng vậy. Ở một vài nơi, vết đất nứt hở sâu đến 20 m. Trong bán kính 500 km kể từ tâm chấn, người chết như rạ, nhà đổ ngổn ngang. Động đất gây ra đất chùi, đá lở nên số người chết mới nhiều. Thiệt hại vật chất không thể thống kê hết.
Cường độ của trận động đất này rất lớn từ 8 đến 8,3 độ Richter, theo phân tích những dữ liệu địa chất ngày nay. Trong lịch sử thảm họa thiên nhiên, có nhiều trận động đất có cường độ lớn hơn nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng như “Hoa Huyện đại địa chấn”.
10 trận động đất gây tử vong lớn nhất 1. Thiểm Tây, Trung Quốc (TQ) ngày 23-1-1556. Cường độ: 8 độ Richter. Số người chết: Khoảng 830.000. 2. Đường Sơn, TQ, ngày 28-7-1976. Cường độ: 7,5 độ Richter. Số người chết: (Số chính thức): 255.000. Số ước tính: 655.000. 3. Antioc, Đế quốc Byzantin, ngày 20-5-526. Số người chết: 250.000. 4. Ấn Độ Dương, Bắc Sumatra, Indonesia, ngày 26-12-2004. Cường độ: 9,3 độ Richter. Số người chết: 230.210. 5. Aleppo, Syria, ngày 11-10-1138. Cường độ: 8,5 độ Richter. Số người chết: 230.000. 6. Cam Túc, TQ, ngày 16-12-1920. Cường độ: 7,8 hoặc 8,5 độ Richter. Số người chết 200.000-240.000. 7. Haiti, ngày 12-1-2010. Cường độ 7 độ Richter. Số người chết: từ 50.000 đến 200.000. 8. Ardabil, Iran, ngày 23-3-893. Số người chết: Khoảng 150.000. 9. Vùng Quan Đông, Nhật Bản, ngày 1-9-1923. Cường độ: 7,9 độ Richter. Số người chết: 143.000. 10. Ashgabat, Turkmenistan, ngày 6-10-1948. Cường độ: 7,3 độ Richter. Số người chết: 110.000. |
(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com