Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Động đất ở Haiti: Tang thương, kinh hoàng

 Mấy ngày qua, cả thế giới bàng hoàng trước thông tin trận động đất mạnh 7,3 độ ríchte xảy ra lúc 16h53 phút ngày 12-1 (theo giờ địa phương) kéo dài hơn một phút cùng với ba cơn dư chấn mạnh liên tiếp khoảng từ 5,1-5,9 độ ríchte đã san phẳng dinh Tổng thống, biến phần lớn thủ đô Poóctô Phranhxơ của Haiti thành đống gạch vụn.

Tổng thống Haiti Rênê Prêvan may mắn không ở dinh Tổng thống lúc động đất xảy ra, đã mô tả quang cảnh thủ đô Haiti (14-1) là "không thể tưởng tượng được".

Không nhà cửa, hàng nghìn người phải ngủ ngoài đường.

Quốc gia nghèo nhất vùng Tây bán cầu này, đang cố hồi phục sau 4 cơn bão kinh hoàng năm 2008, giờ đây lại hứng chịu một thảm họa chưa từng có trong hơn 2 thế kỷ qua.

Mức tàn phá của động đất thật kinh hoàng. Những thi thể bé nhỏ của học sinh vẫn còn bị dập nát bên cạnh đống đổ nát, những gương mặt hốc hác phủ bụi trắng lang thang trên đường phố, các đội cứu hộ quốc tế đang dốc toàn lực cứu các nạn nhân... là nét chủ đạo về Haiti trong 24 giờ qua. Đổ nát và chết chóc hiện diện ở mọi ngóc ngách của Thủ đô Poóctô Phranhxơ. Tâm chấn của trận động đất đúng tại khu vực tập trung nhiều cơ quan chính phủ và nước ngoài, khiến trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Văn phòng Thuế, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin, trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB)... gần như sụp đổ hoàn toàn. LHQ cho hay, ít nhất 17 nhân viên của tổ chức này đã thiệt mạng, 56 người bị thương và 150 người mất tích, bao gồm cả Trưởng phái bộ LHQ tại Haiti, ông Hêđi Annabi. Đây là tổn thất lớn nhất với tổ chức quốc tế này trong vài năm trở lại đây.

Cuộc tìm kiếm vô vọng các nạn nhân trong đống đổ nát.
* Ngày 14-1, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống nước Cộng hòa Haiti Rênê Prêvan trước những thiệt hại lớn về người và vật chất do trận động đất ngày 12-1 vừa qua gây ra.
* Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với tư cách là Chủ tịch ASEAN và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước ta cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao và Tôn giáo Haiti Ônrích Nicôlát.
* Cũng trong ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đang nhóm họp tại thành phố Đà Nẵng đã gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc trước những mất mát và đau buồn mà người dân Haiti vừa trải qua.
Ngày 14-1, phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ CNN, Thủ tướng Haiti Giăng Mắc Belơri cho rằng, số người chết trong trận động đất có thể lên đến hàng trăm nghìn người do các khu nhà ở thủ đô Poóctô Pranhxơ bị phá hủy có mật độ dân số rất đông. Cựu Tổng thống Mỹ Bin Clintơn, đặc phái viên LHQ có mặt tại Haiti sau thảm họa cho biết "có thể 1/3 diện tích lãnh thổ Haiti đã bị ảnh hưởng trong trận động đất vừa qua".

Đây là trận động đất lớn nhất kể từ năm 1770 tại Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, từng rơi vào cảnh hỗn loạn vì giá lương thực leo thang khủng khiếp hồi tháng 4-2008. Hiện có tới 75% số người dân Haiti sống với mức dưới 2 USD/ngày và một nửa trong số 8,5 triệu dân nước này không có việc làm. Vì nghèo đói nên hầu như không một công trình xây dựng nào ở Haiti đủ sức chống chọi với trận động đất đang đẩy quốc gia này vào một thảm họa nhân đạo mới. Vì thế, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Haiti.
 
Những người may mắn sống sót sau thảm họa.

Cả thế giới đang hướng về Haiti, chia sẻ những mất mát vô cùng to lớn mà người dân nước này phải gánh chịu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp hỗ trợ Haiti. Quỹ Cứu trợ khẩn cấp của LHQ (CERF) đã ngay lập tức chi 10 triệu USD để hỗ trợ cho Haiti và đội cứu hộ khẩn cấp đầu tiên của LHQ đã đến quốc đảo này. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng đã vận chuyển 86 tấn lương thực từ En Xanvađo đến Haiti. Đông đảo các nước trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ, nhanh chóng trợ giúp Haiti. Chủ tịch Cuba Raun Caxtơrô đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới Tổng thống Haiti Rênê Prêvan và đã cử một đoàn bác sĩ cứu hộ và chuyên gia về thảm họa thiên tai sang Haiti. Hơn 400 bác sĩ Cuba đang làm việc tại Haiti đã chữa trị cho gần 1.000 người bị thương trong những giờ qua.
 
Các thành viên trong Hội Cứu trợ nhân đạo (UHR) của quân đội Goatêmala đang tới Haiti.

Chính phủ Canađa đã cử ngay một đội "Phản ứng cứu trợ thảm họa" (DART) tới Haiti. Bộ trưởng Ngoại giao Canađa Lôrenxơ Cannông cho biết, có khoảng 6.000 người Canađa đang sinh sống tại Haiti và hiện chưa có thông tin về trường hợp người Canađa nào bị chết sau trận động đất. Hai máy bay vận tải hạng nặng của Mỹ đã tới Haiti với 72 nhân viên cứu hộ và hàng chục tấn thiết bị, hàng hóa cứu trợ. Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama tuyên bố, Oasinhtơn sẽ ráo riết làm mọi điều có thể để giúp nạn nhân động đất tại Haiti. Các nước Trung Quốc, Mêhicô, Vênêxuêla, Áchentina, Bôlivia, Braxin, En Xanvađo, Côlômbia, Côxta Rica, Chilê, Êcuađo, Pêru, Panama, Aixơlen, Tây Ban Nha, Đan Mạch... cũng đã cấp tốc chuyển hàng trăm tấn hàng hóa, thuốc men và cử các đội cứu hộ tới Haiti.
 

Mêhicô đã gửi một tàu bệnh viện cùng 70 tấn hàng viện trợ và khoảng 100 bác sĩ, nhân viên cứu trợ và chuyên gia y tế tới Haiti. Chính phủ Pêru đã tuyên bố quốc tang trong ngày 14-1 để bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Haiti...
 

 

(Theo Thùy Dương/HNM)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Về trận động đất tại Haiti : Số người thiệt mạng có thể đến 200 nghìn người
  • Haiti hỗn loạn trong đổ nát
  • Châu Phi khôi phục kinh tế châu lục trong 2010?
  • Rác điện tử huỷ hoại tuổi thơ
  • Năm 2010 - năm tốt lành đối với kinh tế châu Phi
  • IMF: Viễn cảnh kinh tế Châu Phi năm 2010
  • Núi lửa mạnh nhất châu Phi phun trào
  • Ai Cập xây tường thép ở biên giới dải Gaza để ngăn chặn buôn lậu