Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rác điện tử huỷ hoại tuổi thơ

Mỗi năm có hàng triệu máy tính và đồ điện tử cũ thải ra từ các nước phương Tây, hàng trăm ngàn trong số đó được đưa đến châu Phi, nơi trẻ em rã máy ra nhặt phế liệu kiếm sống rồi bị nhiễm độc…

Nhưng những đứa trẻ ở bãi thải Agbogbloshie dù chưa một lần dùng các thiết bị điện tử hiện đại vẫn biết rõ rằng máy tính dù hiệu gì nhưng cũ đến 10 năm hay 20 năm thì chỉ đáng để đốt lấy kim loại. Ảnh: Spiegel

Phủ nhem nhuốc trên các mái nhà ổ chuột Sodom ở thủ đô Accra của Ghana là thứ muội đen bốc lên từ bãi thải phế liệu Agbogbloshie. Nơi đó, những đứa trẻ có khi mới tám tuổi lục lọi trong các món hàng điện tử phế thải những cuộn dây cáp, môtơ, bản mạch máy tính, thanh RAM để đem ra chất thành đống rồi đốt. Lửa tàn, bọn trẻ con khơi tro lấy ra những thứ chưa cháy hết đem bán. Đó là những mảnh đồng, nhôm, thép, và nam châm.

Miếng ăn trong đám khói độc

Những bãi phế liệu như Agbogbloshie rải rác quanh thủ đô Accra, chứa rác điện tử nhập về từ khắp mọi nơi trên thế giới. Phần lớn máy tính ở Agbogbloshie là từ Đức, nhưng cũng có thể thấy những chiếc máy tính được đưa về từ các nơi khác trên thế giới. Nhiều máy còn dính nhãn của những cơ quan như bộ Quốc phòng Mỹ, ngân hàng Barclays của Anh, hãng British Telecom của Anh.

Các bãi rác thường do một nhóm thanh niên quản lý. Các nhóm này thường để cho những trẻ em nghèo ở các khu ổ chuột gần đó vào tìm đốt phế liệu, rồi tổ chức thu mua kim loại do chính bọn trẻ con kiếm được. Một ngày lăn lưng tìm kiếm và đốt phế liệu, một đứa trẻ ở bãi Agbogbloshie kiếm được khoảng 2 cedi (tương đương 1 euro) để mua thức ăn hay đem về giúp gia đình.

Michael Ninicyi, chủ công ty Kofi Enterprise, một trong những nguồn cung rác điện tử cho bãi Agbogbloshie, cho rằng: “Chuyện làm ăn này tốt cho Ghana và các nước khác”. Ngụ ý rằng việc Kofi Enterprise đưa rác điện tử từ phương Tây đến các bãi thải như Agbogbloshie đang giúp các nước khác tống khứ được hàng triệu tấn rác điện tử, vừa giúp những trẻ em nghèo kiếm tiền.

Điều thế giới nghiêm cấm

Hiệp ước quốc tế Basel Convention có hiệu lực từ năm 1989 được 172 quốc gia công nhận lại cấm các nước phát triển đưa máy tính phế liệu sang các nước kém phát triển. Tại khu vực Liên minh châu Âu, sau khi hiệp ước Basel có hiệu lực, các bộ hướng dẫn cũng được ban hành như WEEE (quy định xử lý thiết bị điện và điện tử không còn được sử dụng) và RoHS (kiểm soát chất thải độc hại). Tại Đức, luật về chất thải có thể phạt đến mức tù giam những người đem rác điện tử và máy tính hỏng sang các nước như Ghana.

Nhưng đó là lý thuyết. Ở Đức chẳng hạn, chi phí xử lý một màn hình máy tính cũ hay tivi cũ loại đèn hình ống CTR là khoảng 3,5 euro, nhưng chi phí đưa những thứ này sang Ghana chỉ 1,5 euro/chiếc. Người ta chọn cách rẻ hơn, dĩ nhiên là phải có cách biến hoá để không phải vào tù. Theo một nghiên cứu do viện Môi trường Ökopol tại Đức thực hiện, các công ty xuất khẩu ở nước này mỗi năm đưa 100.000 tấn rác điện tử đến lục địa đen. “Đó là công việc làm ăn trị giá đến hàng triệu euro… Cảng Hamburg là một nơi quan trọng. Những thứ không thể xuất đi qua cảng Hamburg, có thể xuất qua cảng Antwerp hay Rotterdam”, giáo sư Knut Sander, người đứng đầu nghiên cứu môi trường nói trên, cho biết.

Bỏ hay còn xài được?

Những tay buôn phế liệu quốc tế như Ninicyi còn dẫn cả thuyết “phân cách kỹ thuật số” để nguỵ biện cho những chuyến hàng nhập máy tính cũ vào Ghana, rằng mang những chiếc máy tính cũ đến cho người nước nghèo – những người không có đủ tiền và kỹ năng để sử dụng các thiết bị hiện đại – sử dụng sẽ giúp họ thu hẹp dần những khoảng cách công nghệ với thế giới.

Nhưng theo giáo sư Sander thực tế không như thế. Các công ty buôn đồ điện tử cũ được phép xuất đồ còn dùng được ra nước ngoài, và phải tái chế hay xử lý đúng quy định những thứ không còn dùng. Nhưng hầu hết sau khi thu mua đều xuất tất cả sang châu Phi, không cần biết đồ cũ ấy còn dùng được hay không. Việc kiểm tra tại các cảng biển thường không ngăn chặn được các vụ xuất khẩu rác điện tử, vì lẽ một chiếc máy tính cũ 20 năm, chẳng hạn, khi mở lên vẫn hoạt động, dù ì ạch như sên, thì vẫn là xài được, nên xuất đi là hợp pháp. Những lỗ hổng như thế trong việc quy định thế nào là một thiết bị còn sử dụng được và thế nào là một thiết bị hết sử dụng được đã góp phần giúp những chuyến tàu chở phế liệu từ Đức và châu Âu sang châu Phi thuận buồm xuôi gió.

Thiêu đốt tuổi thơ

Nhưng những đứa trẻ ở bãi thải Agbogbloshie dù chưa một lần dùng các thiết bị điện tử hiện đại vẫn hiểu rõ rằng máy tính dù hiệu Dell, Apple, IBM, hay Siemens nhưng đã cũ đến 10 năm hay 20 năm thì chỉ đáng để đốt lấy kim loại.

Năm 2008, một nhóm tình nguyện viên của tổ chức Hòa bình xanh đã đến lấy mẫu bùn, nước, đất và không khí ở các bãi thải quanh Accra để xét nghiệm. Kết quả phân tích từ một phóng thí nghiệm ở Anh cho thấy các mẫu xét nghiệm đều chứa cao quá mức các loại chất độc như chì, thạch tín, dioxin, và nhiều chất gây ung thư.

John Pwamang, giám đốc trung tâm quản lý và kiểm soát hoá chất của cơ quan Bảo vệ môi trường Ghana, biết rõ chất độc đang huỷ hoại trẻ em nghèo ở các bãi phế liệu như Agbogbloshie, nhưng ông không thể chứng minh được tác động trực tiếp của những chất độc tồn tại trong khói, trong đất, trong nước lên cơ thể bọn trẻ, dù chất độc đã khiến con sông chảy qua sát khu Agbogbloshie ngày trước xanh um cây cối và đầy chim cò nay trở thành dòng sông chết. Mike Anane, một nhà hoạt động môi trường ở Accra, cho biết: “Một số đứa trẻ ở đây sẽ chẳng chờ được đến sinh nhật lần thứ 25 của chúng”. Khói độc vẫn ngày ngày khiến phổi chúng rát bỏng và mắt chúng luôn tấy đỏ.


(Theo Hùng Khương/Spiegel/sgtt)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Năm 2010 - năm tốt lành đối với kinh tế châu Phi
  • IMF: Viễn cảnh kinh tế Châu Phi năm 2010
  • Núi lửa mạnh nhất châu Phi phun trào
  • Ai Cập xây tường thép ở biên giới dải Gaza để ngăn chặn buôn lậu
  • Kinh tế Ma-rốc sẽ được cải thiện vào năm 2010
  • Kiribati - Những di dân tị nạn khí hậu đầu tiên
  • Người châu Phi ở Quảng Châu
  • Nạn săn bắt tê giác gia tăng ở châu Á, châu Phi