Sân vận động Nelson Mandela tại Nam Phi. Ảnh : BBC. |
World Cup đã thổi luồng hưng phấn mới cho Nam Phi, xua đi sự bi quan do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nửa triệu du khách đã tới Nam Phi, tăng gấp đôi so với mong đợi, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi được cải thiện 0,4%. Tuy nhiên hiệu quả lâu dài thì còn phải chờ.
Nam Phi đã chi một lượng tiền khổng lồ cho đầu tư cơ sở hạ tầng vì lợi ích của việc đăng cai. Chỉ trước hôm khai mạc 3 ngày, hệ thống tàu cao tốc Gautrain đã được đưa vào hoạt động, với tốc độ 160 km/h nối trung tâm thành phố Johannesburg với sân bay quốc tế OR Tambo và các khu ngoại ô.
Riêng tuyến đường này đã ngốn hết 23 tỉ rand (khoảng 3 tỉ USD), xây dựng đường sắt cao tốc sẽ tiếp tục được hoàn thiện để nối trực tiếp với thành phố Pretoria –trung tâm hành chính của Nam Phi.
Bên cạnh những đầu tư hoành tráng, 40 tỉ rand đã được chi vào việc cải tạo đường xá, vì thế những xa lộ hai chiều với mỗi chiều 6 làn đường không còn hiếm nữa. Việc chi 15 tỉ rand để xây mới và tu sửa 10 sân vận động lớn cho World Cup cũng thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên các nhà phê bình cảnh báo rằng, những trung tâm đắt đỏ này sẽ chỉ là những chú voi trắng đơn độc một mình trong tương lai mà thôi.
Tổng thống Nam Phi, ông Jacob Zuma tự hào công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 rằng đất nước ông đã vượt qua khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 6% (năm ngoái tỉ lệ này là -2,5%). Trên cơ sở đó, ông kêu gọi thế giới hãy nhìn về Nam Phi và châu Phi nói chung như một lãnh địa đầu tư, chứ không phải là một nơi cần cứu trợ. (Sau Trung Quốc và Ấn độ, đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh đứng thứ ba thế giới).
Dưới thời phân biệt chủng tộc (1948-1994) , Nam Phi đã trở thành khu vực hoàn toàn tự cung tự cấp. Bây giờ chịu thêm nạn thiếu điện. Công ti Eskom cung cấp 95% điện cho đất nước –không đáp ứng nổi nhu cầu ngày càng tăng, mặc dù đã cố gắng mở rộng thêm nhiều.
Công nghiệp mỏ -ngành xuất khẩu lớn nhất của Nam Phi – cũng bắt buộc phải hoạt động với 95% công suất để tránh mất điện thường xuyên. Điều này cùng với việc công bố đình công của ngành luyện kim đúng vào thời gian giải World Cup, đã đẩy giá platinum, vàng và măng gan tăng vọt. Platinum là sản phẩm xuất khẩu quan trọng thứ hai của Nam Phi sau vàng. Sản lượng măng gan ở Nam Phi chiếm 80% của thế giới.(Cuộc đình công cuối cùng đã không xảy ra sau khi có thỏa thuận tăng lương 9%)
World Cup tạo ra 130.000 chỗ làm mới, kéo theo ngành công nghiệp ô tô. Chỉ riêng tháng sáu vừa qua 21.000 chiếc xe mới đã được bán ra trong nước. Nhờ đó công nghiệp thép cũng được đẩy theo hướng tích cực.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang qua dần, nhu cầu về thép ngày càng lớn. Nam Phi góp 52,2% sản lượng thép của khu vực này. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù có nhiều dấu hiệu thuận lợi xong cũng phải chờ tới 2014, công nghiệp thép Nam Phi mới đạt lại sản lượng của năm 2006 ( 9,72 triệu tấn). Riêng năm vừa qua xuất khẩu thép đã tăng 32%.
Điều đặc biệt là trong thời gian diễn ra World Cup tại Nam Phi, tội phạm và phân biệt chủng tộc gần như biến mất. Đáng lo ngại là sau khi niềm hưng phấn World Cup trôi đi, các xung đột sẽ bùng nổ lại.
Đầu tiên là những vấn đề liên quan tới cải cách ruộng đất, 87% đất canh tác hiện đang nằm trong tay người da trắng – chỉ chiếm 9,6% dân số. Chính phủ đang gắng sức bằng chương trình tự nguyện để giao đất tới tay người da đen, nhằm tránh tình trạng chiếm đất bằng bạo lực như đã xảy ra ở Zimbabuê.
Nếu người da trắng muốn bán đất, chính phủ sẽ mua lại để chia cho người da đen sử dụng. Mục đích là tới 2015, 30% đất canh tác sẽ được trao lại cho người da đen. Tuy nhiên chương trình này tiến triển rất chậm, đến nay mới chỉ có 3% đất đổi chủ vì không có đất được rao bán.
Trong khi tổ chức thanh niên của đảng cầm quyền ANC đang lớn tiếng thúc giục chương trình tiến triển nhanh hơn, những người chủ đất Boer thì cố gắng liên hiệp để bảo vệ những khu vườn nho nổi tiếng thế giới và ngành trồng vườn của họ.
Giải bóng đá thế giới đã kết thúc ngày 11/7 vừa qua , tác động tích cực của nó với Nam Phi là không phải bàn cãi, nhưng hiệu quả lâu dài còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư và tình hình ổn định của khu vực.
Vài số liệu về kinh tế Nam Phi: +GDP: 277,4 tỷ USD +Tăng trưởng GDP: 4,6% (quý I, năm 2010) +GDP bình quân đầu người: 5684 USD +Phân bố GDP: Nông nghiệp: 0,9%. Công nghiệp: 20.6%. Dịch vụ: 78.5% +Lạm phát: 4,6% (tháng 5/2010) +Thất nghiệp: 24% (số liệu năm 2009) +Xuất khẩu chính: Platinum, vàng, kim cương, kim loại, máy và phụ tùng. +Thị trường chính(2008): Nhật: 11,1%, Mỹ:11,1%, Đức: 8%, Anh:6,8%, Trung Quốc:6%, Hà Lan: 5,2% (Nguồn: vg.hu) |
(Theo Phan Bình // Tienphong Online // Bloomberg)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com