Hội nghị cấp cao AG lần thứ 13. Ảnh AP |
Với chủ đề "Ðầu tư nông nghiệp vì tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực", Hội nghị cấp cao (HNCC) lần thứ 13 của Liên minh châu Phi (AU) vừa diễn ra ở TP cảng Xơ-tê, phía đông Thủ đô Tripoli của Libya.
Bên cạnh đó là các chương trình nghị sự dày đặc như khẳng định quyết tâm của lục địa đen đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm triệu người dân khu vực này. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường vai trò của AU trong việc ngăn ngừa, quản lý và giải quyết các tranh chấp trong bầu cử và các điểm nóng xung đột; vấn đề người tị nạn, người mất nhà ở; thực hiện chiến lược đàm phán châu Phi - Liên hiệp châu Âu (EU); thực hiện mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ...
HNCC AU thảo luận các phương cách tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Sự tăng giá thực phẩm chóng mặt, nhất là ngũ cốc và các loại hạt lấy dầu, gây khó khăn cho người tiêu dùng châu Phi trong thời gian qua. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tình trạng tăng giá lương thực gây khó khăn cho các nước nam sa mạc Xa-ha-ra với giá gạo nội địa cao hơn nhiều 12 tháng trước đây trong khi phần lớn các nước châu Phi phải nhập khẩu gạo. Giá thực phẩm cao gây khó khăn cho khoảng 265 triệu dân châu Phi đang sống trong tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng, tỷ lệ đói nghèo tăng 12% trong những năm qua. Một số biện pháp đưa ra được cho là có hiệu quả trong việc tăng sản lượng lương thực, gồm đẩy mạnh mạng lưới nhà cung cấp và các tổ chức nông dân nhằm tăng chất lượng cây giống và phân bón, cải thiện kiến thức của nông dân về quản lý đất màu và nắm bắt các cơ hội. Một trong những biện pháp nhằm giải quyết khó khăn về lương thực là phát triển thương mại nội khối, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Phó Tổng Thư ký LHQ A.Mi-gi-rô kêu gọi châu Phi thiết lập chiến lược quốc gia phát triển nông nghiệp, tăng chi tiêu cho lĩnh vực này lên 10% ngân sách quốc gia như các nước đã cam kết, tạo việc làm giúp tăng trưởng kinh tế bền vững, nhằm giúp cải thiện đời sống của nửa số dân lục địa này đang sống trong đói nghèo. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của châu Phi. 80% dân số châu lục sống phụ thuộc nông nghiệp.
Theo đề nghị của Nhà lãnh đạo Libya, Chủ tịch AU M.Gadhafi, Hội nghị lần này còn tìm kiếm sự ủng hộ của hầu hết các thành viên nhằm đổi "Ủy ban của AU", cơ quan điều hành tổ chức này thành "Cơ quan Quản lý AU mới" nhằm tăng cường quyền lực cho cơ quan này, mà theo ý tưởng của ông Gadhafi, được coi như một "Hợp chủng quốc châu Phi" hay "Chính phủ của châu Phi". Tháng 2 vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhất trí thành lập Cơ quan AU, theo đó sẽ tập trung hóa quyền lực của châu lục 53 quốc gia này. Nhà lãnh đạo Libya Gadhafi muốn mở rộng quyền hạn của cơ quan này cả về quốc phòng, thương mại, ngoại giao. Tuy nhiên, ý tưởng này bị các nước như Nigeria, Nam Phi, Ăng-gô-la phản đối. Một số ý kiến cho rằng, cơ cấu mới như vậy sẽ là "quá sức" đối với cơ quan này. Vì vậy, tại HNCC lần này, những người đứng đầu các nước châu Phi phải vượt qua bất đồng về một "Chính phủ châu Phi". Theo đó, Chính phủ AU sẽ có Tổng thống, Phó Tổng thống và các ủy viên được thay đổi theo từng khu vực với nhiệm vụ giảm đói nghèo; phát triển cơ sở hạ tầng; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh; bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực. Nhà lãnh đạo Libya M.Gadhafi khẳng định, đây là con đường duy nhất để châu Phi chống đói nghèo, giải quyết xung đột và các thách thức của toàn cầu hóa mà không có sự can thiệp của phương Tây. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo châu Phi lo ngại sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, kinh tế, thể chế chính trị của các nước sẽ cản trở quá trình hội nhập. Sau hai ngày thảo luận, lãnh đạo các nước tham dự HNCC AU đã đạt được thỏa thuận trong việc chuyển đổi thành Cơ quan của AU. Theo bản dự thảo do Chính phủ Libya soạn và được đại diện 53 nước thành viên AU thông qua, Cơ quan Quản lý AU mới sẽ đơn giản hóa cơ cấu của AU và gia tăng quyền hạn trong các vấn đề quốc phòng, ngoại giao và thương mại quốc tế. Theo đó, Cơ quan mới này sẽ "phối hợp việc thực thi một chính sách chung", đại diện cho châu lục trong các vấn đề quốc tế khi được các nước thành viên AU ủy thác. Trong tương lai, cơ quan này cũng sẽ nắm giữ quyền chỉ huy chiến lược một lực lượng châu Phi. Tuy nhiên, trước khi có hiệu lực, dự thảo trên cần được QH 53 nước thành viên phê chuẩn. Thỏa thuận trên được coi là mốc quan trọng để các nước châu Phi tiến tới xây dựng một chính phủ liên bang quản lý "Hợp chủng quốc châu Phi". Cơ quan Quản lý AU sẽ phải giải quyết những nghi ngại của nhiều nhà lãnh đạo lục địa đen về việc thống nhất châu Phi thành một chính phủ, trong đó bao gồm cả chủ quyền quốc gia, phân chia tài nguyên và quyền lực.
KỂ từ tháng 7-2002, sau khi chính thức được thành lập thay thế Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) - thành lập năm 1963, AU đã chứng tỏ vai trò của mình trong giải quyết các vấn đề của châu lục, thúc đẩy hợp tác, phát triển và hội nhập của các nước trong khu vực. AU đã tham gia giải quyết một số điểm nóng ở châu Phi như Madagascar, Guinea Bissau, Môritani, Somalia, Zimbabwe, Sudan. AU cũng có những thành công trong thực hiện chiến lược cải cách kinh tế, giảm đói nghèo, phát triển và đổi mới châu Phi.
(Theo HỒNG CẦM // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com