Quang cảnh hoang tàn tại một ngôi làng sau các vụ tấn công - Ảnh: AFP |
Chính phủ Nigeria hôm qua đã phái binh lính đến khu vực thành phố Jos ở miền trung sau các vụ tấn công bằng dao rựa khiến ít nhất 500 người chết, khoảng 250 người bị thương.
Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người sau các vụ tấn công, xảy ra chỉ vài tuần sau một vụ bùng phát bạo lực giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo, vốn đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Báo chí địa phương đưa tin cư dân Hồi giáo ở các ngôi làng phía nam thành phố Jos, thủ phủ của bang Plateau, đã được cảnh báo bằng tin nhắn nên rời đi 2 ngày trước khi xảy ra các vụ tấn công.
Đêm kinh hoàng
Theo hãng tin AFP, các vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng 7.3. Nhân chứng mô tả các nạn nhân, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em, bị mắc bẫy thú và lưới cá khi cố chạy thoát thân và đã bị những kẻ tấn công chém chết. Ban đầu con số thương vong chính thức được đưa ra là hơn 100 người, nhưng Dan Manjang - một cố vấn của chính quyền bang Plateau, cho biết số người chết đã tăng vọt. “Chúng tôi đã thực hiện 95 vụ bắt giữ nhưng cùng lúc hơn 500 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực tàn ác này”, Manjang nói với AFP qua điện thoại. Đài phát thanh của chính phủ cũng đưa tin 500 người đã bị giết hại trong các vụ tấn công vào 3 ngôi làng hôm 7.3. Trong khi đó, nhân chứng và các nhà hoạt động nhân quyền ước tính con số thương vong vào khoảng 200 đến 250 người. Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Gregory Yenlong của chính quyền bang Plateau cho hay giới chức địa phương hôm qua đã tiến hành chôn cất tập thể các nạn nhân.
Phần lớn hành động bạo lực tập trung quanh làng Dogo Nahawa, nơi các băng nhóm thuộc bộ tộc Fulani chủ yếu theo Hồi giáo đã đốt phá những chiếc lều làm bằng rơm và bùn đất trước khi ra tay thảm sát dân làng vào rạng sáng ngày 7.3. AFP dẫn lời Frank Tatgun, một cư dân tại đây cho biết đã nhìn thấy 2 xe bọc thép và 3 xe tải quân sự đến làng này và binh lính hiện đang tuần tra. Người này cũng cho biết do an ninh được thắt chặt, không có vụ xung đột mới xảy ra vào hôm qua. Theo AP, khoảng 100 lính mặc quân phục và áo chống đạn đứng cạnh xe thiết giáp tại một ngõ vào Jos. Đường phố vắng người qua lại nhưng binh lính có vẻ căng thẳng, cầm súng ngang hông và chĩa nòng súng vào bất cứ chiếc xe hơi nào chạy qua.
Mối thâm thù
Hành động thảm sát hôm 7.3 là đợt bùng phát bạo lực mới nhất giữa các nhóm bộ tộc và giáo phái trong vùng. Vào tháng 1, 326 người đã thiệt mạng trong các vụ xung đột tại Jos, theo số liệu của cảnh sát, dù các nhà hoạt động nhân quyền cho con số hơn 550 người. Lệnh giới nghiêm vốn đã được ban bố sau từ vụ bạo loạn nói trên sẽ được duy trì nhưng các lãnh đạo Thiên Chúa giáo nói rằng nhà chức trách đã không hành động để ngăn chặn vụ thảm sát. “Ngay sau khi những kẻ vũ trang bao vây làng Dogo Nahawa, chúng tôi đã liên lạc với các quân nhân vào khoảng 1 giờ 30 sáng. Nhưng chúng tôi cảm thấy sốc khi nhận ra rằng binh lính đã không phản ứng đến khoảng 3 giờ 30 sau khi những kẻ tấn công làm xong việc và rút đi. Vụ tấn công là một cuộc thánh chiến và là hành động khiêu khích khác”, tổ chức Diễn đàn tư vấn huynh trưởng Thiên Chúa giáo bang Plateau nói trong một tuyên bố.
Nhân chứng cho hay các nhóm vũ trang đã nổ súng chỉ thiên để lùa dân làng ra khỏi nhà và dùng dao rựa chém họ. Theo hãng tin AP, thi thể của nạn nhân nằm dọc các con đường đầy bụi trong làng. Thi thể của những đứa trẻ xấu số quấn vào nhau tại một nhà xác địa phương, trong đó có đứa bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Người sống sót kể lại rằng những kẻ tấn công có thể phân biệt người Fulani với người Berom bằng cách hô vang từ “nage”, tiếng Fulani có nghĩa là “gia súc”. Những người không đáp lại với cùng ngôn ngữ lập tức bị chém chết. Một tờ báo địa phương cho biết các nhóm vũ trang đã hô vang câu “Allah là vĩ đại nhất” bằng tiếng Ả Rập trước khi xông vào nhà của người Thiên Chúa giáo. Các cư dân khác cho biết một số người Hồi giáo đã nhận được tin nhắn SMS cảnh báo họ rời khỏi khu vực trên trước vụ tấn công. Khoảng 600 người đã trốn thoát sang một trại dã chiến ở bang Bauchi kế cận, nơi một số nạn nhân của vụ bạo lực hồi tháng 1 vẫn đang lưu ngụ.
Quang cảnh hoang tàn tại một ngôi làng sau các vụ tấn công - Ảnh: AFP |
Trong tuyên bố đưa ra tối 7.3, quyền Tổng thống Goodluck Jonathan cho biết lực lượng an ninh tại Plateau và các bang lân cận đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ nhằm bảo đảm bạo lực không lan rộng, cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử vũ trang từ bên ngoài. Phát ngôn viên của chính quyền bang Plateau Yenlong cho biết cảnh sát đang truy bắt Saleh Bayari, thủ lĩnh của người Fulahi trong vùng, do những phát biểu của Bayari đã kích động các vụ tấn công. Tuy nhiên, Bayari đã bác bỏ cáo buộc này.
Vụ bạo lực mới nhất cho thấy Nigeria đang trong tình thế nguy hiểm khi nước này tiến gần đến giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2011 với nỗi lo liệu ai đang thực sự điều hành đất nước. Cách đây gần 2 tuần, Tổng thống Umaru Yar’Adua trở về nước sau 3 tháng chữa bệnh tại Ả Rập Xê Út nhưng không xuất hiện trước công chúng. Nỗi lo về sự tranh giành quyền lực giữa bộ sậu thân tín của ông Yar’Adua - người muốn níu giữ quyền lực, và quyền Tổng thống Jonathan gia tăng kể từ khi nhà lãnh đạo 58 tuổi được đưa về bằng máy bay vào đêm khuya và chuyển đi trên xe cứu thương.
Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng vụ tấn công có vẻ như để trả thù cho vụ bạo động hồi tháng 1, khi đó đa số người Hồi giáo đã bị giết hại. “Tôi nghĩ đó là sự trả thù của người Fulani cho những vụ tấn công trước đó”, nhà hoạt động nhân quyền Shehu Sani nói với AFP. Dân địa phương nói các vụ tấn công hôm 7.3 là hậu quả của mối thù không nguôi giữa người Fulani và người Berom, vốn bắt đầu từ một vụ ăn cắp gia súc và được “hâm nóng” thêm bằng đợt bạo lực hồi tháng 1. Bang Plateau nằm tại giao điểm giữa miền bắc với đa số người Hồi giáo và miền nam theo Thiên Chúa giáo của Nigeria, và sự tranh giành quyền kiểm soát những vùng đất trồng trọt màu mỡ giữa các nhóm bản địa và người định cư đến từ miền bắc đã gây ra nhiều vụ bạo động trong 1 thập kỷ qua. |
(Theo Trùng Quang // Thanhnien Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com