Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Âm thầm, hiệu quả

Trung Quốc từng lặng lẽ qua mặt châu Âu về quan hệ thương mại và đầu tư ở châu Phi, nay lại âm thầm thâm nhập sâu rộng tại Mỹ Latinh, nơi là thị trường truyền thống của Mỹ và châu Âu. Dư luận từ trước đến nay không chú ý lắm đến sự có mặt của Trung Quốc ở phía Nam Tây Bán Cầu, nhưng con số mới công bố gần đây đã làm giật mình thế giới: kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Mỹ Latinh đã tăng hơn 10 lần trong vòng chưa đến 7 năm, từ 12 tỷ USD năm 2002 lên 140 tỷ USD năm 2008.

Bà Dante Sice, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Abeceb, một công ty tư vấn tại thủ đô Buenos Aires của Argentina nhận xét Trung Quốc đang có điều kiện rất thuận lợi để phát triển quan hệ nhiều mặt tại đây.

Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Thời gian gần đây Trung Quốc đã thương lượng được một số hợp đồng phát triển đáng chú ý tại Mỹ Latinh.

Ngày 17-4 Trung Quốc đã ký với Venezuela một loạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và thủy điện và cung cấp khoản tín dụng dài hạn trị giá 20 tỷ USD cho các dự án lớn ở quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này. T

hỏa thuận này bổ sung cho quỹ đầu tư Trung Quốc - Venezuela hiện có tổng số vốn 12 tỷ USD mà Bắc Kinh đã chi để đổi lấy dầu mỏ. Venezuela cũng cam kết tăng vận chuyển dầu cho Trung Quốc lên một triệu thùng/ngày từ mức hiện nay là 380.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, Trung Quốc còn ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ 10 tỷ USD với Argentina, vừa hỗ trợ Argentina có tiền trả cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vừa giúp đồng nhân dân tệ có thêm lợi thế để trở thành đồng tiền dự trữ thay thế của thế giới.

Bên cạnh đó Trung Quốc còn cho Brazil vay 10 tỷ USD để khai thác dầu ngoài khơi và đổi lại sẽ cung cấp cho Trung Quốc 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Rõ ràng Trung Quốc đã chọn đúng thời cơ khi mà các nước này đang khát vốn và Mỹ đang bận xoay xở với nền kinh tế của chính mình.

Các nước trong khu vực có Ngân hàng Liên châu Mỹ sẵn sàng ứng cứu khi các nước cần nhưng có vẻ họ thích vay của Trung Quốc hơn vì điều kiện không quá khắt khe và không cần lấy lòng Mỹ, người có quyền phủ quyết lớn nhất trong ngân hàng này.

Điều đáng chú ý là việc Trung Quốc khai thác tài nguyên khoáng sản không gây ra những phản ứng tiêu cực ở Mỹ Latinh như đã từng xảy ra ở một số khu vực đang phát triển khác (như ở châu Phi). Bởi sức tiêu thụ tài nguyên rất lớn của Trung Quốc cũng như giá nguyên liệu tăng kèm theo đó là hàng hóa giá rẻ từ nước này đã hỗ trợ cho tăng trưởng khu vực và giúp các quốc gia Mỹ Latinh giảm bớt sự phụ thuộc vào tiêu dùng Mỹ.

Các nhà phân tích dự báo không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ tại chính vùng đất từng được xem là sân sau của Mỹ, bằng những bước đi không ồn ào nhưng rất hiệu quả nhờ chọn đúng thời cơ và tránh đối đầu trực tiếp với lợi ích của Mỹ.


(Theo Việt Anh/SGGP)